
Người bệnh chờ phát thuốc BHYT ngoại trú tại Bệnh viện quận Gò Vấp (TP.HCM) vào trưa 18-1 - Ảnh: XUÂN MAI
Thực tế để người bệnh từ khâu đi khám
Người bệnh chờ phát thuốc BHYT ngoại trú tại Bệnh viện quận Gò Vấp (TP.HCM) vào trưa 18-1 - Ảnh: XUÂN MAI
Thực tế để người bệnh từ khâu đi khám
Khoa khám bệnh Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI
Đơn giản hóa thủ tục, tránh phiền hà cho người bệnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Minh Bằng - phó trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) - cho biết hiện nay vẫn có tình trạng người dân bệnh nhẹ nhưng do không tin tưởng tay nghề chuyên môn bác sĩ tuyến dưới đã đổ về tuyến trên để thăm khám.
Điều này gây quá tải và kéo dài thời gian chờ đợi khi thăm khám BHYT. Nhiều trường hợp thấy người thân điều trị tuyến trên tốt, bạn bè giới thiệu đã lên thẳng tuyến trên gây quá tải.
"Người bệnh nhẹ có thể trực tiếp thăm khám trước tại tuyến y tế cơ sở. Trường hợp vượt quá khả năng điều trị, người bệnh sẽ được chuyển tuyến để tránh tình trạng quá tải, chờ đợi lâu", bác sĩ Bằng nói.
Để giảm được thời gian chờ đợi cho người bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bác sĩ Bằng cho hay đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ phục vụ người bệnh: đăng ký khám bằng dấu vân tay, đặt lịch hẹn online đến giờ có thể vô thẳng phòng khám tại bệnh viện, liên kết ngân hàng mở thẻ khám bệnh thông minh...
Đối lập hình ảnh bệnh nhân khám BHYT xếp hàng chờ đợi tại các bệnh viện tuyến cuối thì các bệnh viện tuyến quận, huyện thưa thớt hơn.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM), bác sĩ Nguyễn Thị Trúc Chi - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện - cho biết trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận thăm khám 1.400 - 1.500 lượt bệnh nhân, trong đó khám BHYT chiếm 85%.
Thời gian trung bình mỗi bệnh nhân hoàn tất khám bệnh cho đến nhận thuốc tại bệnh viện là khoảng 30 phút, chưa tính thời gian xét nghiệm. Hy hữu trường hợp bệnh nhân không khám kịp trong buổi sáng là họ đến bệnh viện trễ hoặc hệ thống mạng bị lỗi.
Để có kết quả này, bệnh viện đã sắp xếp khu tiếp nhận bệnh đến các phòng thực hiện khám cận lâm sàng (siêu âm, đo điện tim, xét nghiệm máu, chụp X-quang), thu tiền, phát thuốc... gần nhau nên rút ngắn được thời gian di chuyển cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, việc áp dụng nhận bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chip đã hỗ trợ cho việc kiểm tra hồ sơ của bệnh nhân. Bệnh viện cũng tăng cường nhân sự về khoa khám bệnh với mỗi phòng khám có hai bác sĩ, thay vì trước đây chỉ có một.
Trước thực trạng người bệnh khám BHYT còn phải chờ đợi lâu, bác sĩ Bằng đưa ra giải pháp là các bệnh viện phải ứng dụng công nghệ thông tin ở mọi khâu khám bệnh, tăng cường thêm nhân viên y tế.
Đối với tuyến y tế cơ sở cần tập trung nâng cao tay nghề chuyên môn, ưu tiên chế độ để các bác sĩ học tập nâng cao trình độ, tăng cường hội chẩn chuyên khoa giữa tuyến trên và tuyến dưới...
Rà soát quy trình thủ tục hành chính
Theo Sở Y tế TP.HCM, đa số các bệnh viện hiện nay thực hiện thủ công trong công tác cấp các loại giấy chứng nhận, do đó người dân còn không hài lòng về thời gian chờ. Chữ ký số vẫn chưa được triển khai tại nhiều cơ sở y tế.
Ngoài ra, người bệnh còn một số ý kiến cho rằng cơ sở khám chữa bệnh chưa hướng dẫn phân biệt rõ ràng, minh bạch các thủ tục hành chính nên gây nhầm lẫn cho người dân. Người bệnh còn cho rằng thời gian chờ khám bệnh, thực hiện cận lâm sàng cần cải tiến rút ngắn hơn nữa.
Trong thời gian tới, để khắc phục được tình trạng trên Sở Y tế sẽ tiếp tục rà soát các quy trình dịch vụ liên quan đến thủ tục hành chính tại các bệnh viện nhằm rút gọn, điều chỉnh các bước tạo điều kiện cho người dân.
Ngoài ra, nhân rộng mô hình cấp các thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến, tăng cường phối hợp công nghệ thông tin ứng dụng trong quy trình khám chữa bệnh, phân luồng, điều phối giảm giờ cao điểm.