Ký ức những lần trước lằn ranh sinh tử của người lính cứu hỏa Nguyễn Viết Quân

Admin

TPO - Trong trái tim mỗi chiến sĩ CAND, 6 điều Bác Hồ dạy là ngọn lửa soi đường, hun đúc tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Thượng úy Nguyễn Viết Quân, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội, là hiện thân sống động của những lời dạy ấy. Suốt 14 năm tận tuỵ trên tuyến đầu chống “giặc lửa”, rất nhiều lần anh phải đối mặt với ranh giới sinh – tử để giành lại sự sống cho người dân. 

Ký ức những lần trước lằn ranh sinh tử của người lính cứu hỏa Nguyễn Viết Quân ảnh 1

Thượng úy Nguyễn Viết Quân cõng nạn nhân mắc kẹt trong vụ

Anh cũng chính là người cắt song sắt và cùng đồng đội hỗ trợ vợ chồng anh Kỳ thoát ra ngoài.

Theo thượng úy Quân, với anh khoảnh khắc xúc động nhất trong hành trình chiến đấu với giặc lửa đó là vụ cháy tại ngõ Quỳnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào tháng 2/2024. Giữa đêm tối mịt mùng, khi lửa đang bao trùm tầng 1 và không còn lối thoát thứ hai, anh nhanh trí đề xuất tạm dừng chữa cháy để ưu tiên cứu người. Quân bắc thang trèo lên tầng 2, dùng máy cắt phá chuồng cọp sắt mở lối thoát hiểm, đưa vợ chồng anh Phạm Tiến Quang Kỳ ra ngoài an toàn.

Khi phát hiện còn một nạn nhân trên tầng 3 đang hổn hển tiếng gọi cầu cứu, anh không do dự len qua lối hẹp vừa mở ở tầng 2, vượt cầu thang đang cháy để tiếp cận, trấn an và hỗ trợ người bị thương thoát ra qua thang ngoài. Nhờ sự mưu trí và quyết đoán ấy, ba người đã được cứu sống trong tình huống thập tử nhất sinh.

“Lúc đó, tôi chỉ nghĩ phải cứu người trước, đúng như lời Bác dạy: ‘Việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm’,” anh chia sẻ.

Ký ức những lần trước lằn ranh sinh tử của người lính cứu hỏa Nguyễn Viết Quân ảnh 3Ký ức những lần trước lằn ranh sinh tử của người lính cứu hỏa Nguyễn Viết Quân ảnh 4Ký ức những lần trước lằn ranh sinh tử của người lính cứu hỏa Nguyễn Viết Quân ảnh 5

Mỗi lần chữa cháy, cứu nạn là một kỷ niệm không thể nào quên đối với Quân. Ảnh: NVCC

90 giây chuẩn bị cho những điều không báo trước

Mọi ca trực của lính cứu hoả đều là cuộc đua với thời gian. Quân và đồng đội chỉ có đúng 90 giây chuẩn bị kể từ lúc chuông báo cháy vang lên. “Nghe chuông là phản xạ tự nhiên, bất kể đang ăn, tắm hay nghỉ ngơi,” anh nói.

Không có vụ cháy nào giống vụ cháy nào, điều đó đòi hỏi sự tỉnh táo, phản xạ nhanh và khả năng ứng biến linh hoạt trong từng giây phút.

Bên cạnh tinh thần thép, thể lực cũng là yếu tố sống còn. Bởi mỗi khi trinh sát đám cháy, bộ đồ bảo hộ của lính cứu hỏa khi thấm nước có thể nặng đến 20kg, chưa kể bình thở, mặt nạ, búa, dây, thiết bị cứu hộ. Trong không gian chật hẹp, nhiệt độ cao, chỉ một cú sẩy chân cũng có thể trả giá bằng mạng sống.

Ký ức những lần trước lằn ranh sinh tử của người lính cứu hỏa Nguyễn Viết Quân ảnh 6Ký ức những lần trước lằn ranh sinh tử của người lính cứu hỏa Nguyễn Viết Quân ảnh 7Ký ức những lần trước lằn ranh sinh tử của người lính cứu hỏa Nguyễn Viết Quân ảnh 8Ký ức những lần trước lằn ranh sinh tử của người lính cứu hỏa Nguyễn Viết Quân ảnh 9

Không chỉ vững về chuyên môn nghiệp vụ, Quân còn hăng hái tham gia các hoạt động tuyên truyền về PCCC cho người dân. Ảnh: NVCC

Quân và đồng đội cũng chính là người tham gia chữa cháy, cứu nạn tại ngôi nhà 5 tầng 1 tum số 378 Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào rạng sáng ngày 18/7/2022, cứu 4 người mắc kẹt. Anh từng nhường mặt nạ cho nạn nhân và trực tiếp cõng người bị mắc kẹt ở tầng cao theo lối thang bộ xuống tầng một an toàn.

“Người lính cứu hỏa không thể hành động như một cỗ máy. Phải tư duy linh hoạt và hành động bằng trái tim” - Quân nói.

Ký ức những lần trước lằn ranh sinh tử của người lính cứu hỏa Nguyễn Viết Quân ảnh 10

Thể lực tốt luôn giúp Quân đối mặt với những khó khăn tại hiện trường vụ cháy. Ảnh: NVCC

Giọt nước mắt hạnh phúc

Tại chương trình “Công an Thủ đô khắc ghi lời Bác dạy”, Thượng úy Quân có dịp gặp lại gia đình anh Kỳ – những người anh từng cứu sống. Họ ôm chầm lấy nhau trong xúc động nghẹn ngào.

Ký ức những lần trước lằn ranh sinh tử của người lính cứu hỏa Nguyễn Viết Quân ảnh 11

Gia đình anh Kỳ xúc động khi gặp lại Quân.

Anh Kỳ nghẹn lời: “Tôi chưa từng nghĩ có ngày cả gia đình rơi vào cảnh đó. Nếu không có các anh, vợ chồng tôi không còn được sống để nói lời cảm ơn”.

Còn chị Trang (vợ anh Kỳ) bật khóc khi nhắc đến giây phút nhìn thấy cảnh sát PCCC xuất hiện bên ngoài khung sắt tầng 2. "Trong tình huống đó bản thân tôi đã rất hoảng loạn, bất lực và không còn lối thoát. Sự xuất hiện của các anh giúp tôi được sống lại thêm một lần nữa…” - chị Trang chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ chuyên môn, Thượng úy Nguyễn Viết Quân còn tích cực tham gia tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC cho người dân. Có lẽ chính điều đó đã tạo nên một Nguyễn Viết Quân quả cảm, bản lĩnh và luôn “cháy” hết mình vì bình yên của Thủ đô.

Ký ức những lần trước lằn ranh sinh tử của người lính cứu hỏa Nguyễn Viết Quân ảnh 12

Quân được tuyên dương là 1 trong 10 gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu. Ảnh: NVCC

Với những đóng góp xuất sắc đó, Thượng úy Quân đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: 4 năm liên tiếp là Chiến sĩ thi đua cơ sở, 1 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua tiên tiến, 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 4 Giấy khen của Giám đốc Công an TP Hà Nội… và là một trong 10 gương mặt trẻ Công an Thủ đô tiêu biểu.

Tại chương trình “Công an Thủ đô khắc ghi lời Bác dạy”, Công an TP Hà Nội đã vinh danh 80 cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” giai đoạn 2020–2025, nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong số những tấm gương sáng ấy, thượng úy Nguyễn Viết Quân – cán bộ Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Hà Nội là một điển hình nổi bật của lòng quả cảm và tinh thần tận tụy vì nhân dân phục vụ.