Chuyện một hàng binh

Admin

TP - Năm 1975, một chiếc xe của quân giải phóng đến huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi và người cán bộ đi trên xe nhờ bà con chỉ đường tới nhà của ông Phạm Nông để chuyển một lá thư viết tay. Mẹ của ông Nông nhận thư và ngạc nhiên. “Cán bộ có nhầm người nào không?” - bà Trần Thị Chí thốt lên và chỉ vào bàn thờ có di ảnh người con trai tử nạn ở Quảng Trị từ năm 1972...

Ngơ ngác hàng binh

Tháng 3/1972 tại tỉnh Quảng Trị, bầu trời dù nắng

Căn cứ Tân Lâm (Carroll) ở Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu

Ranh giới chia cắt tạm thời hai miền Nam - Bắc chỉ cách nhau con sông Bến Hải, nên ý nghĩ đào tẩu thỉnh thoảng lại nhói lên trong đầu của binh sĩ Phạm Nông. Lúc ở nhà, người thân của cậu luôn tìm cách trốn bắt quân dịch. Riêng cậu sau khi thi rớt kỳ thi tú tài thì phải đi lính. Người mẹ khi nghe tin con trai bị đẩy ra Vùng 1 chiến thuật thì đã than thở rằng, chồng mất sớm, giờ thì con trai lại bị nướng ra tuyến đầu.

Ngày 30/3/1972, quân giải phóng khai hỏa và nhanh chóng chiếm điểm cao 365. Căn cứ Tân Lâm (Carroll, đồi 241) thất thủ. Trung tá Phạm Văn Đính, Chỉ huy trưởng Trung đoàn 56 chốt ở căn cứ Tân Lâm dẫn 1.500 lính ra đầu hàng. Sự kiện này làm rung chuyển Sài Gòn và thế giới. Đúng ra chàng lính Phạm Nông cũng ra hàng trong số lính này, nhưng khi đi xuống thị xã Đông Hà, cậu chưa kịp quay lên đơn vị thì các tuyến đường đã bị chia cắt.

Ngày 1/5/1972, Nông ở trong đội hình lính Việt Nam Cộng hòa ở gần La Vang thuộc huyện Hải Lăng và rút theo đường 1 vào Huế. Sau hơn 50 năm, ông Nông hồi ức lại cảnh toàn bộ mảng phòng ngự ở thị xã Quảng Trị đã sập đổ thảm hại, cảnh tháo chạy hỗn loạn, chết chóc đầy đường...

Khi nghe lệnh rút về bờ Nam sông Mỹ Chánh, Phạm Nông lại quyết định đi ngược lại, hướng ra phía Bắc. Trên đường đi, cậu thỉnh thoảng lại sờ chân tay và không tin rằng mình vẫn còn sống.

Nông bơi sang sông Mỹ Chánh (sông Ô Lâu) để ra vùng cách mạng. Khi đặt chân lên bờ Bắc, một chiếc trực thăng đã hạ thấp độ cao bắn đuổi theo, sau đó thả một quả bom dù. Cậu cắm đầu chạy thục mạng và thỉnh thoảng nhìn lên vẫn thấy quả bom bám theo mình.

Vừa gặp phía quân giải phóng thì cậu lại tiếp tục dính một trận bom, pháo dữ dội của chính "phe mình". May mắn cậu thoát chết vì được lính giải phóng kéo xuống một căn hầm. Những người lính trong đơn vị giải phóng là người miền Bắc nên không nhận ra sự bất thường của người thanh niên có dáng người gầy gò, khuôn mặt như học sinh, giọng nói không phải người Quảng Trị.

Tại đơn vị bộ đội ở xã Hải Lăng, Phạm Nông được ăn cơm, hàng ngày tham gia đào hầm, kéo các tấm ghi sắt về lót khắp các vách hầm. Sự yên ổn chỉ kéo dài khoảng vài ngày sau thì cậu lại tiếp tục hứng bom, đạn của "phe mình". Người dân địa phương có người chạy ngược ra, có người chạy vào khi trực thăng UH1 đáp xuống. Vài lần cậu lính định bò ra khuyên tụi lính nói pháo binh ngưng bắn, vì địa bàn này chỉ còn người dân. Nhưng lo ngại sợ bị lộ thân phận nên cậu tiếp tục nín thở, rúc dưới hầm như một con còng.

Đến chiều tối, quân giải phóng quay trở về thì người dân đều đã bị địch bốc lên trực thăng để đưa khỏi vùng chiến sự. Khi thấy được bộ đội đối xử tốt nên Nông mới thú nhận mình là lính phía bên kia đào ngũ. Những người lính giải phóng thốt lên “lính hả, sao nhỏ xíu vậy”. Rồi người chỉ huy cao nhất quyết định cho cậu tự do, vào ở với người dân và chờ ngày ra miền Bắc.

Ra Bắc

Phạm Nông được xếp vào đoàn 20 người vừa là tù binh, vừa là hàng binh, đi bộ vượt Trường Sơn ra miền Bắc. Ngày đầu tiên chỉ đi bộ khoảng 10 km, cả đám người mệt lả vì mỗi ngày ăn theo khẩu phần của lính là chỉ một bữa, còn lại là ăn lương khô.

