Kê đơn thuốc 90 ngày: Người bệnh mạn tính thở phào

Admin

TP - Sau nhiều năm người bệnh mạn tính phải tất tả đến bệnh viện mỗi tháng chỉ để lấy lại một đơn thuốc quen thuộc, giờ đây, họ có thể nhẹ nhõm hơn. Thông tư 26/2025/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành cuối tháng 6 vừa qua đã chính thức có hiệu lực, cho phép bác sĩ kê đơn thuốc điều trị ngoại trú tối đa 90 ngày đối với một số bệnh mạn tính.

Một thay đổi tưởng như nhỏ, nhưng được đánh giá là bước tiến quan trọng, mang lại lợi ích kép, vừa giảm áp lực cho người bệnh, vừa góp phần giảm tải cho hệ thống y tế.

Từ nỗi mệt mỏi hằng tháng...

Không hiếm bệnh nhân cao tuổi, sống ở vùng nông thôn hoặc có hoàn cảnh khó khăn, phải bắt xe hàng chục cây số chỉ để đến bệnh viện tái khám và nhận thuốc, dù tình trạng sức khỏe hoàn toàn ổn định. Điều này không chỉ gây tốn kém thời gian, công sức và chi phí đi lại, mà còn tạo thêm áp lực không cần thiết lên các cơ sở y tế, vốn đã quá tải.

Kê đơn thuốc 90 ngày: Người bệnh mạn tính thở phào ảnh 1

TS Nguyễn Quang Bảy khám cho bệnh nhân

TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhìn nhận thực trạng này là một trong những bất cập lớn của quy trình khám chữa bệnh hiện hành. “Việc người bệnh phải đến bệnh viện mỗi tháng để lấy đơn thuốc dù không có thay đổi về mặt chuyên môn là một gánh nặng. Sau đại dịch COVID-19, các đề xuất điều chỉnh quy định từ bệnh viện và cơ quan bảo hiểm cũng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn này”, ông nói.

Thông tư 26 ra đời trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm trong nước và quốc tế, đồng thời tiếp thu khuyến nghị từ các cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, các bác sĩ tại tuyến khám bệnh ngoại trú được phép kê đơn thuốc tối đa 90 ngày đối với bệnh nhân mắc một số bệnh mạn tính, nằm trong danh mục quy định.

... đến kì vọng thay đổi lớn

Thay đổi trong thời hạn kê đơn được kì vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực trong điều trị bệnh mạn tính tại Việt Nam. Người bệnh không chỉ tiết kiệm được chi phí đi lại và thời gian chờ đợi mà còn có thể cải thiện khả năng tuân thủ điều trị nhờ đơn thuốc ổn định hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quy định này không thể áp dụng đại trà. Việc kê đơn 90 ngày chỉ nên được thực hiện sau khi bác sĩ đã đánh giá đầy đủ tình trạng lâm sàng, tiên lượng bệnh ổn định và người bệnh có khả năng sử dụng thuốc an toàn tại nhà.

Bên cạnh đó, vẫn còn những thách thức nhất định. Một số cơ sở y tế tuyến cơ sở, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, có thể gặp khó khăn trong việc cung ứng đủ thuốc khi số lượng mỗi lần cấp phát tăng lên. Ngoài ra, một vài loại thuốc chuyên khoa có thể chưa phổ biến hoặc thiếu tại địa phương. Dù vậy, TS Dương cho biết, phần lớn các loại thuốc áp dụng kê đơn dài ngày đều là thuốc điều trị bệnh mạn tính phổ biến, có nhiều hoạt chất thay thế và không tạo áp lực quá lớn cho tuyến dưới.

Cần cá thể hóa trong từng đơn thuốc

Tại Bệnh viện Bạch Mai, nơi có lượng lớn bệnh nhân mạn tính điều trị ngoại trú, quy định mới được đánh giá là hợp lí và kịp thời. ThS bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết, ngoài việc tạo thuận lợi cho người bệnh, chính sách mới còn góp phần tiết kiệm cho quỹ bảo hiểm y tế nếu được thực hiện đúng cách.

Tuy nhiên, ông Sơn nhấn mạnh: “Việc kê đơn 90 ngày không thể áp dụng một cách máy móc. Mỗi người bệnh là một tình huống khác nhau, bác sĩ phải cá thể hóa phác đồ, đánh giá kĩ tình trạng bệnh, khả năng tuân thủ điều trị và các yếu tố đi kèm trước khi ra quyết định”.

Để đảm bảo thực hiện quy định an toàn, bệnh viện đã cập nhật thông tư mới vào hệ thống phần mềm quản lí hồ sơ bệnh án, tổ chức tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ và tăng cường giám sát chất lượng kê đơn. Ngoài ra, các quy trình như bình đơn thuốc hằng tuần, cảnh báo tương tác thuốc, rà soát danh mục thuốc... cũng được áp dụng nhằm hạn chế sai sót và nâng cao chất lượng điều trị.

Là một trong những người trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân nội tiết, nhóm bệnh nhân được hưởng lợi rõ rệt từ quy định mới, TS bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết và Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, kê đơn dài ngày sẽ đặc biệt có ý nghĩa với người già, người sống phụ thuộc, có bệnh đồng mắc và đi lại khó khăn. Ông cũng đưa ra những lưu ý để người bệnh sử dụng thuốc đúng cách và an toàn.

Theo TS Bảy, người bệnh cần đọc kĩ đơn thuốc trước khi rời bệnh viện, trao đổi rõ với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu có điều gì chưa hiểu. Việc bảo quản thuốc cũng cần đặc biệt lưu ý, nhất là trong trường hợp dùng insulin - loại thuốc phải giữ lạnh. Người bệnh nên tuân thủ lịch uống hoặc tiêm thuốc đúng giờ, sử dụng các công cụ hỗ trợ như báo thức hoặc hộp chia thuốc nếu cần.

Đáng chú ý, bác sĩ Bảy khuyến cáo người bệnh không nên nghĩ rằng đã có đơn 60 hay 90 ngày thì không cần quay lại bệnh viện. Trong trường hợp xuất hiện triệu chứng bất thường hoặc mắc thêm bệnh khác, cần đi khám lại ngay. Việc đặt lịch trước qua hotline hoặc ứng dụng cũng giúp tiết kiệm thời gian và chủ động hơn trong khám chữa bệnh.

Nếu được thực hiện nghiêm túc, linh hoạt và có sự giám sát hiệu quả, quy định mới về kê đơn thuốc dài ngày sẽ là cú hích tích cực trong tiến trình cải cách y tế, mang lại lợi ích bền vững cho người bệnh và toàn hệ thống.

Thông tư 26/2025/TT-BYT được xem là bước điều chỉnh kịp thời, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng điều trị bệnh mạn tính trong bối cảnh dân số già hóa và tỉ lệ mắc bệnh không lây nhiễm gia tăng. Tuy nhiên, như chính các chuyên gia y tế nhận định, thành công của chính sách không chỉ phụ thuộc vào văn bản quy phạm pháp luật, mà còn cần sự phối hợp đồng bộ giữa bác sĩ, hệ thống y tế và chính người bệnh.