Việt Nam vẫn giữ vững sức hút với nhà đầu tư Đức

Báo cáo của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) chỉ ra rằng Việt Nam vừa là trung tâm sản xuất năng động, vừa là điểm đến chiến lược thay thế cho các doanh nghiệp Đức đang tái định vị hoạt động trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương...

Theo Báo cáo Triển vọng Kinh doanh Toàn cầu AHK - Mùa xuân 2025 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) công bố, các doanh nghiệp Đức vẫn coi Việt Nam là một thị trường đầu tư đầy hứa hẹn trong bối cảnh toàn cầu ngày càng biến động.

VIỆT NAM LÀ ĐIỂM ĐẾN CHIẾN LƯỢC TRONG CHIẾN LƯỢC TOÀN CẦU CỦA DOANH NGHIỆP ĐỨC

Cụ thể, có 54% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong năm tới, bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động. Đồng thời, 80% doanh nghiệp Đức đánh giá tình hình hoạt động hiện tại của họ là “tốt” hoặc “đạt yêu cầu”, cho thấy Việt Nam tiếp tục là một môi trường đầu tư tương đối ổn định.

Niềm tin này còn được thể hiện rõ qua các kế hoạch đầu tư tương lai của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam khi có tới 38% doanh nghiệp Đức cho biết họ có ý định tăng đầu tư tại Việt Nam - con số này không chỉ cao hơn mức 35% trong khảo sát mùa thu năm 2024 mà còn vượt xa tỷ lệ 24% vào mùa xuân cùng năm.

Khảo sát doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Nguồn: Báo cáo Triển vọng Kinh doanh Toàn cầu AHK - Mùa xuân 2025 Khảo sát doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Nguồn: Báo cáo Triển vọng Kinh doanh Toàn cầu AHK - Mùa xuân 2025

Song song đó, 43% doanh nghiệp dự kiến sẽ tuyển thêm nhân sự trong năm 2025, tăng mạnh so với mức 35% cách đây nửa năm.

“Những con số tích cực này tiếp tục củng cố vai trò kép của Việt Nam khi vừa là trung tâm sản xuất năng động, vừa là điểm đến chiến lược thay thế cho các doanh nghiệp Đức đang tái định vị hoạt động trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, AHK Việt Nam nhận định.

 

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong quý 1 năm nay, Đức đã đầu tư vào 7 dự án mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 11,35 triệu USD, tăng mạnh 81,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính lũy kế đến hết tháng 2/2025, Đức hiện có tổng cộng 490 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,81 tỷ USD.

Không chỉ dừng lại ở kế hoạch, nhiều doanh nghiệp Đức trong thời gian vừa qua đã có những hoạt động mở rộng đầu tư ấn tượng tại Việt Nam.

Trong đó, công ty Ziehl-Abegg vào giữa năm 2024 đã khánh thành nhà máy trị giá 20 triệu USD tại Đồng Nai chuyên sản xuất thiết bị thông gió và truyền động; hay Tập đoàn Kärcher đầu tư 19,4 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị làm sạch tại Quảng Nam.

Gần đây nhất là vào đầu tháng 4/2025, Tập đoàn Südwolle cũng đưa vào hoạt động nhà máy nhuộm sợi trị giá 21 triệu USD tại Ninh Thuận. Những khoản đầu tư ấn tượng này đã khẳng định cam kết dài hạn của các doanh nghiệp Đức đối với thị trường Việt Nam.

THÁCH THỨC VẪN HIỆN HỮU

Dù triển vọng kinh doanh tích cực, các doanh nghiệp Đức vẫn đang phải đối mặt với ba thách thức chính khi hoạt động tại thị trường Việt Nam:

Trước hết là sự biến động về nhu cầu. Mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự sụt giảm tiêu dùng tại Mỹ, các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam vẫn chịu tác động gián tiếp do vẫn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng phục vụ thị trường này. Điều này gây khó khăn cho việc lên kế hoạch sản xuất và mở rộng quy mô.

Thứ hai là môi trường kinh tế và chính sách còn thiếu ổn định. Các doanh nghiệp Đức cho rằng những thay đổi chính sách đột ngột cùng với hệ thống pháp lý chưa rõ ràng đang ảnh hưởng đến khả năng đưa ra quyết định chiến lược dài hạn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ ba là vấn đề cạnh tranh không bình đẳng. Một số doanh nghiệp Đức phản ánh rằng họ gặp khó khăn do doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ nhiều hơn. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu tăng cũng làm gia tăng chi phí đối với các công ty xuất khẩu trực tiếp hàng hóa ra thị trường nước ngoài.

Một số thách thức mà doanh nghiệp Đức vẫn gặp phải tại Việt Nam. Nguồn: Báo cáo Triển vọng Kinh doanh Toàn cầu AHK - Mùa xuân 2025 Một số thách thức mà doanh nghiệp Đức vẫn gặp phải tại Việt Nam. Nguồn: Báo cáo Triển vọng Kinh doanh Toàn cầu AHK - Mùa xuân 2025

Những thách thức này càng trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh giá nguyên vật liệu leo thang và chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19.

Liên quan đến chính sách thương mại của Mỹ, 16% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam dự báo họ sẽ chịu tác động tiêu cực đáng kể, trong khi 41% cho rằng ảnh hưởng ở mức nhẹ. Đáng chú ý, 34% không thấy có tác động, và 9% đánh giá tác động tích cực.

Mặc dù vẫn còn nhiều yếu tố cần cải thiện, Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trong bức tranh tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Đức. Vị thế trung lập, chính trị ổn định, và đặc biệt là sự tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -  EU (EVFTA) đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Đức.

Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/viet-nam-van-giu-vung-suc-hut-voi-nha-dau-tu-duc-a168314.html