Cuộc chuyển giao "êm đềm" hơn những gì người ta lo sợ
Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, có những con người âm thầm chứng kiến sự đổi thay của dân tộc và lưu giữ lại bằng chính ký ức của mình.
Trưa ngày 30/4/1975, Sài Gòn chìm trong những âm thanh của thời khắc lịch sử. Tiếng trọng pháo rền vang từ 4 phía, tiếng loa phát thanh vọng lên khắp nẻo đường, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Khi ấy, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư – người đã ngoài 50 tuổi – lặng lẽ quan sát, lặng lẽ suy ngẫm. Bên trong căn nhà nhỏ ở Sài Gòn, ông và gia đình quây quần bên nhau, chứng kiến cột mốc quan trọng nhất của đất nước.
Cụ ông Nguyễn Đình Tư.
Khi bản tin buổi trưa phát đi lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, trong nhà ông, không ai thốt nên lời. Cảm xúc khi ấy thật khó gọi tên: Lo lắng có, nhưng cũng là sự chờ đợi, thấp thỏm trước một chương mới của lịch sử.
“Tôi không biết ngày mai sẽ ra sao. Nhưng quan trọng nhất là gia đình tôi vẫn ở bên nhau, an toàn”, ông nhớ lại.
Những ngày trước giải phóng, không ít người trong thành phố đã nghĩ đến một viễn cảnh hỗn loạn, thậm chí đẫm máu. Nhưng điều ông Nguyễn Đình Tư chứng kiến lại khác hẳn.
Thành phố vẫn nguyên vẹn, những con đường vẫn đông đúc nhưng không còn vẻ hoang mang. Người dân đổ ra đường, có người đi tìm người thân, có người chỉ lặng lẽ quan sát, có người vui mừng đón bộ đội giải phóng.
“Tôi thấy một cuộc đổi thay lớn lao nhưng không hề có sự đổ vỡ, kinh hoàng như những lời đồn trước đó. Không có cảnh tranh cướp, không có ai bị đàn áp”, ông nhớ lại.
Sài Gòn khi ấy không bị thiết quân luật, điện vẫn sáng, xe vẫn chạy, các công sở vẫn mở cửa. Dù có sự xáo trộn, nhưng phần lớn người dân đều dần thích nghi với trật tự mới. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cũng như bao người, bắt đầu một cuộc sống mới, học cách tồn tại trong hoàn cảnh mới.
Có một điều đặc biệt mà cụ ông nhận thấy: dù là ngày lịch sử trọng đại, nhưng Sài Gòn không hoàn toàn chỉ có sự phấn khởi hay lo lắng, mà còn có cả sự bình tĩnh đáng kinh ngạc. Và rồi, từng ngày trôi qua, họ dần tìm được nhịp sống mới.
Ngoài ra, cụ ông cũng nhớ lại khoảnh khắc quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn, xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được kéo lên. Những hình ảnh này không chỉ đánh dấu sự kết thúc của một thời kỳ, mà còn mở ra một trang sử mới cho đất nước.
Một đời tận tụy với sử liệu
Sau ngày đất nước thống nhất, cụ ông Nguyễn Đình Tư nghỉ hưu, để mưu sinh, cụ ông nhận sửa xe đạp bên lề đường, nhưng đam mê viết lách chưa bao giờ nguội lạnh. Những cuốn sách về địa phương chí như Non nước Phú Yên, Non nước Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận và tiểu thuyết lịch sử Loạn 12 sứ quân (1990) lần lượt ra đời, đánh dấu sự trở lại của một người miệt mài với lịch sử.
Là một nhà nghiên cứu sử học tự do, cụ ông Nguyễn Đình Tư gặp không ít khó khăn trong quá trình tìm kiếm tư liệu. Việc tiếp cận tài liệu lịch sử, đặc biệt là những tài liệu thuộc giai đoạn trước năm 1975, không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Khi nhận thấy sự thay đổi tên đường tại Tp.HCM khiến người dân gặp khó khăn trong việc định vị, cụ ông đã dày công nghiên cứu, tra cứu thư tịch cổ, lật lại lịch sử từng con đường.
Cùng với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, ông biên soạn Đường phố nội thành Tp.HCM (1995), góp phần giúp người dân hiểu hơn về nơi mình sinh sống.
Cuốn sách này sau đó được Hội Khoa học Lịch sử Tp.HCM trao giải Ba nhân dịp Tp.HCM tròn 300 năm tuổi.
Không dừng lại ở đó, cụ ông còn cho ra đời nhiều công trình đồ sộ như Đại Nam quấc âm tự vị (biên khảo), Địa chí Bà Rịa - Vũng Tàu, Địa chí Gia Định – Tp.HCM và đặc biệt là bộ sách Địa danh Tp.HCM với sự khảo cứu kỹ lưỡng về nguồn gốc địa danh của từng khu vực trong Thành phố.
Là một nhà nghiên cứu sử học tự do, cụ ông Nguyễn Đình Tư gặp không ít khó khăn trong quá trình tìm kiếm tư liệu.
Việc tiếp cận tài liệu lịch sử, đặc biệt là những tài liệu thuộc giai đoạn trước năm 1975, không phải lúc nào cũng dễ dàng. Cụ ông phải lật giở từng trang sách cũ, kiên trì thu thập từng mẩu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, so sánh đối chiếu để đảm bảo tính chính xác.