Chuyện một hàng binh ảnh 2

Một buổi văn nghệ vào năm 1973 nhằm kêu gọi hòa hợp dân tộc của lính hai bên chiến tuyến tại thôn An Lộng, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Ái, Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu bảo tàng Quảng Trị

Bữa cơm được các binh trạm dọc đường cấp một nắm cơm nhỏ bằng nắm tay, nước uống cũng được tiết kiệm tối đa. Hàng binh Phạm Nông không nhớ cả nhóm đã đi bao nhiêu lâu trong rừng. Điểm cuối cùng cũng chỉ biết là một trại tù binh có tên là K15. Chế độ ăn bắt đầu được chu cấp đầy đủ trở lại. Khẩu phần ăn là 2,5 hào/ngày, trong khi 2 tù binh là phi công Mỹ được nuôi theo chế độ của Mỹ, hàng ngày đều có bơ, sữa, bánh mì, thuốc lá. Cả nhóm bắt đầu được phân làm 2 loại, tù binh và hàng binh. Trong đó 14 người là hàng binh được đưa trở về ở tự do tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Sau chiến dịch Xuân - Hè 1972, tỉnh Quảng Trị là địa phương đầu tiên ở miền Nam được giải phóng, nằm dưới sự quản lý của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Mặc dù trên chiến trường vẫn ác liệt, nhưng tại xã Vĩnh Chấp, nhóm hàng binh vẫn sống những ngày êm đềm.

Đến khoảng giữa năm 1973, việc rong chơi chấm dứt vì cả nhóm nhận được thông báo cần có hai lựa chọn, một là trở thành công nhân, hai là nhập ngũ, tham gia vào Trung đoàn Khe Sanh của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

Ông Phạm Nông xin đăng ký trở thành công nhân và được đưa về Xí nghiệp sản xuất gạch ngói Vĩnh Linh. Công việc ở Xí nghiệp gạch mỗi ngày làm việc đúng 8 giờ. Các o xinh xắn luôn muốn ngồi nghe cậu hàng binh kể chuyện lạ ở miền Nam. Câu chuyện của cậu Nông với các o cuối cùng vẫn là ước mơ được thấy ngày thống nhất, được trở về quê hương với người mẹ già.

Trở về

Công việc ở Xí nghiệp gạch ngói Vĩnh Linh với hơn 100 công nhân là xếp gạch, chuyển gạch, xén đất sét. Ông Nông được nhận mức lương 32 đồng/tháng cùng với kem, xà phòng, sữa, đường. Ông Lê Xuân Liễn, giám đốc Xí nghiệp gạch ngói Vĩnh Linh thường rất quan tâm tới người hàng binh. Khi lên tỉnh họp, ông đã kéo ông Lê Xuân Hào, giám đốc Xí nghiệp lương thực Vĩnh Linh ra và nói về người hàng binh, quê ở Quảng Ngãi. Vậy là ông Hào tới thăm hỏi và giúp đỡ đồng hương. Giám đốc Xí nghiệp lương thực là một chức vụ khá quan trọng vào thời đó nên sự hỗ trợ của ông Hào như một điểm tựa.

Đến ngày 24/3/1975, khi Quảng Ngãi được giải phóng, ông Hào lập tức trở về quê hương Quảng Ngãi và mang theo lá thư của người hàng binh Phạm Nông gởi cho gia đình. Lúc này người mẹ già của Phạm Nông đã lập bàn thờ đứa con trai duy nhất mà bà tưởng đã tử nạn.

Tháng 6/1975, ông Nông được phép trở về quê. Thiếu úy Chẽo, đại diện cho Công an Quảng Trị tặng cho ông 150 đồng, tức gần bằng 5 tháng lương. Tổng cộng số tiền ông cầm về tới Quảng Ngãi và đổi ra tiền miền Nam được 500 đồng. “Số tiền này lớn lắm, đủ cho tôi bắt đầu một cuộc sống mới”, ông Nông hồi tưởng.

Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, người hàng binh Phạm Nông nay đã là một cụ già gần 80 tuổi. “Nếu nhà báo viết về tôi thì hãy giúp tôi chuyển lời cảm ơn tới những gia đình ở Quảng Trị đã cưu mang, giúp đỡ những anh em hàng binh chúng tôi ngày ấy...”, ông Phạm Nông nói.

Trung tá Việt Nam Cộng hòa Phạm Văn Đính sau khi treo cờ trắng dẫn 1.500 lính ra đầu hàng, vẫn được phía cách mạng giữ nguyên cầu vai trung tá, sau phong thượng tá Quân đội Nhân dân Việt Nam chức vụ Phó Tỉnh đội Quảng Trị phụ trách công tác địch vận. Câu chuyện này từng được nhà báo Xuân Ba viết trên báo Tiền Phong. Nhưng có một người lính Cộng hòa từng dưới quyền của trung tá Đính tự nguyện bỏ ngũ sang phía cách mạng, có một cuộc đời bình dị hơn nhiều, trở thành công nhân đóng gạch.