Nhà ở xã hội tại Hà Nội: Cần hiểu đúng để được hưởng chính sách

Admin

Nhà ở xã hội tại Hà Nội hiện đang là điểm nóng thu hút sự quan tâm của người dân. Mặc dù điều kiện được hưởng chính sách và thủ tục xác nhận hồ sơ để mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội đã được quy định chặt chẽ, chi tiết và công khai, nhưng không phải ai cũng nắm rõ.

Theo Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021–2030 và Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021–2025 của thành phố Hà Nội đã được phê duyệt, nhu cầu về nhà ở xã hội của thành phố là rất lớn. Mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2025 là khoảng 1,215 triệu m² sàn và đến năm 2030 là khoảng 2,5 triệu m² sàn. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021–2030” tại Thông báo số 120/TB-VPCP ngày 18/3/2025 của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu 100.000 căn hộ đến năm 2030.

Nhà ở xã hội tại Hà Nội: Cần hiểu đúng để được hưởng chính sách ảnh 1

Phối cảnh dự án NOXH CT1 Rice City Long châu, một dự án đang được nhiều người quan tâm tại khu vực Quận Long Biên

Hiện đã có trên 20 dự án nhà ở xã hội được cập nhật vào Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021–2025, dự kiến bổ sung khoảng 1.462.000 m² sàn nhà ở, tương đương khoảng 19.730 căn hộ trong giai đoạn sau năm 2025. Tổng diện tích sàn nhà ở xã hội dự kiến lũy kế hoàn thành trong giai đoạn 2021–2025 là khoảng 1.016.000 m² (tương đương khoảng 16.540 căn hộ); giai đoạn sau 2025 khoảng 6.294.000 m² (tương đương khoảng 91.450 căn hộ).

Nhà ở xã hội tại Hà Nội: Cần hiểu đúng để được hưởng chính sách ảnh 2

Dự án NOXH UDIC Ecotower Hạ Đình có địa chỉ tại ô đất NO1 khu đô thị mới Hạ Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, thu hút nhiều người dân quan tâm nộp hồ sơ mua NOXH

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội tại các khu vực có nhu cầu lớn, nhằm đảm bảo đồng bộ với phát triển kinh tế – xã hội của thành phố theo từng giai đoạn. Mục tiêu là gắn với tốc độ tăng trưởng 8% vào năm 2025 và đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026–2030, theo chủ trương của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn, theo định hướng của Chính phủ.

Theo quy định tại Điều 76 của Luật Nhà ở năm 2023, có 12 nhóm đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội tại các dự án, bao gồm:

Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; Hộ nghèo và cận nghèo ở khu vực đô thị, nông thôn, và các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu; Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; Công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp; Lực lượng vũ trang (quân đội, công an), hoạt động cơ yếu; Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương ngân sách; Người đã trả lại nhà công vụ; Người bị thu hồi đất, phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà hoặc đất ở; Học sinh, sinh viên (chỉ được thuê nhà trong thời gian học tập); Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú công nhân.

Ngoài việc thuộc các nhóm đối tượng nêu trên, để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, người dân còn phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở và thu nhập theo quy định tại Điều 29 và 30 Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BXD ngày 31/7/2024, hướng dẫn chi tiết các biểu mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách. Quy định này nhằm đảm bảo sự công bằng, chặt chẽ trong quản lý và phát triển nhà ở xã hội.

Trước khi tiến hành kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua), chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về tổng số căn hộ dự kiến kinh doanh, thời điểm, địa điểm và hình thức tiếp nhận hồ sơ. Sở Xây dựng Hà Nội sẽ kiểm tra và công bố công khai thông tin này trên Trang Thông tin điện tử, để người dân có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp cho chủ đầu tư. Trình tự xét duyệt, ký hợp đồng được quy định cụ thể tại Điều 38 Nghị định số 100/2024/NĐ-CP và chịu sự quản lý, kiểm tra chặt chẽ của cơ quan nhà nước nhằm xác định đúng đối tượng, đảm bảo tính minh bạch.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy giá nhà ở thương mại tại Hà Nội đang ở mức rất cao. Nhiều người dân nhận thấy lợi thế đầu tư khi mua nhà ở xã hội do được hưởng chính sách hỗ trợ, giá mua chỉ bằng khoảng 1/3 so với nhà ở thương mại. Do đó, có không ít người tìm mọi cách, nhờ người thân đứng tên hồ sơ để hợp thức hóa điều kiện đăng ký, dù không thực sự có nhu cầu về chỗ ở. Thậm chí, một số trường hợp đứng tên không đủ điều kiện nhưng vẫn thực hiện thủ tục xin xác nhận, tìm cách kết nối với cò mồi, môi giới để làm sai lệch hồ sơ nhằm trục lợi từ chính sách nhân văn của Nhà nước. Hành vi này vi phạm pháp luật, đồng thời tạo áp lực lớn cho chính quyền và chủ đầu tư trong việc xét duyệt hồ sơ.

Qua khảo sát thực tế tại một số dự án, số lượng người dân quan tâm và đăng ký hướng dẫn làm hồ sơ rất lớn. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% trong số đó đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Phần lớn các trường hợp còn lại không nắm rõ quy định, không chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và không thực sự có nhu cầu về nhà ở.

Vì vậy, người dân cần chủ động tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật hiện hành để chuẩn bị hồ sơ đúng và đầy đủ, đảm bảo quyền lợi được mua, thuê mua hoặc thuê nhà ở xã hội. Đồng thời, cần liên hệ trực tiếp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chủ đầu tư dự án để được hướng dẫn chi tiết, tránh thông qua môi giới trung gian gây rủi ro pháp lý, vi phạm pháp luật và làm méo mó chính sách hỗ trợ nhà ở cho người yếu thế, người thực sự khó khăn.