Kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày vừa qua là khoảng thời gian “vàng” để các địa phương trong cả nước thu hút du khách, kích cầu tiêu dùng. Với nhiều tiềm năng về du lịch biển, sinh thái, cộng đồng và văn hóa, Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất, thu hút hơn 1,6 triệu lượt khách, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 4.170 tỷ đồng, tăng 9,6% so với kỳ nghỉ lễ năm 2024.
Tại các điểm đến như Sầm Sơn, Hải Tiến, Bãi Đông, Nghi Sơn, Pù Luông, suối cá thần Cẩm Lương, Bản Mạ, Thành nhà Hồ, Lam Kinh... lượng khách tăng cao đã kéo theo nhu cầu mua sắm các đặc sản địa phương cũng tăng đột biến. Trong đó, các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) là lựa chọn hàng đầu của du khách nhờ chất lượng, bao bì đẹp và có tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Nổi bật nhất phải kể đến các đặc sản nổi tiếng như nem chua, nem ống, nước mắm, mắm tôm, mắm tép... đều ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu từ 30% đến 40% so với ngày thường. Ông Lê Hữu An, chủ cơ sở sản xuất nem ống Luồng An Cúc tại khu phố 2, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, cho biết: “Dịp lễ năm nay, lượng khách đến tham quan và mua nem ống tăng mạnh, đặc biệt là khách du lịch từ Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc. Nhờ giữ được hương vị truyền thống, quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, lại được dán tem OCOP nên người tiêu dùng rất tin tưởng. Doanh số bán hàng tăng khoảng 35% so với ngày thường”.
Tại huyện Hoằng Hóa, các sản phẩm mắm của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia như nước mắm cốt đặc biệt, mắm tôm, mắm tép... cũng “cháy hàng” tại nhiều cửa hàng lưu niệm và gian hàng OCOP. Đặc biệt, nước mắm cốt đặc biệt của Lê Gia đã được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia minh chứng cho chất lượng và vị thế vươn xa của sản phẩm xứ Thanh.
Sự bứt phá này là động lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch cho thấy bước trưởng thành về thương hiệu, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP Thanh Hóa trên thị trường.
ĐẶC SẢN MIỀN NÚI LÊN NGÔI, DU KHÁCH MÊ MẨNKhông chỉ các đặc sản miền biển, sản phẩm OCOP vùng cao Thanh Hóa cũng lên ngôi trong dịp lễ vừa qua. Tại các điểm du lịch sinh thái và cộng đồng như Pù Luông (Bá Thước), Bản Mạ (Quan Hóa), suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy)... các đặc sản như cá mương sấy, trâu gác bếp, măng khô, gạo nếp hương, rượu cần... thu hút sự quan tâm đặc biệt từ du khách.
Chị Vi Thị Thơm, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Duy Linh (thị trấn Sơn Lư, Quan Sơn) chia sẻ: “Măng búp Duy Linh được chế biến từ măng nứa, vầu, luồng... chọn đúng độ non, ngọt. Đặc sản miền núi này được nhiều du khách từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc mua về làm quà. Trong kỳ nghỉ lễ vừa rồi, sản phẩm tiêu thụ tăng mạnh, không đủ hàng để bán”.
Không chỉ chú trọng chất lượng, các cơ sở OCOP hiện nay còn đầu tư mạnh vào mẫu mã bao bì, tăng tính thẩm mỹ, tiện lợi cho việc vận chuyển, lưu giữ và tặng quà. Đặc biệt, tem truy xuất nguồn gốc, mã QR tích hợp đã giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm chứng thông tin, nâng cao niềm tin vào sản phẩm.
Nhận thức rõ nhu cầu mua sắm đặc sản tăng mạnh trong dịp lễ, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất OCOP tại Thanh Hóa đã chủ động chuẩn bị từ sớm. Việc tăng cường sản xuất, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và chuẩn hóa hình ảnh sản phẩm đã được triển khai đồng bộ. Đây chính là biểu hiện rõ nét cho bước chuyển mình từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất gắn với thị trường, hướng đến chuyên nghiệp và bền vững hơn.
KẾT HỢP DU LỊCH – THƯƠNG MẠI, MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG OCOPCùng với đà tăng trưởng về lượng khách, các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức linh hoạt và sáng tạo cũng góp phần đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với du khách. Tại các điểm du lịch trọng điểm, các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP được tổ chức bài bản, thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan, trải nghiệm, mua sắm.
Tiêu biểu như sự kiện “Tuần văn hóa TP Thanh Hóa – TP Hội An” là dịp tôn vinh văn hóa đặc sắc của hai địa phương tạo cơ hội quảng bá sản phẩm OCOP của xứ Thanh đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Tại các huyện miền núi, các hội chợ giới thiệu sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương cũng ghi nhận sức tiêu thụ ấn tượng trong dịp lễ.
Việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch không chỉ giúp gia tăng doanh thu, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực, bản sắc địa phương. Đây là hướng đi bền vững, phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh Thanh Hóa.
Với đà bứt phá mạnh mẽ trong dịp lễ vừa qua, OCOP xứ Thanh đang khẳng định được chỗ đứng trên bản đồ sản phẩm đặc sản quốc gia, tiến gần hơn đến mục tiêu mở rộng thị trường trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/dac-san-xu-thanh-dat-hang-dip-nghi-le-304-va-15-a168354.html