Bên trong cuộc cách mạng số của MB

Admin

Bắt nguồn từ quyết tâm chiến lược của ban lãnh đạo, MB đang thực hiện cuộc cách mạng toàn diện để trở thành một "doanh nghiệp số" . Đây là hành trình tái định nghĩa cách ngân hàng vận hành với gần 97% giao dịch được thực hiện qua kênh số.

Bên trong cuộc cách mạng số của MB ảnh 1

Vài năm trước, không nhiều người nghĩ một ngân hàng có gốc quân đội lại có thể trở thành một thế lực đáng gờm trên đường đua công nghệ. Nhưng giờ đây, với hơn 30 triệu khách hàng, hơn 3 tỷ giao dịch mỗi năm, bình quân ~ 9 triệu giao dịch mỗi ngày trên App MBBank và gần 97% lượng giao dịch được thực hiện trên kênh số, giữ vững vị trí top 1 quy mô Napas. Câu chuyện của MB đã trở thành một trong những ví dụ điển hình nhất về chuyển đổi số tại Việt Nam.

Đối với MB, chuyển đổi số không phải là một lựa chọn, mà là một chiến lược sống còn của Ngân hàng.

MB hướng tới việc chuyển đổi số toàn diện cả tổ chức, từ quy trình vận hành nội bộ, cách thức làm việc, cho đến văn hóa doanh nghiệp. Mục tiêu là biến MB thành một "doanh nghiệp số" thực thụ - không chỉ trên kênh giao dịch điện tử, mà là một mô hình hoạt động hoàn toàn mới, tích hợp công nghệ, dữ liệu và quy trình tinh gọn, giúp khách hàng tiếp cận dịch vụ mọi lúc – mọi nơi – mọi nhu cầu trên một hệ sinh thái duy nhất.

Điểm khác biệt của MBbank là năng lực làm chủ công nghệ, khả năng tự phát triển nền tảng số và linh hoạt kết nối với các đối tác fintech.

Áp lực chuyển mình và bài toán từ hạ tầng truyền thống

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng ngày 15/4/2025, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB Lưu Trung Thái đã có phát biểu về việc ngân hàng cần thay đổi tư duy và áp dụng phương pháp của các công ty công nghệ để thúc đẩy chuyển đổi số và tăng trưởng. Điều này đặc biệt quan trọng và là yếu tố tiên quyết để ngân hàng có thể thích ứng với môi trường kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng và tận dụng tối đa các cơ hội từ công nghệ.

Bên trong cuộc cách mạng số của MB ảnh 2

MB hướng tới việc chuyển đổi số toàn diện cả tổ chức, từ quy trình vận hành nội bộ, cách thức làm việc, cho đến văn hóa doanh nghiệp.

Hiện nay tỷ lệ đầu tư cho CNTT của MB mỗi năm đang chiếm khoảng 4,5% trên tổng doanh thu. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về khách hàng và giao dịch, Ban lãnh đạo MB xác định cần đầu tư cho công nghệ khoảng 100 triệu USD liên tục trong vòng 7 năm với mục tiêu áp dụng công nghệ mới nhất để giải bài toán có khách hàng nhanh chóng nhất.

Bên cạnh đó, MB còn đầu tư mạnh vào đào tạo và phát triển nguồn lực với đội ngũ hơn 1.100 nhân sự Công nghệ thông tin, chiếm ~ 8% tổng nhân sự của ngân hàng.

"MB xác định chuyển đổi số là cơ hội, là mục tiêu chiến lược với tầm nhìn trở thành một doanh nghiệp số vào năm 2026"- Ông Vũ Ngọc Thành, Phó Giám đốc Khối Công nghệ thông tin của MB chia sẻ. Đích đến rất rõ ràng, nhưng con đường hiện thực hóa gặp thách thức đầu tiên và lớn nhất đến từ chính nền tảng hạ tầng công nghệ.

