Tâm sự với Tuổi Trẻ, nghệ sĩ
Kim Cương kể hồi trước 1975 bà từng đi học Tây Âu 4-5 năm, vì vậy bà không xa lạ gì với bên ngoài. Ở lại Việt Nam không chỉ là ở lại nhà mình, mà nghề hát của mình thì mình chỉ diễn ở đây, ra đi là coi như bỏ nghề.
Ngay thời điểm rối ren, nhiều người khá hoang mang, đặc biệt các nghệ sĩ hoạt động trước 1975. Nhiều nhà báo quốc tế từ phương Tây, Nhật… đến phỏng vấn Kim Cương. Họ thắc mắc Kim Cương đã từng đoạt giải thưởng xuất sắc của Hội Điện ảnh Á châu, một giải thưởng từ Pháp, nếu đi ít ra cũng có sẵn chút tiếng tăm, có vị thế khá vững, tại sao bà chọn ở lại.
Kim Cương chia sẻ rằng bà biết ra đi có thể có điều kiện về vật chất, môi trường nghệ thuật rộng lớn, nhiều khán giả hơn, tuy nhiên bà khẳng định: "Nhưng tôi chắc chắn rằng không ai thương Kim Cương bằng khán giả Việt Nam. Vì vậy cho dù có nghèo, chết đói tôi cũng ở lại Việt Nam. Mẹ con tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nước mà đi!".
50 năm qua, khi nhìn lại, Kim Cương càng thấy quyết định của mình, của má là đúng đắn. Ở tuổi gần 90, Kim Cương vẫn được khán giả thương quý dù bà rời xa nghiệp hát đã mấy chục năm nay.
Bà nhớ hồi bà mới 8-9 tuổi, nghệ sĩ Năm Châu có lập gánh hát và đặt tên Con Tằm. Lúc đó còn nhỏ, lại sợ sâu nên nghe tên đoàn hát bà… bực mình hỏi má: "Sao chú Năm một bụng chữ nghĩa, thiếu gì tên đẹp như hoa, chim chóc chú không đặt mà lấy tên Con Tằm ghê quá!".
Má Bảy Nam mới cắt nghĩa con tằm sau khi rút hết tơ tằm dâng cho đời thì nó chết trong cái kén cô đơn không ai nhớ tới. Nghệ sĩ cũng vậy, sau khi nhả hết tơ cho đời rồi có khi cũng chết trong cái kén đau khổ.
"Nghe má nói vậy tôi cũng lờ mờ, rồi tới chừng lớn, làm nghề thì càng hiểu rõ hơn những khổ đau của nghệ sĩ về già. Khi tôi hoạt động từ thiện, tôi luôn dành nhiều hơn sự quan tâm cho nghệ sĩ.
Những phần quà, những ân tình không chỉ là vật chất mà tôi còn muốn nói với anh em rằng mình cứ sống hết lòng với đời, sống hết tình với nghề, với khán giả thì sẽ không ai bỏ quên mình đâu!", nghệ sĩ Kim Cương bày tỏ.
Kim Cương nói không hiểu sao trong giới nghệ sĩ bà là người bị đồn nhiều nhất về việc dính tới chính trị, có lúc người ta nói bà là "thượng tá Việt cộng", có lúc nói là "cấp cao phía bên kia".
Sau năm 1975, có điều kiện tiếp xúc với ông Phạm Hùng (sau này là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), Kim Cương đã đem thắc mắc này hỏi ông: "Giải phóng vô con chỉ biết chú Bảy thôi chứ không có biết ông Việt cộng nào hết, sao mọi người cứ đồn con là Thượng tá Việt cộng?".
Ông Phạm Hùng cười hề hề kể lại hồi ông ở trong chiến khu, có một số lãnh đạo được coi truyền hình để nắm tin tức, vô tình ông bắt trúng Lá sầu riêng. Vì quá thích vở kịch nên ông hỏi mọi người: "Kim Cương là đứa nào mà nó làm kịch khá quá vậy cà?".
