'Cao tốc' cho kinh tế tư nhân - Bài cuối: Doanh nghiệp kỳ vọng bước ngoặt lớn

TP - Doanh nhân, chủ doanh nghiệp (DN) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kỳ vọng, những thay đổi, cải tiến mạnh mẽ theo tinh thần của Nghị quyết 68 sẽ được cụ thể hóa bằng quy định pháp luật, hành động cụ thể để sớm vào cuộc sống.

“Nắng hạn gặp mưa rào”

Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư dừa Bến Tre - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Bến Tre cho biết, các DN khu vực ĐBSCL đối mặt không ít khó khăn với thị trường xuất khẩu, đặc biệt với chính sách thuế quan của Mỹ. Bối cảnh đó, ông Đức cho rằng, Nghị quyết 68 được các DN xem như “nắng hạn gặp mưa rào”. Điểm nhấn của nghị quyết ở sự thay đổi về mặt nhận thức đối với DN tư nhân, tư duy kinh tế của cả nước.

'Cao tốc' cho kinh tế tư nhân - Bài cuối: Doanh nghiệp kỳ vọng bước ngoặt lớn ảnh 1

Doanh nghiệp khu vực ĐBSCL chờ đột phá từ Nghị quyết 68

“Trước đây, DN được xem là đối tượng để quản lý, giờ DN là đối tác, động lực để phát triển, một thay đổi căn bản về mặt chính sách cộng đồng DN đón nhận, kỳ vọng. Đa số DN đang lo lắng với các chính sách thương mại toàn cầu thời gian qua, đặc biệt từ Mỹ. Do đó, việc quản trị, điều hành DN trong bối cảnh mới cực kỳ quan trọng, phải nắm bắt, thích nghi, ổn định mới phát triển. Muốn vậy, hàng loạt chính sách từ Nhà nước cần được tiếp cận theo tinh thần Nghị quyết 68”, ông Đức nói.

Vị lãnh đạo DN trên cũng kỳ vọng, Nghị quyết 68 định hướng tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển, khi các khu công nghiệp phải dành tối thiểu 5% diện tích cho DN nhỏ và vừa tham gia. Đa phần DN ở ĐBSCL quy mô nhỏ, có thể được hưởng lợi từ chính sách trên. Đi kèm đó có các định hướng cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính để DN phát triển… Ông Đức mong muốn nhanh chóng đưa nghị quyết vào đời sống, để DN tiếp cận.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Chế biến lương thực Green Hậu Giang cho rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp DN gặp khó khăn nhất liên quan tới tiếp cận vốn tín dụng. Để vay được vốn ngân hàng phải có tài sản đảm bảo, nhưng tài sản của DN nông nghiệp lại giá trị không cao. “Nhiều mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam xếp hàng đầu thế giới, nhưng DN nông nghiệp lại không thuộc nhóm lớn hàng đầu. Điều này chủ yếu do thiếu vốn để đầu tư công nghệ chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao, nên khó cạnh tranh với các DN lớn của nước ngoài”, ông Tuấn nói. Cùng vì vậy, DN nông nghiệp không quan tâm nhiều tới liên kết sản xuất, vì liên kết có nhiều rủi ro và cần vốn lớn trong thời gian dài, nên chủ yếu mua đứt - bán đoạn.

Khu vực ĐBSCL ít DN tư nhân, theo ông Tuấn, một phần do chính sách, một phần do đặc thù sản xuất nông nghiệp kiểu nông hộ, chưa đủ độ lớn. Cùng đó, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp nhiều nên khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, giá trị đất nông nghiệp, cây trồng vật nuôi đều không được định giá cao. Ngoài ra, khi lập DN sẽ phải quan hệ nhiều, nông dân lại ngại va chạm, nên tâm lý không quá thích thú với làm DN. Đi kèm với các yếu tố như thiếu lao động, thị trường nhỏ, chi phí tuân thủ hành chính lớn, nên nhiều hộ kinh doanh cũng không thích lên DN. Để tháo gỡ các khó khăn, cản trở trên, ông Tuấn cho rằng, đều đã được đề cập trong Nghị quyết 68, chỉ cần sớm đi vào cuộc sống. “Đặc biệt, nghị quyết đưa ra quan điểm không hình sự hoá quan hệ kinh tế, cái này rất quan trọng, tính nhân văn sâu sắc và đúng bản chất của hoạt động kinh tế là thuận mua - vừa bán”, ông Tuấn nói.

Bước ngoặt lớn

TS Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Nghị quyết 68 đánh dấu bước ngoặt lớn trong tiến trình phát triển kinh tế tư nhân. Kỳ vọng tạo bước ngoặt cải cách thể chế, từ đó làm thay đổi về chất, vai trò của DN tư nhân. Lần đầu tiên kinh tế tư nhân được xác định là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc dân, thay vì “một trong những động lực” như trước đây. Sự thay đổi này mang tính lịch sử trong tư duy và định hướng phát triển kinh tế của Đảng. Nghị quyết đi vào cuộc sống sẽ tạo ra động lực rất lớn cho DN tư nhân phát triển bền vững, đưa kinh tế đất nước tiếp tục đi lên.

Ở góc độ cộng đồng DN địa phương, ông Tâm cho rằng, Nghị quyết 68 sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho cộng đồng kinh tế tư nhân của tỉnh Sóc Trăng và khu vực ĐBSCL tiếp cận nguồn lực đa dạng hơn, đi kèm các ưu đãi về vốn, chính sách, chuyển đổi số, khoa học công nghệ… Cùng đó, DN tư nhân sẽ được tham gia các dự án mua sắm công một cách bình đẳng, minh bạch, mở cơ hội để DN dám nghĩ lớn, làm lớn thời gian tới.

Ông Tâm kỳ vọng, Nghị quyết 68 sớm được thể chế hóa một cách đầy đủ để phát huy tối đa hiệu quả trong thực tiễn, giúp kinh tế tư nhân vươn mình. Trong đó, ông Tâm mong muốn được thấy ngay những cải cách thể chế, môi trường kinh doanh để đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo minh bạch, giảm chi phí tuân thủ cho DN. Đi kèm với đó, Nhà nước có thêm hỗ trợ để kinh tế tư nhân được tiếp cận vốn, tài nguyên; hỗ trợ DN kết nối thị trường tiêu thụ, lao động, xúc tiến đầu tư.

Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Bến Tre, cho biết, vùng ĐBSCL là trọng điểm của quốc gia về nông nghiệp, nhưng DN trong vùng phát triển chậm hơn cả nước, do gặp rào cản về hạ tầng giao thông, nhân lực, vốn. Năm nay, DN trong vùng lại đối mặt thách thức từ chính sách thuế quan của Mỹ. Nông sản cạnh tranh trực tiếp với các nước trong khu vực, nếu kết quả đàm phán với Mỹ không như kỳ vọng, DN sẽ rất khó khăn, vì đây là thị trường rất lớn.

Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/cao-toc-cho-kinh-te-tu-nhan-bai-cuoi-doanh-nghiep-ky-vong-buoc-ngoat-lon-a171154.html