Trong suốt nhiều năm, hạ tầng CNTT truyền thống (on-premise) của MB đã được đầu tư bài bản tạo nền tảng vững chắc để triển khai và vận hành ổn định các hệ thống CNTT của Ngân hàng. Tuy nhiên, trước tốc độ chuyển đổi số mạnh mẽ và bài toán phải nhanh chóng mở rộng quy mô để chiếm lĩnh thị trường; MB nhận thấy rằng cần thay đổi chiến lược trong kiến trúc hạ tầng để đáp ứng linh hoạt hơn các yêu cầu mới.

Ông Vũ Ngọc Thành cho biết, MB cần đáp ứng nhu cầu tài nguyên lớn cho các chương trình ngắn hạn với một khoảng thời gian ngắn (từ vài giờ đến vài ngày). Trong khi việc đầu tư và mua sắm hạ tầng truyền thống thường phức tạp và kéo dài trung bình từ 3 đến 6 tháng thì việc sử dụng hạ tầng Cloud chỉ với 1 cú click chuột giúp MB dễ dàng đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường và mở rộng quy mô kinh doanh khi cần thiết.

Việc sử dụng hạ tầng Cloud cho phép ngân hàng thử nghiệm và triển khai các dịch vụ mới nhanh chóng, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh, dữ liệu của khách hàng được lưu trữ trên cloud có khả năng phục hồi tốt hơn và linh hoạt hơn.

Ngoài ra, trong quá trình hợp tác với các đơn vị bên ngoài, MB cần triển khai vùng tài nguyên độc lập để đối tác có thể chủ động quản trị, đảm bảo an toàn và giảm thiểu tác động đến hạ tầng chung. Đây là điểm hạn chế trong hệ thống on-premise được thiết kế đồng bộ theo quy trình nội bộ đặc thù.

Chính những rào cản này đã thúc đẩy MB lựa chọn chiến lược kết hợp giữa “thành trì” on-premise và sự linh hoạt của điện toán đám mây – đặt nền móng cho kiến trúc hybrid cloud hiện đại.

Kiến trúc Hybrid Cloud có gì đặc biệt?

Ông Thành cho biết: “Trong quá trình chuyển đổi số, yếu tố bảo mật và tuân thủ pháp lý luôn được MB đặt lên hàng đầu”. Các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam là một trong những yếu tố tiên quyết. Điều này khiến MB ưu tiên các nhà cung cấp có hạ tầng trong nước và phải đạt các tiêu chuẩn an toàn thông tin quốc tế.

Bên trong cuộc cách mạng số của MB ảnh 3

Trong chiến lược đa đám mây (multi-cloud) nhằm khai thác tối đa thế mạnh của từng đối tác, Viettel Solutions với nền tảng Viettel Cloud đã trở thành một mảnh ghép quan trọng. Tuy nhiên, mô hình hybrid cloud thường đối mặt với thách thức lớn về quản trị phức tạp và đảm bảo tính nhất quán giữa các môi trường.

Cách làm của MB là duy trì đội ngũ kỹ sư CNTT và chuyên gia có năng lực chuyên môn sâu về các mảng lĩnh vực cloud, linh hoạt và ứng phó nhanh với sự thay đổi của thị trường.

Sự linh hoạt và tốc độ của hạ tầng Cloud được thể hiện rõ nét qua câu chuyện triển khai dịch vụ eKYC (định danh khách hàng điện tử). MB là một trong những ngân hàng đi đầu thị trường về dịch vụ này bằng việc triển khai giải pháp trên Public Cloud.

“Tuy nhiên, sau khi có yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về việc phải lưu trữ dữ liệu khách hàng ở trong nước, chúng tôi đã phải chuyển dịch các giao dịch từ public cloud về lại hạ tầng private cloud trong nước của MB. Quá trình này bao gồm việc đánh giá đối tác, tìm giải pháp, chuyển đổi, đào tạo… trong thời gian khá ngắn, khoảng 3-5 tháng”, ông Thành kể lại.