Thế nên cái tên Kim Cương khiến ông có thể nhớ là nhờ tác phẩm của bà đã có sức lay động chứ sau năm 1975 có lần trước đêm diễn, lãnh đạo nhắn rằng sẽ có ông Phạm Hùng đến xem, Kim Cương đã hỏi: "Phạm Hùng là ông nào vậy?".
Kim Cương xúc động nói giai đoạn đầu xây dựng thành phố còn nhiều khó khăn lắm nhưng lãnh đạo thành phố vẫn quan tâm văn nghệ sĩ, thậm chí dành thời gian xem hát vừa là quản lý tình hình chung, vừa là động viên anh em.
Ngoài ông Phạm Hùng, Kim Cương nói nhiều lãnh đạo khác đã khiến các nghệ sĩ không thể quên vì cái tâm của họ với văn hóa nghệ thuật TP.HCM. Ông Dương Đình Thảo là người nắm sát sao sân khấu thành phố, ông Võ Văn Kiệt thể hiện sự trọng thị người tài ở nhiều lĩnh vực, trong đó văn nghệ sĩ luôn nhớ đến ân tình của ông.
Kim Cương kể lần đó bà làm vở có tên Đưa em vào thu, ông Kiệt đã xem và đề nghị nên đổi thành Về nguồn sẽ hay và sát chủ đề vở hơn. Khi nghệ sĩ gặp khó khăn trong sáng tạo tác phẩm, họ đều có thể dễ dàng tìm đến ông Kiệt, ông Thảo... để trình bày, vì họ biết các ông sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và gợi ý giải pháp cho họ.
"Mỗi lần chú Bảy Phạm Hùng gọi thắc mắc, dù không phải chuyện đoàn mình tôi cũng lật đật đi tìm hiểu ngay để giải đáp, trả lời cho chú. Thương ông già, một người cách mạng đúng nghĩa, một lãnh đạo hết lòng vì dân.
Trò chuyện với văn nghệ sĩ thì cởi mở, chân tình nên mình không ngại ngùng, có gì cứ bày tỏ hết. Hồi chú Bảy mất tôi khóc hết nước mắt, vì nhân cách, lối sống của chú khiến mình thương như cha ruột!" – nghệ sĩ Kim Cương nhớ về người chú, người lãnh đạo những ngày đầu sau năm 1975.
Với nhiều khán giả mộ điệu cải lương và điện ảnh, chắc khó ai quên được nghệ sĩ Mộng Tuyền - người được xem là giai nhân của làng cải lương và điện ảnh từ những năm 1960 - 1970.
Ở tuổi gần 80, Mộng Tuyền vẫn giữ được vẻ đẹp mặn mà. Sau 30 năm là Việt kiều Pháp, bà trở về quê hương sống lặng lẽ, thỉnh thoảng tham gia hát nhưng không bao giờ lấy cát sê.
Mộng Tuyền sanh ra trong gia đình đông con ở Cần Thơ. Mới 6 tuổi, Mộng Tuyền ẵm em chai hông từ đứa này qua tới đứa khác. Một lần Mộng Tuyền ngồi ca ru em thì ông Ba Cứ ở Tân Quới, Vĩnh Long đi ngang vô tình nghe được. Ông tròn mắt hỏi bạn mình là tay đờn Tư Sến: "Con ai mà cái giọng coi hay dữ bây?".
Ông Ba Cứ vốn hoạt động cách mạng nằm vùng, làm nghề hớt tóc với ngón đờn guitar, kìm… rất hay. Vợ chồng ông không có con nên mới bàn với ba của Kim Loan (tên thật của nghệ sĩ Mộng Tuyền) cho ông nhận con nhỏ ngộ ngộ, ca hay làm con nuôi rồi dạy ca, chừng nào ca rành thì trả về.
Nhà nghèo quá, để Kim Loan đi là coi như bớt miệng ăn nên ba cô nhanh chóng nhận lời. 8 tuổi Kim Loan trở về nhà, ba cô từ một người ngoại đạo bỗng nảy ra ý định làm bầu, lập ban cổ nhạc Kim Loan hát vào thứ bảy và chủ nhật ở bến Ninh Kiều.
