Tối 4/5, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã tổ chức khai mạc
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học phát biểu tại lễ khai mạc
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, Hội Gióng tại Phù Đổng được tổ chức nhằm tưởng nhớ công đức Phù Đổng Thiên vương Thánh Gióng, là một diễn trường lịch sử - văn hóa, diễn lại sự tích Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân, được các nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những lễ hội kỳ thú nhất và cổ nhất, được người dân biết đến nhiều nhất, có tính đại chúng nhất.
Nét độc đáo của Hội Gióng là do cộng đồng thực hành, lưu giữ, bảo vệ. Nghi thức chính của Hội Gióng được tập trung tổ chức tại các địa điểm thuộc Khu di tích đền Phù Đổng đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2013.
Sau 15 năm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghi thức Hội Gióng ở đền Phù Đổng được duy trì tổ chức quy mô hội lệ hằng năm và quy mô hội chính 5 năm/kỳ.
Được sự quan tâm của trung ương, thành phố, sự ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân, huyện Gia Lâm đã đầu tư tu bổ, tôn tạo không gian văn hóa của di sản Hội Gióng và các địa điểm thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Phù Đổng được tôn tạo khang trang với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng.
![]() |
Những thiếu nữ trong độ tuổi khoảng 12 -13 được chọn làm cô Tướng |
Huyện cũng tư liệu hóa diễn trình Hội Gióng, cập nhật thông tin giới thiệu Di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, Hội Gióng trên App Gia Lâm bằng tiếng Việt và tiếng Anh; bảng giới thiệu về các địa điểm Di tích quốc gia đặc biệt và lễ hội có gắn mã QR để ở những nơi dễ nhận diện cho người dân và khách du lịch. Phát hành 1.500 cuốn “Gia Lâm - di vật, hiện vật tiêu biểu trong di tích lịch sử, văn hóa”, 5.000 cuốn “Đền Phù Đổng, di sản - di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt”, “Hội Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”…
Hội Gióng - đền Phù Đổng diễn ra từ ngày 26/4 (tức ngày 29/3 âm lịch) đến hết ngày 7/5 (tức 10/4 âm lịch) với các hoạt động: Lễ dâng hương của nhân dân và du khách thập phương; thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ, múa rối nước, giải vật dân tộc, thi nấu cơm, các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống…; khai trương Tuần lễ văn hóa du lịch và tham quan, trải nghiệm, giới thiệu sản phẩm du lịch, ẩm thực địa phương; khai trương gian hàng chợ quê, trưng bày bán các sản phẩm OCOP và xúc tiến quảng bá du lịch…
Tương truyền, Hội Gióng diễn ra từ xa xưa nhưng bắt đầu từ thế kỷ XI, đời vua Lý Thái Tổ được áp dụng những quy tắc chặt chẽ cho đến tận ngày nay. Nét độc đáo của lễ hội Gióng chính bởi tính cộng đồng và do cộng đồng lưu giữ, thực hành. Từ ngàn đời qua, Hội Gióng - Đền Phù Đổng đã được cộng đồng lưu giữ, bảo vệ như một phần máu thịt. Nghi thức chính của Hội Gióng được tập trung tổ chức tại các địa điểm thuộc Khu di tích Đền Phù Đổng.
Khu di tích thờ Thánh Gióng gồm có 10 địa điểm liên quan, trong đó nổi bật là Đền Phù Đổng (hay còn gọi là Đền Thượng) với quy mô bề thế, gồm nhiều hạng mục kiến trúc hiện còn bảo lưu được những mảng chạm khắc mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ 17-18 của kiến trúc đình làng vùng Châu thổ Bắc Bộ. Khu di tích Đền Phù Đổng, xã Phù Đổng đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013.
Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/khai-mac-hoi-giong-mot-trong-nhung-le-hoi-co-nhat-viet-nam-a168255.html