Thu hút doanh nghiệp và khối tư nhân vào nghiên cứu khoa học nông nghiệp

Mặc dù ngành nông nghiệp và Môi trường đang sở hữu một lực lượng hơn 11.400 nhà khoa học, nhưng hiệu quả khai thác vẫn còn rất khiêm tốn. Từ thực tế này, cần phải có chính sách thu hút nhân tài và khối tư nhân vào nghiên cứu khoa học công nghệ, làm nền tảng để kiến tạo đột phá cho ngành nông nghiệp và môi trường trong kỷ nguyên mới…

Ngày 10/5/2025, tại tỉnh Bắc Ninh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với 1.114 đại biểu tham dự trực tiếp tại Bắc Ninh và gần 10.000 lượt theo dõi trực tuyến.

Tại phiên toàn thể diễn ra vào buổi sáng, đại biểu đã được nghe trình bày về thực trạng và giải pháp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; định hướng của Quốc hội và Chính phủ đối với lĩnh vực này. Phiên chuyên đề buổi chiều chia thành 4 nhóm trọng tâm, gồm: Trồng trọt - Bảo vệ thực vật - Lâm nghiệp; Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản; Môi trường - Tài nguyên nước; Thủy lợi - Phòng, chống thiên tai - Biến đổi khí hậu.

THỜI CƠ ĐỂ VIỆT NAM VƯƠN MÌNH THÀNH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, xác lập một định hướng chiến lược, với tầm nhìn xuyên suốt: "Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, mà còn là “thời cơ tốt nhất” để Việt Nam vươn mình thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới".

Theo Bộ trưởng, hiện nông nghiệp và môi trường đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và an ninh nguồn nước. Mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống dựa vào lao động thủ công, chi phí đầu vào cao, giá trị gia tăng thấp... đang không còn phù hợp.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: "Nông nghiệp và môi trường đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường...". Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: "Nông nghiệp và môi trường đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường...".

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã nêu 5 nhóm nội dung trọng tâm để các đại biểu cùng thảo luận.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông dòng chảy đổi mới trong cả khu vực công và tư. Việc huy động hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho khoa học – công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt.

Thứ hai, xác định và tập trung vào những lĩnh vực khoa học công nghệ có tiềm năng lớn – như công nghệ sinh học, công nghệ gen – nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên và tạo giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp và môi trường.

Thứ ba, sắp xếp lại hệ thống các tổ chức khoa học công nghệ công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có sức cạnh tranh và lan tỏa tri thức ra thị trường. Việc giao nhiệm vụ khoa học sẽ chuyển sang cơ chế đặt hàng, đấu thầu – gắn chặt với thực tiễn sản xuất, hướng đến thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ và chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.

Thứ năm, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện – từ hoạch định chính sách, điều hành đến sản xuất, tiêu thụ – để dữ liệu số, công nghệ số và kinh tế số thực sự trở thành lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn phát triển mới.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tham quan các gian hàng giới thiệu về khoa học công nghệ tại hội nghị. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tham quan các gian hàng giới thiệu về khoa học công nghệ tại hội nghị.

TS. Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết mặc dù ngành đang sở hữu một lực lượng hơn 11.400 nhà khoa học, nhưng hiệu quả khai thác vẫn còn rất khiêm tốn. Một phần nguyên nhân đến từ việc thiếu các chính sách trọng dụng cụ thể, mang tính cạnh tranh và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Việc này đã được Bộ ghi nhận và có kiến nghị chính thức gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ theo hướng cởi mở, thực tiễn hơn.

Theo ông Long, trong tổng kinh phí dành cho khoa học công nghệ, chi trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học chỉ chiếm khoảng 46%, phần còn lại dồn vào duy trì bộ máy, lương thưởng, hành chính điều này đã triệt tiêu phần lớn khả năng tạo ra các sản phẩm nghiên cứu có giá trị thương mại hoặc ứng dụng thực tiễn.

