Thẩm mỹ 'chui' – Lợi nhuận xây bằng rủi ro sức khỏe con người

Những năm gần đây, nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng mạnh, kéo theo sự bùng nổ của các cơ sở thẩm mỹ trên khắp cả nước. Trong số đó, không ít cơ sở hoạt động không phép, sử dụng nhân sự không có chuyên môn chính quy và áp dụng các thủ thuật xâm lấn nguy hiểm trong điều kiện y tế không đảm bảo.

Vấn nạn suốt nhiều năm

Qua thông tin từ báo chí nhiều năm qua, số vụ “tai nạn” thẩm mỹ xảy ra là khá lớn, mà hầu hết đến từ các cơ sở thẩm mỹ không đạt chuẩn. Nhiều ca xâm lấn như tiêm filler, nâng mũi, cắt mí hay hút mỡ… vẫn đang được âm thầm thực hiện trong các cơ sở với vỏ bọc là spa, salon làm đẹp, phòng khám da liễu. Chính sự “đánh lận con đen” trong tên gọi của nhiều cơ sở như như “Thẩm mỹ viện”, “Viện thẩm mỹ” khiến người dân không thể phân biệt được đâu là cơ sở được cấp phép can thiệp xâm lấn, đâu là cơ sở trái phép.

Theo PGS.TS. Phạm Công Chính (Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên), hậu quả khi khách hàng đặt niềm tin vào những cơ sở thẩm mỹ “chui” là có thể thấy rõ, đơn cử như nhiễm trùng, hoại tử, mù mắt, hoặc thậm chí là tử vong.

“Chỉ cần một thao tác sai hoặc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, hậu quả để lại có thể là vĩnh viễn. Nạn nhân đa phần là phụ nữ, từ trưởng thành đến trẻ trung, bị mờ mắt bởi các chiêu trò marketing, quảng cáo rồi tin rằng những dịch vụ như vậy có giá rẻ, không đau, bác sĩ uy tín”, vị chuyên gia chia sẻ.

Thẩm mỹ 'chui' – Lợi nhuận xây bằng rủi ro sức khỏe con người ảnh 1

Khách hàng cần tỉnh táo lựa chọn các cơ sở làm đẹp uy tín, có chuyên môn để điều trị các vấn đề về da liễu.

PGS.TS. Phạm Công Chính cho biết, những người không được cấp bằng y khoa thực chất chỉ qua vài lớp đào tạo ngắn ngày (có thể cũng từ những người không chuyên môn), nhưng lại khoác lên mình chiếc áo blouse, xuất hiện trên các mạng xã hội để quảng cáo, vậy là lừa được những khách hàng nhẹ dạ, thiếu hiểu biết tin vào những lời có cánh như “nâng mũi không phẫu thuật chỉ 30 phút”, “cắt mí không đau giá 2 triệu đồng” hay “hút mỡ không cần nghỉ dưỡng, giảm ngay 10kg trong một buổi”. Đây là chiêu trò truyền thông, đánh vào sự mất kiên nhẫn của khách hàng, muốn gì phải được luôn.

Bên cạnh đó, nền tảng mạng xã hội hiện nay đang trở thành “thiên đường” cho các cơ sở làm đẹp không phép quảng cáo. Họ đánh cược bằng cả sức khỏe, tính mạng bản thân nhận làm người mẫu miễn phí để đổi lấy dịch vụ, rồi quảng bá không kiểm chứng.

“Đó là lý do đầu tiên để thẩm mỹ “chui” tràn lan”, PGS.TS. Phạm Công Chính nhấn mạnh.

Thẩm mỹ 'chui' – Lợi nhuận xây bằng rủi ro sức khỏe con người ảnh 2

Khách hàng bị tổn thương vùng da nghiêm trọng sau khi trị nám sai cách tại một spa. (Ảnh internet)

Lý do thứ hai cần được nhìn nhận thẳng thắn, theo vị chuyên gia, đó là lỗ hổng từ công tác quản lý. Nhiều địa phương vẫn chưa có cơ chế kiểm tra thường xuyên, liên tục. Việc xử lý sau khi phát hiện vi phạm vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Những con số phạt hành chính chỉ vài chục triệu đồng, hàng trăm triệu đồng hầu như không là bao so với lợi nhuận khổng lồ mà các cơ sở thu được. Đó là chưa tính đến việc trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế từ hành động phi pháp.

Ngoài ra, các cơ sở thẩm mỹ “chui” thường không treo biển hoặc hoạt động dưới dạng "bán thời gian", khiến cơ quan chức năng khó phát hiện nếu không có sự tố giác từ người dân.

Khách hàng cần tỉnh táo

Trước thực trạng nhức nhối đó, ông Chính cho rằng, cần có những biện pháp phối hợp đồng bộ từ cả phía cơ quan nhà nước, ngành y tế, các nền tảng mạng xã hội và chính người tiêu dùng.

Đầu tiên, cần siết chặt công tác cấp phép và kiểm tra định kỳ các cơ sở làm đẹp, nhất là những nơi có thực hiện can thiệp y khoa. Cơ quan chức năng nên tăng cường các đợt kiểm tra đột xuất, truy xuất cả nguồn gốc thuốc, thiết bị và chứng chỉ hành nghề của nhân sự.

Thứ hai, chế tài xử phạt cũng cần nghiêm minh hơn. Nếu phạt hành chính, cần tăng thêm số tiền. Cùng với đó, cần xem xét áp dụng chế tài hình sự, bởi các cơ sở thẩm mỹ “chui” có thừa nhận thức để biết mình đang thu lời trên rủi ro của khách hàng, mà đó là rủi ro về tính mạng. Đồng thời, cần công khai danh sách các cơ sở bị xử phạt để người dân biết và tránh. Những người cố tình tiếp tay cho cơ sở thẩm mỹ chui cũng có thể bị xem xét vai trò tiếp tay.

Thẩm mỹ 'chui' – Lợi nhuận xây bằng rủi ro sức khỏe con người ảnh 3

Nhiều cơ sở thẩm mỹ “chui” chưa đủ điều kiện cấp phép hoạt động bị cơ quan chức năng đình chỉ. (Ảnh internet)

Thứ ba, để chống lại các bài đăng trên mạng xã hội, Bộ Y tế cần phối hợp với các cơ quan ban ngành khác để đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền cho người dân về tác hại của các dịch vụ thẩm mỹ không phép, chia sẻ các trường hợp tai biến thực tế.

“Qua tất cả những điều đó, chính khách hàng cần tỉnh táo, bởi lẽ đụng chạm đến sức khỏe thì thẳng thắn mà nói, giá sẽ không rẻ. Dẫu biết làm đẹp là nhu cầu chính đáng trong thời buổi hiện nay, nhưng trước hết, cần giao tính mạng mình cho người có bằng cấp, có chuyên môn. Vài triệu đồng, vài trăm triệu đồng cho một “gói”, “một liệu trình” liệu có đáng để đánh đổi biến chứng hay tệ hơn là mạng sống không? Khách hàng cần trả lời những câu hỏi ấy trước tiên”, PGS.TS. Phạm Công Chính lưu ý.

Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/tham-my-chui-loi-nhuan-xay-bang-rui-ro-suc-khoe-con-nguoi-a170377.html