Khả năng đáp ứng nhanh chóng trong một dự án phức tạp như vậy chính là minh chứng cho năng lực của đội ngũ MB và sự sẵn sàng của hạ tầng từ các đối tác chiến lược. “Năng lực về hạ tầng Cloud cũng như đội ngũ chuyên gia của Viettel đã giúp MB triển khai nhanh các dịch vụ cung cấp cho khách hàng, điển hình như dịch vụ eKYC với yêu cầu cao về tải và an ninh”, ông Thành cho biết.

Bên cạnh Cloud, sự hợp tác với Viettel còn được mở rộng ở nhiều lĩnh vực khác như cung cấp hạ tầng cho trung tâm dự phòng thảm họa (DR), các giải pháp giám sát an ninh SOC và dịch vụ đánh giá an toàn bảo mật cho các sản phẩm của MB. Tất cả những mảnh ghép này tạo nên một nền tảng vững chắc, một “bệ phóng” công nghệ giúp MB tăng tốc.

Bên trong cuộc cách mạng số của MB ảnh 4

Một trung tâm dữ liệu của Viettel

Số lượng giao dịch mỗi năm tăng gấp đôi, nhưng nhân sự không tăng

Kết quả của hành trình chuyển đổi số tại MB không chỉ nằm trên những con số báo cáo, mà thể hiện ở chính cách ngân hàng này vận hành và phát triển.

Về mặt tài chính, việc chuyển dịch lên cloud giúp MB tối ưu chi phí vận hành hàng tháng khoảng 30%.

Quan trọng hơn, nền tảng hạ tầng vững chắc đã mở đường cho MB ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất. Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ngân hàng này khai thác mạnh mẽ để nâng cao năng suất và quản trị rủi ro. “Nhờ có AI, hệ thống của MB đã gia tăng khả năng phát hiện và phòng ngừa rủi ro. Mỗi tháng, chúng tôi đã phát hiện, ngăn chặn và bảo vệ cho gần 5000 khách hàng với tổng giá trị tài chính lên tới hàng trăm tỷ đồng trên APP MB” ông Thành tiết lộ.

Bên cạnh đó, Giải pháp số hóa tài liệu dựa trên trí tuệ nhân tạo GENAI và Agentic Ai giúp tự động xử lý, phân tích, truy xuất thông tin tự động đồng thời hỗ trợ người dùng đơn giản hóa việc nhập liệu và kiểm tra, hỗ trợ ra quyết định:

- Phát hành thư tín dụng nhập khẩu (LCNK) cho tỷ lệ chính xác lên đến 93%, giảm 16% thời gian toàn trình, giảm 22% thời gian khâu vận hành

- Tư vấn phát hành LCNK: tỷ lệ chính xác lên đến 90%, giảm 20% thời gian tư vấn

Trợ lý ảo (AI Agent) của MB đã và đang hỗ trợ người dùng tìm kiếm thông tin, thực hiện các tác vụ mà họ mong muốn. Đặc biệt, AI hỗ trợ rất tốt trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng của kỹ sư CNTT cho quá trình xây dựng, phát triển phần mềm. Theo ông Thành, khả năng tăng năng suất có thể đạt 30-40%.

Tất nhiên, việc áp dụng AI đòi hỏi nguồn tài nguyên khổng lồ, đặc biệt là các bộ xử lý chuyên dụng GPU. “Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt. MB cũng đang làm việc với các đối tác như Viettel để có hạ tầng GPU, đáp ứng nhu cầu này”, ông Thành cho biết thêm.

Từ một ngân hàng đi theo mô hình truyền thống, MB đã thực sự lột xác để trở thành một doanh nghiệp số. Với mục tiêu đến năm 2026, 50-70% doanh thu sẽ được tạo ra từ các nền tảng số và xa hơn là phục vụ 40 triệu khách hàng vào năm 2029, tích hợp sâu công nghệ AI, Open Finance vào toàn hệ sinh thái dịch vụ tài chính.