Doanh nghiệp và sứ mệnh hiện thực hóa Nghị quyết 68

Nghị quyết 68-NQ/TW là một bước đột phá về tư tưởng, khi lần đầu tiên khu vực kinh tế tư nhân được xác lập là động lực quan trọng nhất…

Trong khuôn khổ tọa đàm chuyên đề do President Club tổ chức tại trụ sở Tập đoàn Công nghệ CMC mới đây, hơn 30 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, luật sư và nhà hoạch định chính sách đã cùng thảo luận sâu về quá trình hình thành, tinh thần cốt lõi và các yêu cầu thực tiễn trong việc triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Buổi tọa đàm được điều phối bởi ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC và TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI).

KINH TẾ TƯ NHÂN ĐƯỢC XÁC LẬP LÀ ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG NHẤT

Theo TS. Võ Trí Thành, đây là một cú chuyển lớn từ quan niệm coi tư nhân là “một bộ phận” đến "vị trí trung tâm" trong chiến lược phát triển.

Còn theo ông Nguyễn Trung Chính, Nghị quyết 68-NQ/TW là một bước đột phá về tư tưởng, khi lần đầu tiên khu vực kinh tế tư nhân được xác lập là động lực quan trọng nhất. Nếu triển khai đúng hướng, phần lớn các điểm nghẽn sẽ được tháo gỡ.

Là người tham gia trực tiếp vào tổ biên tập Nghị quyết, ông Nguyễn Trung Chính chia sẻ thêm: “Cường độ làm việc vượt xa mọi giai đoạn tôi từng trải qua. Có bản dự thảo được cập nhật lúc 11 giờ đêm và sáng sớm đã yêu cầu phải có ngay góp ý. Đội ngũ công chức đang làm việc với tinh thần quyết liệt, bền bỉ, thực sự rất đáng trân trọng”.

Ông Chính cũng tiết lộ, chỉ hai ngày sau khi ký ban hành, các nhóm công tác đã họp với Văn phòng Quốc hội để chuẩn bị cho nghị quyết triển khai, dự kiến trình vào ngày 18/5 – tức chỉ sau đúng hai tuần Nghị quyết 68-NQ/TW được ban hành. Nếu đúng tiến độ, lễ công bố có thể được tổ chức vào ngày 19/5 – dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.

RÀO CẢN TỪ QUY ĐỊNH VÀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Nhiều doanh nhân và các chuyên gia và nhà quản lý tại tọa đàm cũng chia sẻ những khó khăn cụ thể khi triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư trong thực tế do vướng các rào cản từ quy định và thủ tục hành chính.

“Từ năm 2008, lãnh đạo cởi mở cấp phép thử nghiệm ví điện tử, nhưng đến 2015, tư duy siết chặt khiến sandbox mất 8 năm để ban hành. Khi ra đời, quy định yêu cầu tổng giám đốc phải có kinh nghiệm làm trong ngành ngân hàng, loại bỏ những người có tư duy đổi mới ngoài ngành”, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech, chia sẻ.

Ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Tập đoàn Giovanni, phản ánh trường hợp xin phép đầu tư kéo dài 4 năm chỉ vì dự án không nằm trong khu công nghiệp, phải xin đủ 17 chữ ký từ UBND tỉnh để được giao đất. “Những thủ tục này không chỉ gây chậm trễ mà còn đẩy doanh nghiệp  vào nguy cơ bị ‘treo’ dự án vô thời hạn”, ông nói.

Ông Đào Xuân Dũng, Chủ tịch Công ty Kiểm toán và Tư vấn UHY nhấn mạnh: “Quy định cấm xuất cảnh lãnh đạo doanh nghiệp vì chậm nộp thuế chỉ vài chục  triệu đồng, không chỉ gây khó khăn phiền hà mà nhiều khi có thể làm sụp giá cổ phiếu doanh nghiệp  chỉ vì sai sót nhỏ của kế toán. Ai chịu trách nhiệm cho những quy định thiếu linh hoạt này?”. Ông cũng cảnh báo về tình trạng hàng nghìn tỷ đồng bị lãng phí do các dự án không được chuyển nhượng vì rào cản pháp lý.

Luật sư Bùi Văn Thành bổ sung: “Một doanh nghiệp mất cả năm chỉ để xin phép in bao bì vì bị xếp vào ‘hoạt động xuất bản’. Những điều này không chỉ gây khó khăn mà còn cho thấy sự lỗi thời trong hệ thống pháp lý”.

MỘT TINH THẦN MỚI ĐANG HÌNH THÀNH

Tọa đàm cho thấy một chuyển động tích cực: khu vực tư nhân không còn chờ đợi chính sách ban hành từ trên xuống, mà đã chủ động đóng góp, đề xuất và đồng hành cùng Nhà nước trong từng bước thực thi. Các doanh nghiệp không chỉ nêu vướng mắc mà còn đề xuất cơ chế cụ thể, chương trình hành động và cam kết triển khai.

Ông Lê Việt Thắng, Tổng giám đốc 1Office đề xuất: “Chính phủ nên trích ngân sách mua phần mềm Việt để cấp miễn phí cho doanh nghiệp mới dưới 3 năm tuổi. Chúng tôi không xin hỗ trợ bằng tiền, chỉ cần được đưa công cụ vào tay doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch công ty MISA, bổ sung: “Luật càng ngày càng chung chung, đẩy trách nhiệm xuống nghị định, thông tư. Chúng ta cần học cách làm luật của các nước phát triển – rõ ràng, có thể áp dụng ngay”.

Nghị quyết 68-NQ/TW với tinh thần đột phá, đã mở ra không gian chính sách mới. Nhưng hành trình từ chủ trương đến hiện thực không thể chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước. Đó là một quá trình song hành, trong đó doanh nghiệp, chuyên gia và toàn xã hội phải cùng bước tới.

TS. Võ Trí Thành khuyến nghị doanh nghiệp cần tăng cường phân tích chi phí - lợi ích, đánh giá tác động chính sách để góp ý hiệu quả hơn. Trong khi đó, Luật sư Bùi Văn Thành đề xuất phát triển cổng thông tin quốc gia minh bạch về cơ hội đầu tư.

Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh: “Sandbox cần kiểm soát theo không gian – thời gian – rủi ro, nhưng không nên trói buộc sáng tạo bằng các điều kiện bảo thủ".

Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/doanh-nghiep-va-su-menh-hien-thuc-hoa-nghi-quyet-68-a169633.html