Từ ban hát này, ông bầu Ba Bản của Đoàn Thủ Đô phát hiện ra Kim Loan, cha con cô theo gánh rong ruổi khắp nơi. Mới 12-13 tuổi, Kim Loan về làm đào chánh Đoàn Hoa Sen, hát cặp với nghệ sĩ Bảy Cao, Việt Kiều…
Trải qua một số đoàn, khoảng năm 1961-1962 cô về đại bang Thanh Minh - Thanh Nga. Trong một lần, nhờ thế vai vũ nữ Thu Lan của nghệ sĩ Ngọc Giàu trong vở Phu tử tòng tử (soạn giả: Hà Triều - Hoa Phượng), Mộng Tuyền đã nhận luôn giải Thanh Tâm danh giá năm 1963.
Tài sắc, được nhiều người săn đón nên phim ảnh cũng không bỏ lỡ mỹ nhân của làng cải lương. Khoảng năm 1970 Mộng Tuyền gần như nghỉ diễn cải lương để tập trung cho đóng phim.
Mộng Tuyền nhanh chóng bừng sáng trên phim ảnh với hàng loạt phim như Chân trời tím, Phận má hồng, Em về giữa hoàng hôn, Còn gì cho nhau, Gánh hàng hoa, Cô Nhíp, Trang giấy mới…
Mộng Tuyền cũng là người thể hiện nhân vật bác sĩ Mai Trâm trong phim Tình yêu của em (đạo diễn Lê Mộng Hoàng). Mai Trâm lấy cảm hứng từ nhân vật có thật là bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng.
Chia sẻ về vai diễn, Mộng Tuyền cho biết khi nhận kịch bản bà chưa có điều kiện tiếp xúc với bác sĩ Ngọc Phượng, tuy nhiên "khi đọc kịch bản, tôi cảm nhận được đây là vị nữ bác sĩ có tài, cực kỳ yêu nghề và yêu quê hương đất nước. Cô gái ấy có điểm chung với tôi, tôi cũng yêu nghề hát của mình và yêu xứ sở này".
Để vào vai, Mộng Tuyền đến Trường đại học Y Dược TP.HCM và Bệnh viện Từ Dũ để học đủ các thao tác của bác sĩ. Bác sĩ Mai Trâm đầy cảm xúc đã đem lại cho Mộng Tuyền giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6.
Mộng Tuyền kể ở giai đoạn 1975, nhiều người băn khoăn về việc đi hay ở, nhưng bà thì chưa bao giờ có ý định ra đi. "Lúc đó tôi nghĩ mình chỉ là nghệ sĩ, có phải cường hào ác bá gì đâu. Mọi người sao mình vậy, sướng khổ gì mình cũng ở lại với quê mình".
Bà bày tỏ không quen nịnh nọt nhưng rất thật lòng mà nói thì các vị lãnh đạo ở giai đoạn mới ưu ái văn nghệ sĩ nên đã nhanh chóng cởi bỏ sự e dè của những nghệ sĩ từng hoạt động trước 1975. Bà và các nghệ sĩ đã nhận được sự yêu thương và quan tâm của các lãnh đạo như ông Sáu Dân, Sáu Khải, Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Mai Chí Thọ…
"Sau 1975, tôi là một trong những nghệ sĩ có dư vì trước đây chịu khó tích lũy, nhưng tôi sống y như các đồng nghiệp, bà con thành phố thời ấy. Vì cảm thấy mình đủ sống rồi nên tôi đi hát bất cứ đoàn nào cũng không nhận lương.
Đến bây giờ vẫn vậy, hát ở đâu tôi cũng không lấy tiền. Coi như trả ơn cái nghề, trả ơn khán giả, trả ơn đất nước đã cho mình cái nghề, nuôi mình trưởng thành, có khả năng lo lắng chu toàn cho gia đình" - Mộng Tuyền xúc động nói.
Năm 1986, vì lấy chồng nên bà sang Pháp, nhưng nhớ nhà chịu không nổi nên đâu chừng một năm bà đã quày quả về thăm quê. Sống ở Pháp khoảng 30 năm, bà đếm mình đã đi về Việt Nam tới… 68 lần!
