Có ngày cao điểm, nhu cầu điện tăng cao bằng công suất hai nhà máy thủy điện lớn cộng lại

Admin

Phụ tải tăng vọt 4.000 MW chỉ trong một ngày cao điểm khiến ngành điện phải căng mình điều phối, trong bối cảnh nhiều nguồn phát không đủ linh hoạt, còn năng lượng tái tạo chưa ổn định.

"Chúng tôi phải vận hành hệ thống như một cơ thể sống"

Tại Hội nghị Tập huấn truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 25/7 tại thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) cho biết, lũy kế từ đầu năm, phụ tải hệ thống điện quốc gia tăng khoảng 3,1% so với cùng kỳ. Trong đó, miền Trung dẫn đầu với mức tăng 5,3%, kế đến là miền Bắc (4,1%) và miền Nam (1,6%).

Có ngày cao điểm, nhu cầu điện tăng thêm bằng công suất hai nhà máy thủy điện lớn cộng lại- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) chia sẻ tại Hội nghị.

Dù mức tăng không quá đột biến, nhưng theo ông Trung, điều đáng lo là sự biến động rất mạnh vào các ngày cao điểm. Điển hình như ngày 8/7, công suất phụ tải tăng vọt 4.000 MW chỉ trong 24 giờ, tương đương tổng công suất của hai nhà máy thủy điện Sơn La và Hòa Bình cộng lại. Đây là áp lực rất lớn cho hệ thống điều độ, vì không phải nguồn điện nào cũng có thể khởi động và tăng công suất ngay lập tức.

Hạn chế từ các nguồn hiện tại càng khiến bài toán cung, cầu thêm nan giải. Nhiệt điện than, trụ cột công suất, mất 1 đến 3 ngày để khởi động từ nguội. Thủy điện lớn đang vào cuối mùa khô, cột nước thấp khiến công suất khả dụng suy giảm đến 6.000 MW trong các năm thủy văn xấu. Thủy điện nhỏ lại chỉ có thể phát điện vài giờ mỗi ngày, không đáp ứng được giờ cao điểm.

Trong khi đó, năng lượng tái tạo, chiếm 26% tổng công suất đặt, vẫn chưa ổn định, đặc biệt là điện mặt trời không phát huy tác dụng vào buổi tối. "Chúng tôi phải vận hành hệ thống như một cơ thể sống, đòi hỏi sự phối hợp liên tục và chính xác từng giờ", ông Trung chia sẻ.

Tiết kiệm năng lượng là giải pháp thực tiễn

Để đảm bảo vận hành an toàn, NSMO đã xây dựng kế hoạch từ sớm, liên tục cập nhật công suất khả dụng theo ngày và vùng miền, giúp các đơn vị điện lực chủ động phân bổ phụ tải. Các dự án nguồn và lưới trọng điểm cũng được thúc đẩy, như Nhơn Trạch 3-4, Hòa Bình mở rộng hay đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên.

Đáng chú ý, ngành điện đã phối hợp PVGAS và các nhà máy để duy trì cấp khí ổn định, đẩy lịch sửa mỏ vào dịp cuối tuần. Các đơn vị điều độ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng làm việc với khách hàng lớn nhằm xây dựng phương án dịch chuyển phụ tải, giảm tiêu thụ vào khung giờ cao điểm.

Tuy vậy, theo ông Trung, mọi giải pháp kỹ thuật sẽ khó đạt hiệu quả nếu thiếu sự chung tay của toàn xã hội. Tiết kiệm điện không còn là khuyến nghị mà là chiến lược quan trọng, giúp cắt đỉnh phụ tải, giảm áp lực đầu tư, vận hành, giữ ổn định giá và bảo vệ môi trường, ông nhấn mạnh.

Chỉ cần tiết kiệm 1 kWh điện vào giờ cao điểm, cũng đồng nghĩa giảm tải cho hệ thống truyền tải, máy biến áp và nguồn điện đắt đỏ. Với hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nếu mỗi nơi tiết kiệm 2% điện năng, cả nước sẽ giảm hơn 1,6 tỷ kWh mỗi năm, tương đương tiết kiệm hơn 3.200 tỷ đồng chi phí tiền điện.

Có ngày cao điểm, nhu cầu điện tăng thêm bằng công suất hai nhà máy thủy điện lớn cộng lại- Ảnh 2.

Bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương).

Đồng thời, bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2025 là thời điểm giữa kỳ của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP 3). Mục tiêu chương trình là tiết kiệm tối thiểu 7 – 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc đến năm 2030. 

Tác dụng ít ai ngờ đến từ hệ thống điện mặt trời đối với ngôi nhàKế hoạch dài hơi của gã khổng lồ turbine điện gió Trung Quốc ở “xứ sở Kangaroo”Bộ Công Thương khẩn cấp kiểm tra an toàn tại hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ

"Tiết kiệm năng lượng là giải pháp thực tiễn, hiệu quả nhất để giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh năng lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế", bà Trâm nói. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có hiệu lực từ 1/1/2026, sẽ tạo hành lang pháp lý thúc đẩy mạnh mẽ hơn các chính sách tiết kiệm và phát triển công nghệ xanh.

Cũng theo bà Trâm, truyền thông đóng vai trò then chốt. Bà mong báo chí sẽ là cầu nối đưa thông tin chính xác, gần gũi về tiết kiệm điện đến từng hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức xã hội. "Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công cam kết sẽ đồng hành cùng báo chí, nhằm lan tỏa thói quen tiết kiệm điện, tạo chuyển biến nhận thức trong toàn xã hội", bà nhấn mạnh.