Cần hơn 34.500 tỷ đồng để nâng cấp cảng biển Quảng Ninh

Theo bản quy hoạch, đến năm 2030, cảng biển Quảng Ninh sẽ có từ 27 - 30 bến cảng, gồm từ 54 - 60 cầu cảng với tổng chiều dài từ 12.285 - 13.616m (chưa bao gồm các bến cảng khác)...

Theo Quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong tổng số 34 cảng biển Việt Nam, cảng Quảng Ninh thuộc nhóm cảng biển loại I, là cảng nước sâu có quy mô cảng tổng hợp quốc gia.  

Nằm tại giao điểm các tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái và gần sân bay Vân Đồn, hệ thống cảng biển Quảng Ninh có lợi thế kết nối vận tải hàng hóa liên vùng, trung chuyển đến các cảng, cửa khẩu tại miền Bắc.  

Trong giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hệ thống cảng biển và dịch vụ cảng biển, được thực hiện qua nhiều dự án lớn như: Cảng Cái Lân, Cảng Cửa Ông, Cảng Hòn Gai, Cảng Km6… Hiện tại, tuyến đường biển của Quảng Ninh đảm nhận khoảng 40,5% tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực phía Bắc.   

Cùng với đó Quảng Ninh cũng đặc biệt chú trọng đến phát triển các cảng phục vụ du lịch, như Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.  

Theo Thống kê của Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, giai đoạn 2020 - 2024 sản lượng hàng hóa thông qua các bến cảng tại Quảng Ninh đạt khoảng 627,7 triệu tấn; tốc độ tăng trưởng sản lượng đạt bình quân 9,02%/năm; số lượt tàu biển ra vào cảng tăng trưởng hơn 126 %/năm; tổng lưu lượng hành khách vận tải biển, đặc biệt là khách du lịch, đạt gần 300.000 lượt. 

Với những triển khai thu hút đầu tư mạnh mẽ cùng kết quả tăng trưởng ấn tượng qua mỗi năm, Quảng Ninh đã và đang trở  thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong ngành cảng biển.  

Trên cơ sở đó, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam đã trình Bộ Xây dựng Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm tạo nền móng vững chắc để Quảng Ninh xây dựng, mở rộng hệ thống cảng biển hiện đại, trở thành cửa ngõ hàng hải quan trọng tại miền Bắc với quy mô lớn.  

Theo bản quy hoạch, đến năm 2030, cảng biển Quảng Ninh sẽ có từ 27 - 30 bến cảng, gồm từ 54 - 60 cầu cảng với tổng chiều dài từ 12.285 - 13.616m (chưa bao gồm các bến cảng khác).

Tổng nhu cầu sử dụng đất trong giai đoạn này khoảng 1.755 ha; sử dụng mặt nước khoảng 115.136 ha, với nhu cầu vốn đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, gồm 6.300 tỷ đồng cho hạ tầng hàng hải công cộng và khoảng 28.278 tỷ đồng cho các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa.     

Bản quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, hệ thống các cảng biển Quảng Ninh sẽ đáp ứng cho lượng hàng hóa thông qua từ 137,25 triệu tấn đến 157,3 triệu tấn/năm, trong đó hàng container đạt từ 0,65 triệu đến 0,93 triệu TEU. Sản lượng hành khách đạt từ 260.300 - 279.600 lượt/năm.    

Dự thảo quy hoạch cũng xác định một số ưu tiên đầu tư cho những dự án hạ tầng bảo đảm an toàn hàng hải, cải tạo nâng cấp các tuyến luồng hàng hải, như luồng vào các cảng khu vực Cẩm Phả và khu chuyển tải Hòn Nét cho tàu trọng tải đến 200.000 tấn; luồng Hòn Gai - Cái Lân cho tàu đến 50.000 tấn; luồng Sông Chanh cho tàu đến 50.000 tấn; luồng Vạn Gia cho tàu đến 20.000 tấn…  

Hiện tại, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh đầu tư cảng hàng lỏng Yên Hưng với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng; bến cảng đa năng đảo Hòn Miều, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; bến cảng sông Chanh 3 với 6 bến cảng tiếp nhận tàu tải trọng đến 50.000 DWT, tổng công suất thông qua 12 triệu tấn hàng hóa/năm, tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng... 

Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/can-hon-34500-ty-dong-de-nang-cap-cang-bien-quang-ninh-a169065.html