Sau khi chia tay chồng, bà về sống ở quận 3. Nhà bà xây khách sạn cho thuê, bà ở một phòng nhỏ trong đó một mình, không con cái, không người thân. Vậy mà bà vui, ai kêu đi hát từ thiện ở đâu cũng đi.
Rảnh thì gặp bạn bè cà phê, đi ăn uống. Không cảm thấy muộn phiền, cô đơn, cứ an nhiên mà sống, không so đo, hơn thua. Còn sức khỏe còn hát và còn khán giả chịu nghe mình hát, với bà, đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ tuổi về chiều…
Trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, có những giọng ca như ngọn lửa âm ỉ cháy mãi qua thời gian, gieo vào lòng người nghe tình yêu quê hương sâu đậm.
Ca sĩ Cẩm Vân, người con gái Sài Gòn, là một trong những giọng hát như vậy. Với chất giọng nữ trầm khỏe khoắn, đầy cảm xúc, Cẩm Vân là người kể chuyện bằng âm nhạc. Bài ca không quên, Đêm thành phố đầy sao và Thành phố tình yêu và nỗi nhớ là ba trong số những bản nhạc không chỉ làm nên tên tuổi cô mà còn là ký ức chung của một thế hệ.
Ca sĩ Cẩm Vân kể vào năm 1981, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tìm đến cô với một đề nghị đặc biệt: mời Cẩm Vân thể hiện Bài ca không quên - ca khúc được viết riêng cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Văn Thông.
Ban đầu lời bài hát dành cho giọng nam, nhưng sau khi nghe bản thu thử của vài ca sĩ, đạo diễn quyết định chọn Cẩm Vân. "Khi lần đầu tiếp xúc với ca khúc, tôi đã thấy "dính" rồi" - Cẩm Vân kể lại với nụ cười rạng rỡ.
Quá trình thu âm ca khúc cũng là một hành trình trần ai. Với gần hai chục nhạc công trong phòng thu, chỉ cần một người lệch nhịp là phải làm lại từ đầu. "Tôi không nhớ thu bao nhiêu lần, chỉ nhớ gần hết ngày, cổ họng gần như không hát nổi nữa. Nhưng lạ thay, càng mệt giọng tôi lại càng hay, càng khàn lại càng thấm", Cẩm Vân kể.
Khi phim ra rạp, Bài ca không quên vang lên ở đoạn kết, Cẩm Vân lặng người vì xúc động. Khán giả cũng vậy. Ca khúc lan tỏa mạnh mẽ qua tivi và đài phát thanh đến mức đi đâu người ta cũng thuộc.
Từ đó Cẩm Vân bắt đầu những chuyến lưu diễn dài ngày, ra Hà Nội, thậm chí sang nước ngoài - điều hiếm có ở thập niên 1980. "Lúc đó còn trẻ, tôi không ngờ mình và bài hát nổi tiếng đến vậy. Đi đâu khán giả cũng biết, cũng yêu cầu hát", chị kể.
Hơn 40 năm trôi qua, Bài ca không quên vẫn là "bài ca không quên" trong lòng công chúng. Một kỷ niệm đặc biệt mà Cẩm Vân không thể quên cùng Bài ca không quên là lần biểu diễn tại hội nghị ở TP.HCM, khi nhìn xuống thấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt cúi đầu lau nước mắt.
"Hình ảnh đó làm tôi nhớ mãi. Được khán giả yêu thương với ca khúc này là hạnh phúc lớn nhất của một nghệ sĩ" - chị nói, giọng nghẹn ngào. Chính vì vậy Cẩm Vân cũng rất kỹ mỗi khi nhận được lời mời trình diễn ca khúc: "Phải đủ cảm xúc và không gian phù hợp tôi mới hát. Tôi không muốn làm khán giả thất vọng, cũng muốn giữ gìn cho tác phẩm".
