Thành tích “độc nhất vô nhị”
Trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 của quân dân ta trước đế quốc Mỹ, binh chủng tên lửa phòng không là lực lượng đóng vai trò then chốt với thành tích bắn rơi 30 máy bay
Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Đình Kiên
“Một trong những thao tác khó nhất là mở ngòi nổ tên lửa đúng thời điểm sau khi phóng. Để bảo vệ B-52, địch sử dụng nhiều loại nhiễu, trong đó có nhiễu tiêu cực - tức hàng triệu sợi kim loại màu trắng bạc, cực mỏng, nhẹ như tơ do tiêm kích F4 và B-52 thả ra. Chúng vừa chắn sóng radar, vừa đánh lạc hướng tên lửa. Nếu mở ngòi nổ sớm, tên lửa sẽ phát nổ khi gặp đám nhiễu này. Nếu mở muộn thì B-52 bay qua mất rồi. Vì vậy, thời điểm nhấn nút mở ngòi nổ phải tuyệt đối chính xác thì mới diệt được B-52”
Đại tá Nguyễn Đình Kiên
Thông thường, mỗi lần chiến đấu với “pháo đài bay”, bộ đội tên lửa phải phóng ít nhất 3 quả tên lửa trong cùng thời điểm vì xác suất bắn trúng rất thấp. Vì vậy, bắn hạ liên tiếp 2 chiếc B-52 chỉ trong 10 phút bằng 2 quả tên lửa là thành tích có một không hai, thể hiện khả năng phán đoán nhạy bén, bản lĩnh kiên cường ở những thời điểm quyết định và độ chính xác gần như tuyệt đối.
Đến nay, Việt Nam vẫn là nước duy nhất từng bắn hạ máy bay B-52 trên thế giới, và chưa có ai làm được điều tương tự như ông Kiên và đồng đội.
Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai
Với Đại tá Nguyễn Đình Kiên, trận đánh năm ấy chỉ là một trong nhiều chiến thắng vẻ vang của bộ đội tên lửa Việt Nam trước không quân Mỹ. Địch đã thua vì phạm phải sai lầm chí tử: coi thường sức mạnh của lưới lửa phòng không tại miền Bắc.
![]() |
Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Đình Kiên chụp ảnh lưu niệm cùng ông Kim Morey - cựu phi công B-52 từng tham gia chiến dịch Linebacker II |
“Trước chiến dịch Linebacker II của Mỹ, bộ đội tên lửa đã bắn rơi B-52 nhưng không có chiếc nào rơi tại chỗ. Điều này khiến Mỹ coi thường sức mạnh của bộ đội tên lửa Việt Nam. Mãi đến ngày 28/12/1972, tức 2 ngày trước khi kết thúc chiến dịch, họ mới tăng cường oanh tạc các trận địa tên lửa của ta, nhưng không kịp nữa rồi”, ông Kiên chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Đình Kiên nhận định, trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu quan trọng nhất là giữ vững môi trường hòa bình, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa và xây dựng một nền quốc phòng vững chắc, có lực lượng tinh nhuệ và vũ khí hiện đại. Trách nhiệm này sẽ được đặt lên vai thế hệ thanh niên.
“Để bảo vệ nền hòa bình và giúp đất nước phát triển, tôi nghĩ người trẻ hiện nay cần phải nắm vững kiến thức về khoa học, công nghệ và các công cụ liên quan, đặc biệt là những thanh niên chọn đi theo con đường binh nghiệp. Muốn sở hữu và sử dụng khí tài quân sự hiện đại, cần phải học cách làm chủ khoa học công nghệ trước”, ông Kiên nhận định.
![]() |
Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Đình Kiên (phải) và Trung tướng, AHLLVTND Nguyễn Đức Soát tại một buổi giao lưu, trò chuyện về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh: Thành Đạt |
Gần đây, trong một sự kiện gặp mặt, hòa giải giữa các cựu phi công, sĩ quan tên lửa Việt Nam với cựu phi công Mỹ, ông Kiên lần đầu gặp một phi công lái B-52 trong Chiến dịch Linebacker II năm xưa.
Họ cùng nhau trò chuyện, hồi tưởng câu chuyện năm xưa, giải đáp thắc mắc và chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình chiến đấu… Không còn mối hận thù, hiềm khích nào, chỉ có sự quý mến, tôn trọng lẫn nhau. Từng đứng ở hai đầu chiến tuyến, nay họ trở thành bạn bè.
“Những sự kiện gặp gỡ này không vì cá nhân chúng tôi, mà hướng đến sự hòa giải giữa hai dân tộc để mở ra những cơ hội hợp tác, phát triển về kinh tế, quân sự… Tôi luôn ủng hộ việc gác lại quá khứ để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho cả hai dân tộc”, ông Kiên nói.
Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/gap-lai-khac-tinh-b-52-trong-tran-dien-bien-phu-tren-khong-a167842.html