Nhà báo Phùng Công Sưởng: Mong thấy lại những dòng sông lãng mạn và yêu thương

Admin

TPO - Chia sẻ tại Tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết” sáng 10/7, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong mong muốn, các chuyên gia, sở ngành địa phương cùng 'mổ xẻ' khó khăn, bất cập, đồng thời hiến kế, đưa ra các giải pháp cải tạo tốt nhất, để các dòng sông trở lại hình ảnh lãng mạn và yêu thương.

Hưởng ứng chủ trương hồi sinh sông ngòi, sáng 10/7, báo Tiền Phong phối hợp với Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết”, để các nhà quản lý, chuyên gia, chính quyền và doanh nghiệp cùng bàn cách đưa chính sách vào thực tế.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong gửi lời cảm ơn tới các đại biểu, chuyên gia đã có mặt tại buổi tọa đàm.

Nhà báo Phùng Công Sưởng: Mong thấy lại những dòng sông lãng mạn và yêu thương ảnh 1

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu khai mạc tọa đàm.

Nhà báo Phùng Công Sưởng nhìn nhận, quá trình đô thị hóa là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm các dòng sông, khiến các dòng sông tại Hà Nội suy thoái trầm trọng.

30 năm trước, đi qua dòng sông Tô Lịch, người dân Thủ đô vẫn gặp những người câu cá, có thể mua những mớ rau muống xanh tốt được trồng tại đây... Nhưng đến nay, những cảnh ấy không còn. Sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, sông Kim Ngưu suy thoái, ô nhiễm, không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan thành phố, mà còn sức khỏe người dân.

Tổng Biên tập báo Tiền Phong nhấn mạnh rằng, mọi người đều cảm nhận được sự suy thoái của các dòng sông. Những con sông đi vào thơ ca, nhạc, họa như sông Nhuệ, Đáy, Cầu, kênh Bắc Hưng Hải... cạn kiệt, ô nhiễm nặng và bị xâm lấn.

"Tất cả những điều đó tác động rất lớn không chỉ đến sức khỏe, hình ảnh mà còn là thương hiệu của Thủ đô chúng ta", nhà báo Phùng Công Sưởng nói.

Tổng Biên tập báo Tiền Phong nhận định: Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, giải pháp thay thế nguồn nước, thau rửa sông Tô Lịch và các dòng sông bị ô nhiễm. Hà Nội cũng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để xử lý nguồn nước cho các dòng sông như: Dự án thoát nước giai đoạn 1, giai đoạn 2, xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá... góp phần cải thiện môi trường các dòng sông. Các giải pháp này ít nhiều đã có kết quả nhưng về tổng thể vẫn cần những giải pháp có tính hệ thống, đồng bộ, có tính liên kết cao hơn để kiểm soát được dòng nước.

Nhà báo Phùng Công Sưởng cho biết, báo Tiền Phong – cơ quan ngôn luận của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, có đối tượng là độc giả trẻ. Báo đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức cuộc thi Giấc mơ xanh, qua đó nhận thấy các cháu nhỏ có nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường rất tốt, lan tỏa giá trị tích cực đó.

Ngoài ra, trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 vừa qua, báo Tiền Phong đã chọn ra 4 đại sứ, trong đó có Đại sứ Du lịch và Môi trường, người đẹp này có sứ mệnh lan tỏa mục tiêu bảo vệ môi trường.

Tổng Biên tập báo Tiền Phong thông tin, từ khi lên ý tưởng thực hiện toạ đàm, chia sẻ với lãnh đạo UBND TP Hà Nội, báo Tiền Phong đã nhận được sự đồng tình để cùng thực hiện các giải pháp bảo vệ các dòng sông đã bị suy kiệt, suy thoái.

Tại tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết”, Ban tổ chức mong muốn các chuyên gia, lãnh đạo sở, ngành địa phương cùng mổ xẻ khó khăn, hiến kế, đưa ra các giải pháp cải tạo tốt nhất, để những dòng sông trở lại hình ảnh lãng mạn và yêu thương.

Hà Nội yêu cầu đánh giá chặt chẽ tổng mức đầu tư, chi phí lấy nước hồ Tây bổ cập cho sông Tô Lịch
Hà Nội yêu cầu đánh giá chặt chẽ tổng mức đầu tư, chi phí lấy nước hồ Tây bổ cập cho sông Tô Lịch
Nước sông Tô Lịch chuyển màu xanh lạ mắt
Nước sông Tô Lịch chuyển màu xanh lạ mắt
Hình ảnh khác lạ của sông Tô Lịch sau khi được nạo vét, cải tạo
Hình ảnh khác lạ của sông Tô Lịch sau khi được nạo vét, cải tạo