
Phiên tòa xét xử các bị cáo trong đường dây lập hàng trăm công ty “ma” mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Vậy phải làm gì để bịt lỗ hổng từ các doanh nghiệp "ma"?
Thuê người lập cả trăm công ty "ma"
Vào khoảng thời gian từ tháng 11-2020 đến tháng 12-2023, khi nhận thấy nhiều doanh nghiệp có nhu cầu mua bán trái phép hóa đơn GTGT, ông Nguyễn Khắc Điền (45 tuổi, trú TP.HCM) đã bắt đầu nảy sinh ý định phi pháp. Ông này thuê nhiều người thành lập 154 công ty với chi phí thành lập doanh nghiệp, đăng ký chữ ký số, mua dịch vụ hóa đơn điện tử, mở tài khoản ngân hàng và làm con dấu là 30 triệu đồng/công ty, tương đương tổng số tiền 4,62 tỉ đồng.
Sau khi lập 154 doanh nghiệp, ông Điền bàn giao cho cấp dưới Trần Thật Thà quản lý, tổ chức xuất bán trái phép hóa đơn.
Và để vận hành đường dây bán trái phép hóa đơn, những người trong nhóm trên thuê căn hộ ở TP.HCM làm văn phòng hoạt động, cùng với đó là thuê nhân công tham gia giúp việc. Song song với việc xuất bán hóa đơn nói trên, đường dây này còn lập cả hệ thống các "chân rết" trung gian để bán hàng và kết nối với nhau thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook.
Quá trình điều tra xác định đường dây này đã xuất bán 71.678 tờ hóa đơn GTGT; doanh số chưa thuế trên hóa đơn là hơn 8.300 tỉ đồng; thuế GTGT trên 764 tỉ đồng. Ông Điền hưởng tổng số tiền hơn 67 tỉ đồng.
Cũng với thủ đoạn trên là một đường dây quy mô khác do ông Lê Minh Châu (trú TP.HCM, đã chết) cầm đầu.
Tương tự, ông Châu đăng ký thành lập và điều hành quản lý chung, tổ chức hoạt động của 106 công ty và thuê nhà tại quận Tân Phú cũ (TP.HCM) làm văn phòng để thực hiện hành vi xuất bán trái phép hóa đơn.
Với sự giúp sức của nhiều thuộc cấp, nhóm trên đã xuất bán trái phép 62.117 tờ hóa đơn GTGT; doanh số trước thuế là hơn 13.331 tỉ đồng; thuế GTGT là hơn 1.244 tỉ đồng.
39 người và 8 pháp nhân thương mại liên quan vụ mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế nói trên vừa bị TAND TP Đà Nẵng xét xử và tuyên các mức án khác nhau.
Bịt lỗ hổng thế nào?
Luật sư Trần Hậu - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng - nhìn nhận việc thành lập doanh nghiệp nhưng không sản xuất kinh doanh, dùng doanh nghiệp làm bình phong để thực hiện các hành vi phạm pháp để lại hậu quả rất nặng nề cho môi trường kinh doanh lành mạnh.
Nếu các doanh nghiệp được mở ra để xuất hóa đơn ảo, mua bán hóa đơn, dùng pháp nhân để thao túng thị trường, buôn bán hàng giả và thực hiện các hành vi gian lận thương mại khác sẽ làm cho thị trường bị lũng đoạn, Nhà nước bị thất thu thuế, người dân bị hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại về tài sản và sức
khỏe. "Hiện nay các doanh nghiệp được thành lập rất dễ dàng ở Việt Nam, chỉ cần một số thao tác có thể đăng ký và việc này được tiếp nhận và giải quyết trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với các thủ tục hành chính ngày càng được đơn giản hóa để tạo điều kiện cho người dân tham gia kinh doanh.
Do đó rất dễ để các đối tượng có hành vi phạm pháp lợi dụng thành lập các doanh nghiệp "ma". Từ việc sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác làm người đại diện, đăng ký khống vốn, đăng ký địa chỉ ảo và kê khai các thông tin không trung thực, các công ty "ma" được tạo ra dễ dàng và cũng rất dễ dàng nhũng loạn thị trường" - luật sư Hậu chia sẻ.
Cũng theo luật sư Trần Hậu, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp là chủ trương đúng, khuyến khích người dân tham gia thị trường, tham gia kinh doanh là điều rất cần. Tuy nhiên còn sự tồn tại của các doanh nghiệp "ma" thường là do các khâu hậu kiểm và liên quan đến việc quản lý sự vận hành của các doanh nghiệp.
Các hoạt động gian lận thương mại liên quan đến hoạt động quản lý về công thương, hành vi xuất hóa đơn ảo, giả lại liên quan công tác quản lý thuế.
Do đó nếu chúng ta đã mở cửa cho việc đăng ký doanh nghiệp dễ dàng thì các hoạt động hậu kiểm đối với các doanh nghiệp cần có giải pháp.
Nếu doanh nghiệp vẫn cứ mở nhưng các khâu kiểm soát về kinh doanh, về thuế được thực thi trên thực tế tốt thì sẽ không có cửa cho sự tồn tại của các doanh nghiệp "ma" hay các hành vi bất chính về thương mại.
Nếu kiểm soát được, không cho phép hiện tượng gian thương tồn tại thì tự khắc các công ty "ma" sẽ tự biến mất trên thị trường.
"Chúng tôi cho rằng thực tiễn quản lý ở khâu hậu kiểm, giám sát và phát hiện các sai phạm là điều rất cần để đảm bảo các doanh nghiệp ra đời cần phải tuân thủ pháp luật và không dám sai phạm. Thời gian qua hàng loạt các vụ xử lý đối với các hành vi gian lận thương mại, chế tài thật mạnh mẽ và thực thi công bằng trên thực tế sẽ giúp làm trong sạch lại thị trường, từ đó các công ty "ma" không còn chốn nương thân" - luật sư Hậu nêu quan điểm.
Bị khởi tố vì mua hóa đơn của công ty "ma"
Cuối tháng 5 vừa qua, Phòng cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Quảng Bình cũ) triệt phá đường dây mua bán hóa đơn trái phép tại một số công ty hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lao động ở nhiều tỉnh thành cả nước. Công an đã khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Như Thành và Lê Thế Hải (thành viên góp vốn và giám đốc Công ty TNHH cung ứng nhân lực Win Group); Lê Quang Hải (chủ sở hữu Công ty cổ phần IQ Group, cùng có trụ sở tại Yên Bái) về tội mua bán trái phép hóa đơn.
Qua điều tra ban đầu cho thấy từ năm 2022 đến 2024, kế toán của những công ty này đã thông đồng với những nghi phạm nói trên cùng nhiều người liên quan mua bán trái phép 621 tờ hóa đơn GTGT của các công ty "ma" tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Tổng trị giá hàng hóa "ảo" từ số hóa đơn này lên đến gần 350 tỉ đồng.
Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án để xử lý nghiêm những người liên quan, đồng thời thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát từ việc mua bán hóa đơn "ảo".
Trước đó Công an Đà Nẵng khởi tố, bắt tạm giam một nữ giám đốc để điều tra về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn; trốn thuế. Người này đã thuê các cá nhân có mối quan hệ thân quen thành lập nhiều công ty "ma" để xuất trái phép hóa đơn GTGT.
