
Tọa đàm "Tự chủ đại học - cơ hội nào để phát triển?", do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức chiều 11-7 - Ảnh: VGP
Tại tọa đàm "Tự chủ đại học - cơ hội nào để phát triển?", do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 11-7, PGS.TS Lưu Bích Ngọc nhận định thời gian qua tự chủ đại học đã trở thành động lực để thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục đại học trong nước.
Tuy nhiên, bà cho rằng 10 năm trở lại đây, tốc độ tự chủ đại học đang đi "hơi chậm" so với mong muốn của Đảng, Nhà nước, cũng như của xã hội. Dẫn tới điều này có ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất, xã hội và chính các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam thời gian qua đã hiểu chưa đúng về tự chủ đại học.
"Nhà nước ban hành chủ trương chính sách là tăng cường tự chủ đại học nhưng lại cắt đầu tư ngân sách, điều đó khiến tự chủ đại học đồng nghĩa với tự chủ là các cơ sở giáo dục phải tự lo", bà nói.
Thứ hai, tình trạng mâu thuẫn trong quyền lực, điều hành, quản lý. Các cơ sở giáo dục đại học hiện nay còn sự chồng lấn giữa hội đồng trường, đảng ủy và ban giám hiệu nhà trường, dẫn đến sự không hiệu quả trong điều hành nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ ba, cơ chế tự chủ chưa thực sự mở. Khi tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học vẫn phải tuân thủ theo các hệ thống, văn bản pháp luật của Nhà nước.
"Tuy nhiên giữa các luật này chưa có sự thống nhất, đồng bộ, còn có sự "đâm ngang" nhau", bà Ngọc nói.
Bà Ngọc cho biết thêm việc quản trị nhà trường tại các cơ sở giáo dục đại học công lập hiện nay đang có rất nhiều điểm nghẽn chưa được tháo, cởi. Đó là tính hình thức trong thiết kế và vai trò của hội đồng trường đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.
"Chúng ta thiết kế có hội đồng trường, nhưng số lượng thành viên trong hội đồng trường đa số vẫn là 'người của hiệu trưởng', gồm các lãnh đạo chủ chốt nhà trường, lãnh đạo chủ chốt các khoa, phần lớn vẫn dưới sự điều hành của hiệu trưởng.
Quyền lực lãnh đạo và quyền lực quản lý chưa được phân định rõ ràng giữa đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu khiến làm giảm động lực để đẩy mạnh tự chủ và đổi mới. Khúc mắc này cần phải tháo gỡ", bà Ngọc nhấn mạnh.
Với việc thiết lập hội đồng trường giữa hội đồng trường thành viên và hội đồng trường đại học ở mô hình đại học quốc gia, bà cho rằng đây là sự chồng chéo, thiếu hiệu quả trong quản trị.

PGS.TS Lưu Bích Ngọc, chánh văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, tại tọa đàm - Ảnh: VGP
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm - viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng muốn đổi mới giáo dục đào tạo, coi đây là đột phá thì phải tăng quyền cho hiệu trưởng.
Tất cả đổi mới của nhà trường phải bắt đầu từ thầy giáo, đặc biệt hiệu trưởng, người quyết định sự đổi mới và thành công của giáo dục và đào tạo.
"Hiện nay có nhiều cơ chế, tuy nhiên đối với các trường công lập, chúng ta có ban chấp hành đảng ủy thì không nên thành lập hội đồng trường. Đảng ủy nói theo nghĩa nào đó thực chất là hội đồng trường", ông Yêm chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông cho rằng muốn đổi mới giáo dục đào tạo phải có một quan niệm mới, tư duy mới về thầy giáo. Theo ông, thầy giáo ngày nay không chỉ giỏi về dạy học, giỏi về nghiên cứu khoa học mà còn phải giỏi về thực tiễn.
"Đội ngũ giáo viên không chỉ là kiêm chức, phải tham gia vào công tác quản lý, tổ chức giảng dạy; những nơi dạy về kinh tế phải có sự tham gia của các nhà hoạt động kinh tế, các giám đốc doanh nghiệp dạy cho sinh viên cách làm giàu.
Thầy giáo không biết cách tự làm giàu cho mình thì không thể đi dạy người khác làm giàu được, đây là một thực tiễn", ông Yêm nói.
