Phái đoàn Ukraine tham gia đàm phán ở Istanbul - Ảnh: RT
Cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên sau ba năm giữa Nga và Ukraine ngày 16-5 vừa qua tại Istanbul, Thủ tướng Anh cảnh báo ông Putin sẽ phải trả giá nếu đàm phán Istanbul đổ vỡHòa đàm Nga - Ukraine Istanbul 2.0: trò chơi cân não
Có quá nhiều khác biệt giữa hai phía và điều đó càng bộc lộ rõ trong lần gặp nhau đầu tiên này.
Hố sâu ngăn cách giữa hai quốc gia càng thể hiện rõ ràng hơn, nhất là trong những vấn đề lãnh thổ được coi là "không thể nhân nhượng".
Trong khi Ukraine kiên định yêu cầu khôi phục toàn vẹn lãnh thổ thì Nga không có ý định từ bỏ các khu vực đã kiểm soát, chưa kể Nga còn đưa ra thêm những đòi hỏi mới.
Nhưng điều đáng quan tâm hơn là dường như hai nước cũng chưa hoàn toàn sẵn sàng ngồi lại với nhau. Việc Nga và Ukraine tiến hành đàm phán diễn ra dưới sức ép của các nước bên ngoài, nhất là Mỹ, chứ không hoàn toàn xuất phát từ mong muốn thực sự của hai nước.
Những lộn xộn về ngoại giao cùng cấp tham dự của các bên cho thấy cả hai nước chưa cam kết nhiều cho cuộc gặp đầu tiên này. Thậm chí ngay cả các nước đồng minh châu Âu của Mỹ cũng bày tỏ sự dè dặt, nghi ngại trước tính khả thi của vòng đàm phán này.
Vậy có thể kỳ vọng gì từ các cuộc tiếp xúc tiếp theo giữa hai nước? Có thể khẳng định rằng hy vọng về một hiệp định hòa bình hoặc một hiệp định chấm dứt chiến tranh là điều hoàn toàn xa vời vì những khác biệt quá lớn giữa hai nước.
Ngay cả Nhật Bản và Nga dù Chiến tranh thế giới thứ 2 đã kết thúc 80 năm trước nhưng cho đến nay hai nước vẫn chưa thể ký hiệp định hòa bình do tranh chấp liên quan đến các đảo ngoài khơi tỉnh Hokkaido.
Do đó những hy vọng lạc quan nhất cũng chỉ là một thỏa thuận ngừng bắn để xuống thang chiến tranh và từ đó mở đường cho các giải pháp ngoại giao.
Nhưng ngay cả điều đó cũng không dễ dàng đạt được khi hai bên, nhất là Nga, vẫn còn hy vọng về những thắng lợi quân sự trên chiến trường.
Và ngay cả khi đạt được thỏa thuận này cũng không có gì đảm bảo là việc ngừng bắn đó sẽ không bị phá vỡ như trong nhiều cuộc chiến tranh khác.
Nhất là nếu thỏa thuận đó chủ yếu xuất phát từ sức ép của bên ngoài hơn là từ mong muốn thực tâm của hai nước.
Lịch sử đã cho thấy khi những điều khoản ngừng bắn dựa trên dàn xếp của các nước lớn mà bỏ qua lợi ích của những nước nhỏ chưa bao giờ là thỏa thuận bền vững; sự bất công sẽ gieo mầm cho sự đổ vỡ trong tương lai.
Tuy nhiên việc hai bên chấp nhận ngồi lại với nhau đã là một tín hiệu tốt. Dù không kỳ vọng nhiều nhưng bài học lịch sử giữa Pháp và Đức sau Chiến tranh thế giới thứ 2 vẫn cho ta hy vọng.
Tất nhiên điều đó đòi hỏi thiện chí của tất cả các bên, trước hết là sự tôn trọng với những quyền cơ bản của các quốc gia về độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, an ninh...
Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/nhung-buoc-di-nho-cho-mot-nen-hoa-binh-lon-a171191.html