Đôi khi, ông còn phải đối diện với những tranh luận, những nghi ngờ về quan điểm lịch sử của mình. Nhưng vượt lên tất cả, ông vẫn kiên trì với con đường nghiên cứu và biên soạn sử liệu, với tâm niệm phải để lại những tư liệu chính xác nhất cho hậu thế.
Ở tuổi 105, cụ ông vẫn gắn bó với bàn viết, vẫn chắt lọc từng con chữ. Dù đôi tay đã run, mắt đã kém, nhưng chưa một ngày ông có ý định dừng lại. (Ảnh: WECHOICE 2024).
Tác phẩm của ông không chỉ giúp người đọc hiểu hơn về lịch sử vùng đất Nam bộ mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ yêu thích nghiên cứu lịch sử. Nhiều nhà nghiên cứu trẻ đã tìm đến ông để học hỏi kinh nghiệm, tiếp tục con đường ông đã dày công xây dựng. Những cuốn sách của ông trở thành tài liệu tham khảo quan trọng trong các nghiên cứu về địa danh, lịch sử và văn hóa miền Nam Việt Nam.
Hơn nửa thế kỷ sau ngày thống nhất, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn giữ cho mình một nếp sống giản dị, tận tụy.
Hơn nửa thế kỷ sau ngày thống nhất, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn giữ cho mình một nếp sống giản dị, tận tụy. Ở tuổi 105, cụ ông vẫn gắn bó với bàn viết, vẫn chắt lọc từng con chữ. Dù đôi tay đã run, mắt đã kém, nhưng chưa một ngày nào ông có ý định dừng lại.
“Nếu sức khỏe cho phép, tôi mong mình còn có thể viết thêm 10 bộ sách nữa”, cụ ông cười hiền. Gặp ông, người ta không chỉ thấy một nhà nghiên cứu lịch sử tài hoa mà còn là một tấm gương về lòng kiên trì, nhẫn nại, một nhân chứng sống của thời cuộc.
Cụ ông Nguyễn Đình Tư nhận được chứng nhận kỷ lục Bách Niên Trường Thọ. (Ảnh: WECHOICE 2024).
Cụ Nguyễn Đình Tư (sinh năm 1920) là nhà nghiên cứu với hơn 60 đầu sách về văn hoá, lịch sử, địa chí nổi tiếng của Việt Nam như: Loạn 12 sứ quân, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ… Và gần đây nhất là cuốn tự truyện “Đi Qua Trăm Năm” được đích thân Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên “đặt hàng” đề nghị ông Tư ưu tiên viết về cuộc đời hơn trăm năm của ông, lưu lại những câu chuyện cho con cháu.
Cụ Tư cũng chính là người đề xuất đặt tên 2 con đường Hoàng Sa và Trường Sa - nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc. Và Tp.HCM cũng chính là địa phương đầu tiên trên cả nước đặt tên đường bằng 2 quần đảo để tôn vinh sự thiêng liêng của chủ quyền quốc gia. Gần đây nhất vào đầu năm 2025, cụ Tư có 1 bài phát biểu hùng hồn tại sân khấu WeChoice Awards khiến nhiều người xúc động, trở thành hiện tượng mạng suốt thời gian dài. Bài phát biểu của cụ đầy đủ như sau:
“Tôi là người thuộc về quá khứ, tư tưởng tất cả đều là lạc hậu, không thể theo kịp những gì mà các bạn thể hiện. Tôi chỉ một tình yêu nước, từ nhỏ đến bây giờ. Vì yêu nước nên tôi kính trọng những vị tiền bối đã hy sinh để bảo vệ Việt Nam, tôi rất yêu Việt Nam nên đã tìm cách nghiên cứu để viết những cuốn sách liên quan đến Việt Nam, lịch sử, địa lý Việt Nam.
Đất nước chúng ta là một đất nước đẹp, tạo hóa đã hoan nghênh và dành tặng. Trong những tác phẩm của tôi đều viết về sự kiện lịch sử, địa phương, có tài nguyên gì. Đó là tấm lòng từ nhỏ đến giờ của tôi không thay đổi. Vì lòng yêu nước như vậy nên có những lúc, có điều kiện để đi ra ngoại quốc nhưng tôi đã từ chối không đi vì tôi là người Việt Nam, dù sống chết vẫn là người Việt Nam.
Tôi thấy bà con nông dân có được tấn lúa để xuất khẩu, mang về hàng tỷ đô la cho đất nước tôi rất mừng, thấy xuất khẩu được nhiều tôm cá, trái cây, có những con đường cao tốc không kém gì các quốc gia khác… Tôi luôn mừng cho đất nước, mừng cho đồng bào chúng ta. Vì vậy tôi vẫn say mê viết sách Lịch sử và địa chí. Tuổi của tôi không còn bao nhiêu thời gian, nhưng tôi hứa, còn sống ngày nào, tôi sẽ còn viết sách về địa lý, lịch sử cho hậu thế".
Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/cu-ong-danh-ca-cuoc-doi-de-luu-giu-ky-uc-ve-tphcm-a167782.html