“Thực tế cho thấy, chúng ta có tiềm năng lớn, nhưng vẫn loay hoay với tư duy quản lý kiểu cũ, thiếu cơ chế tự chủ thực chất cho các tổ chức khoa học công nghệ từ tài chính, nhiệm vụ đến tổ chức nhân sự. Trong khi doanh nghiệp có thể vay vốn, đầu tư nghiên cứu, thì các tổ chức khoa học lại bị bó buộc trong khuôn khổ hành chính, thiếu quyền tự quyết và linh hoạt”, ông  Long nêu thực tế.

DOANH NGHIỆP VÀ KHỐI TƯ NHÂN HÀO HỨNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Chia sẻ tại hội nghị, GS Laurent Marc El Ghaoui, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni, cho hay nhà trường đã có những thành tựu nhất định trong nghiên cứu các công trình giao thông đô thị, giải pháp nuôi biển công nghệ cao và quan trắc khí tượng.

"Chúng tôi cam kết đầu tư trí tuệ và công nghệ để biến ý tưởng khoa học thành các giải pháp cụ thể, thiết thực. Định hướng của VinUni sẽ không ngừng mở rộng vai trò trong hệ sinh thái khoa học công nghệ, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, nông nghiệp thông minh và xã hội phát triển bền vững", ông Laurent Marc El Ghaoui nhấn mạnh.

TS Nguyễn Văn Điệp, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần AVAC, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, giao thêm nhiệm vụ khoa học công nghệ cho doanh nghiệp trong việc phát triển các thế hệ vaccine dịch tả lợn Châu Phi mới hiệu quả hơn, phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Trường, Tổng giám đốc Công ty Đại Thành, cho rằng vấn đề hiện tại mà ngành nông nghiệp đang gặp phải, đó là sự thiếu chính xác trong quá trình vận hành của máy móc nông nghiệp, như: máy cấy không biết đi thẳng hàng, drone không bay được chính xác, máy gặt không tính được năng suất, máy cày không biết độ nông sâu… Trong những năm tới, nông nghiệp chính xác sẽ trở thành xu thế tất yếu không thể đảo ngược, trong đó có sự hỗ trợ từ các công nghệ mới (IoT - internet vạn vật); Big Data (dữ liệu lớn), AI phân tích dữ liệu…

TS. Phan Xuân Dũng: "Kiến nghị các Bộ, ngành tăng cường đặt hàng nghiên cứu, sử dụng hiệu quả kết quả khoa học". TS. Phan Xuân Dũng: "Kiến nghị các Bộ, ngành tăng cường đặt hàng nghiên cứu, sử dụng hiệu quả kết quả khoa học".

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, TS. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có 3,7 triệu hội viên, trong đó có hơn 2,2 triệu trí thức và 574 tổ chức khoa học công nghệ trên cả nước, đã xây dựng được phong trào nghiên cứu sâu rộng, thu hút đông đảo lực lượng trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp và môi trường.

TS. Dũng kiến nghị các Bộ, ngành tăng cường đặt hàng nghiên cứu, sử dụng hiệu quả kết quả khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực phát sinh từ thực tiễn như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, cần đẩy mạnh truyền thông phổ biến tri thức đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, và tôn vinh đội ngũ trí thức để tạo thêm động lực phát triển trong kỷ nguyên mới.

 
Thu hút doanh nghiệp và khối tư nhân vào nghiên cứu khoa học nông nghiệp - Ảnh 1

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký kết văn bản hợp tác phát triển khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam. 

Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Long ký văn bản hợp tác với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Các đối tác ký của Vụ gồm: Tập đoàn Dabaco; Tập đoàn MASAN; Trường Đại học VinUni thuộc Tập đoàn Vingroup; Công ty Cổ phân Nông nghiệp BAF Việt Nam; Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN; Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa; Công ty BSB NANOTECH.

Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/thu-hut-doanh-nghiep-va-khoi-tu-nhan-vao-nghien-cuu-khoa-hoc-nong-nghiep-a169430.html