Tại phiên tọa đàm chuyên đề về mô hình hạ tầng tối ưu cho tăng trưởng công nghiệp bền vững diễn ra ngày 9/7, trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, các chuyên gia đã chỉ rõ các xu hướng chuyển đổi xanh trên thế giới và Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh vai trò của các khu công nghiệp thế hệ mới trong quá trình xanh hóa công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Để phát triển các khu công nghiệp sinh thái, yếu tố hạ tầng là rất quan trọng. Với các doanh nghiệp, bài toán đặt ra trước hết là chi phí và lợi ích, doanh thu…

TS. Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Học viện Chính sách Phát triển, cho biết đến nay, Việt Nam đang triển khai thí điểm khoảng 6-7 khu công nghiệp sinh thái.
Qua quá trình khảo sát làm việc trực tiếp với các khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay về vấn đề công nghiệp sinh thái và kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh cho thấy, nhận thức, hiểu biết về chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp khu công nghiệp đã có những thay đổi và ở mức khá cao.
"Kể cả các doanh nghiệp có lãnh đạo điều hành là người nước ngoài hay Việt Nam tại các khu công nghiệp này đều đặt mục tiêu hướng tới sự cân bằng giữa phát triển kinh tế tạo lợi nhuận và bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp cũng trăn trở với việc làm thế nào để phát triển khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái", ông Hùng nói.

Các doanh nghiệp ý thức rõ yêu cầu để phát triển trong tương lai thì khu công nghiệp đó phải là trở thành khu công nghiệp sinh thái mới có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong khu hướng tới thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh vấn đề đơn giản và minh bạch trong thực thi các chính sách quy định về phát triển khu công nghiệp sinh thái. Do đó, cần sự đồng hành của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền địa phương, cũng như hệ thống các cơ chế chính sách minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện sẽ giúp cho các khu công nghiệp sinh thái phát triển, hướng tới nền công nghiệp xanh, tạo động lực quan trọng giúp nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển các khu công nghiệp xanh, tuần hoàn, cần những sự đột phá, tư duy mới theo hướng các khu công nghiệp mới.
Từ góc độ thiết kế và tư vấn kỹ thuật, ông Denis Martin, Giám đốc dự án Artelia– Phòng Thương mại Công nghiệp Pháp tại Việt Nam đã đưa ra những đánh giá về vai trò của thiết kế kiến trúc trong việc hình thành một khu công nghiệp xanh và tuần hoàn, chia sẻ những nguyên tắc thiết kế cốt lõi để tích hợp hiệu quả các yếu tố như sử dụng năng lượng tái tạo, tuần hoàn nước – chất thải – khí – và AI quản lý trong một không gian công nghiệp.

Nhìn nhận dưới góc độ nhà phát triển khu công nghiệp, ông Trần Tấn Sỹ, Phó Tổng giám đốc KN Holding, điều quan trọng nhất đối với khu công nghiệp sinh thái theo chuẩn mới nhất của UNIDO cũng như yêu cầu của nhà đầu tư phải đạt NetZero vào năm 2050, không phát thải ra môi trường.
Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu phát triển hạ tầng phải quy hoạch một phần đất dự trữ để triển khai thực hiện tái chế, tái xử lý nước, rác thải. Bên cạnh đó, một hạ tầng kỹ thuật quan trọng khác trong khu công nghiệp đó là quy hoạch khu cung cấp khí hydro xanh trong tương lai. Tập đoàn cũng phát triển các hệ thống năng lượng mặt trời để cung cấp năng lượng sạch cho khu công nghiệp.

Với 30 năm hoạt động ở Việt Nam và đang vận hành 3 khu công nghiệp, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc cấp cao Quản lý nước và môi trường Khu công nghiệp AMATA, nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển khu công nghiệp sinh thái nhằm tăng tỷ lệ tuần hoàn nước và tăng các chỉ số điểm cho khu. Lãnh đạo AMATA đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi khu công nghiệp và vấn đề tái tuần hoàn.
Ông Tuấn nhấn mạnh, khu công nghiệp chịu áp lực chính từ khách hàng, nhà đầu tư vào khu công nghiệp về cung cấp năng lượng sạch, chỉ tiêu carbon thấp, cung cấp nước tái sử dụng. Cùng với đó khi niêm yết trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp phải báo cáo các chỉ tiêu phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu quan tâm đòi hỏi của các nhà đầu tư.
Việc phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường. Tại Khu công nghiệp AMATA Biên Hòa hiện đang xây dựng 2 cộng sinh công nghiệp, mang lại lợi ích rõ ràng về kinh tế môi trường, đạt được các điều kiện xuất khẩu sang các thị trường.

Khu công nghiệp thế hệ mới yêu cầu cao về mức độ ứng dụng công nghệ, từ khâu thiết kế tới kiểm toán năng lượng, carbon. Để giảm phát thải, cần có công nghệ, muốn tăng suất và tối ưu tài nguyên, cũng cần phải có công nghệ.
Từ thực tế triển khai giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp, ông Phạm Tuân, đồng sáng lập giải pháp công nghệ VERT ZERO, FPT IS, Tập đoàn FPT, đã chia sẻ điển hình về ứng dụng công nghệ– dữ liệu– AI giúp tiết kiệm năng lượng, nước, kiểm soát phát thải trong doanh nghiệp, khu công nghiệp.
Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ các khó khăn thách thức khi các khu công nghiệp truyền thống chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh, tuần hoàn. Với vai trò là người dẫn dắt các chương trình tăng trưởng xanh của GGGI tại Việt Nam, ông Juhern Kim, Trưởng Đại diện Quốc gia của GGGI tại Việt Nam (Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu), đưa ra những rào cản lớn nhất hiện nay đang cản trở quá trình chuyển đổi khu công nghiệp theo hướng xanh và phát thải thấp, đồng thời chia sẻ những bài học thành công đáng chú ý mà Việt Nam có thể tham khảo.