Đêm thành phố đầy sao là bài hát về sức sống và hy vọng của một thành phố vừa bước qua chiến tranh. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn viết ca khúc này tặng riêng Cẩm Vân, để cô trình diễn trong chương trình ca nhạc giao thừa trên truyền hình TP.HCM đầu thập niên 1980. Chỉ sau một đêm lên sóng, ca khúc đã "gây bão". Khán giả gửi thư về đài yêu cầu phát lại liên tục, còn Cẩm Vân thì "chạy sô" đến mướt mồ hôi.
"Đỉnh điểm có khi một đêm chạy 12 sô. Lúc đó nghèo lắm, đi hát bằng xe đạp đòn dông, mặc áo dài đạp vòng quanh Nhà văn hóa Lao động, Nhà văn hóa Thanh niên, Sở thú… Mệt lắm, đói nữa", chị hồi tưởng.
Có lần ngang qua hàng phở trên đường Pasteur, mùi phở thơm lừng nhưng chị đành nhắm mắt đạp qua vì một tô phở bằng cả một sô hát. "Tôi không dám ăn, để dành tiền may áo dài. Mà áo dài đạp xe thì hay bị xích cắn rách lai quần, vá hoài. Có hôm xui lai quần vướng xích, té đau nổ đom đóm mắt. Ngước lên thì thành phố đầy sao thật, mà mình thì lẻ loi trên đường về", chị cười kể lại.
Đêm thành phố đầy sao không chỉ là ca khúc về vẻ đẹp lung linh của TP.HCM mà còn là câu chuyện về nghị lực và ước mơ của Cẩm Vân thời trẻ. Giọng hát trầm bổng của chị đã biến ca khúc này thành biểu tượng của sự lạc quan, của một thành phố đang vươn mình sau chiến tranh. Đến nay mỗi lần hát lại, chị vẫn cảm nhận được tình yêu đặc biệt mà khán giả dành cho mình qua ca khúc này.
Cũng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, nhưng lần này phổ thơ Nguyễn Nhật Ánh, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ ra đời năm 1980 trong bối cảnh nhiều thanh niên rời TP.HCM đi bảo vệ biên giới Tây Nam.
Cẩm Vân là một trong những người đầu tiên thể hiện ca khúc, và qua giọng hát của chị, ca khúc trở thành "bản tình ca" của TPHCM.
"Có tự bao giờ hàng me xanh ngát/ Mà nay đứng đó cho em làm thơ" - những câu hát đó, thời trẻ, chị hát với tất cả sự lãng mạn của tuổi đôi mươi.
Nhưng cảm xúc với ca khúc thay đổi theo năm tháng. Năm 2021, giữa đại dịch COVID-19, Cẩm Vân chọn hát lại bài này trong các hoạt động thiện nguyện.
"Em ơi hãy lắng nghe, nghe thành phố thở…" - đến câu hát ấy, chị nghẹn ngào. Thành phố từng rực rỡ, giờ đây lặng lẽ "thở" trong giãn cách.
Cùng chồng, nhạc sĩ Khắc Triệu, và con gái CeCe Trương, chị thực hiện MV cho ca khúc ngay thời điểm đó như một cách lưu giữ "hơi thở" của thành phố trong những ngày khó khăn. "Tôi hát hàng trăm lần, nhưng lần đó cảm xúc dâng lên cao nhất. Tôi chợt nhận ra mình thương thành phố này đến dường nào", chị chia sẻ.
Từ những ngày đạp xe chạy sô, giọng khàn hát đến khuya, đến những chuyến bay lưu diễn nước ngoài, rồi khoảnh khắc nghẹn ngào giữa đại dịch, Cẩm Vân đã sống trọn với âm nhạc và khán giả. "Tôi may mắn được khán giả thương yêu. Được hát những ca khúc này, tôi biết ơn nhạc sĩ và biết ơn cuộc đời", chị nói.
Quê hương không chỉ là nơi ta sinh ra mà còn là nơi ta gửi gắm tình yêu, nỗi nhớ và cả những "bài ca không quên". Với Cẩm Vân, âm nhạc là hơi thở, là cách chị kể chuyện về một Việt Nam kiên cường, lãng mạn và "đầy sao".
-------------------------------------------------------------------------------------------
Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/khong-ai-thuong-chung-toi-bang-khan-gia-viet-nam-a168481.html