Xá lợi của Đức Phật

Những ngày này, nhiều nơi đang rộn ràng lễ rước và chiêm bái xá lợi Phật - một hoạt động trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 được tổ chức tại Việt Nam.

xá lợi Phật - Ảnh 1.

Xá lợi Phật tôn trí trên núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) - Ảnh: T.T.D.

Xá lợi Phật được đưa từ Ấn Độ sang Việt Nam, sau khi tôn trí ở chùa Thanh Tâm (TP.HCM) thì đưa lên Tây Ninh, sau đó ra Hà Nội, Hà Nam cho phật tử và dân chúng chiêm bái.

Theo ban tổ chức Đại lễ Vesak 2025, mỗi ngày có đến 100.000 lượt tăng ni, phật tử, người dân đến chùa Thanh Tâm chiêm bái.

Xá lợi Đức Phật về đến núi Bà Đen, người dân bắt đầu chiêm bái từ 18h chiều 8-5Người dân có thể chiêm bái xá lợi Đức Phật đến nửa đêm

Có nhiều người eo hẹp thời gian nên không thể chờ đến lượt vào chiêm bái, phải ra về trong tiếc nuối. Có những người say nắng, sốc nhiệt phải nhờ y tế cấp cứu… Bởi đây là cơ hội hiếm có với nhiều người Việt để được chiêm bái một lần trong đời, có được vậy không phải là điều dễ dàng.

Theo kinh sách và sử liệu của Phật giáo, xá lợi Phật là tro và những mẫu vật của thân thể Đức Phật còn lại sau khi hỏa táng.

Vào tháng 1-1898, các nhà khoa học đã tìm thấy những mẫu vật đó trong một cuộc khai quật khảo cổ tại một ngôi làng tên là Piprahwa ở Uttar Pradesh, Ấn Độ. Các kết quả nghiên cứu tiếp theo đó xác định xá lợi của Đức Phật theo như kinh sách Phật giáo ghi chép là có thật.

Điều đó cho thấy Đức Phật không phải là một đấng siêu nhiên hay chỉ là biểu tượng tinh thần của một tôn giáo.

Thích Ca Mâu Ni là một con người bằng xương bằng thịt, như bao con người khác trên Trái đất này. Ông trở thành Phật, một bậc đại giác ngộ, bằng chính công phu hành trì tu tập, bằng lòng từ bi và trí tuệ mà tìm thấy nguyên nhân khổ ải của con người và tìm ra con đường diệt trừ khổ đau để đạt được hạnh phúc chân thật.

Vậy thì xá lợi đích thực của Đức Phật không chỉ là những mẫu vật còn lại của thân thể mà ngọn lửa không thể đốt hết.

Nếu thân xác ngài đã hóa tro từ hơn 2.500 năm trước thì thứ còn lại, sáng trong và không thể thiêu rụi, phải chăng là chánh pháp, là tâm từ, là tuệ giác, là con đường tỉnh thức mà ngài đã sống và để lại?

Nếu nhục thân Phật đã mất, chánh pháp vẫn còn sống trong từng hành động, từng hơi thở tỉnh thức của chúng sinh thì Phật vẫn luôn hiện diện giữa đời này.

Xá lợi, nếu được nhìn bằng con mắt tĩnh tâm và giác ngộ, có thể là một biểu tượng của sự thiêng liêng.

Nhưng nếu chỉ được thờ phượng, chiêm bái mang tính chất cầu xin thì nó rất dễ dẫn người ta rời xa sự thực hành nội tâm. Chiêm bái xá lợi nếu không đi cùng với hiểu biết và tu tập rất dễ biến thành một hình thức cầu phước, mong ban ơn, rồi dần trôi vào mê tín mà không hay.

Xá lợi là biểu tượng, không phải vật nhiệm màu. Điều màu nhiệm mà Đức Phật để lại chính là giúp chúng sinh thấy rằng: chỉ cần sống lương thiện, không làm khổ mình khổ người đã là một phép màu.

Không chỉ phật tử, tín đồ của Phật giáo, mà bất cứ ai trên thế gian này đều có thể thực hành điều đó bằng một cách rất đơn giản: đừng làm việc xấu, việc ác thì sẽ không bị trừng phạt; nếu làm được việc tốt, việc thiện thì sẽ được bình an, hạnh phúc.

Phước báu chân thật là do tâm trong lành, hành động thiện và sống tỉnh thức tạo nên. Phật ở trong tâm mỗi người chứ chẳng ở đâu xa mà nhọc công tìm kiếm.

Thực hành theo điều đó là sự gieo duyên gặt thiện, mỗi người tìm được cho chính mình con đường bình an, và rộng hơn là lan tỏa được thông điệp bao dung và đoàn kết như tôn chỉ của Vesak 2025.

Phật từng dạy: "Hãy tự mình đốt đuốc lên mà đi!". Có thể bạn sẽ cho rằng điều đó quá giản đơn, nhưng nó sâu sắc hơn những gì chúng ta đang nhọc nhằn tìm kiếm ở bên ngoài bản thân mình.

Phật ở trong tâm mỗi chúng ta, quá trình chúng ta hành thiện chính là sự soi rọi với cuộc đời mình, vì mình và cho xã hội, cũng là điều Phật mong muốn.

Xá lợi của Đức Phật - Ảnh 1.Lịch trình chiêm bái xá lợi Phật tại chùa Quán Sứ

Lễ cung rước xá lợi Phật về chùa Quán Sứ (Hà Nội) sẽ diễn ra vào chiều 13-5 tới.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề

Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/xa-loi-cua-duc-phat-a169380.html