Kết quả khả quan từ việc đạt được đàm phán thương mại với Hoa Kỳ

Nhiều chuyên gia nhận định việc Việt Nam đạt được kết quả đàm phán thương mại đối ứng với Hoa Kỳ là kết quả của sự chủ động, chuẩn bị từ rất sớm, rất xa của Chính phủ, bộ ngành.

Kết quả khả quan từ việc đạt được đàm phán thương mại với Hoa Kỳ ảnh 1
Năm 2024, Công ty Hóa dệt Hà Tây xuất khẩu 1,3 triệu đôi giày, dép các loại sang thị trường Mỹ, châu Âu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trước việc hai đoàn đàm phán của hai nước đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ về Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng, nhận định từ các chuyên gia đây là kết quả khả quan từ nỗ lực, sự chủ động, chuẩn bị từ rất sớm, rất xa của Chính phủ, bộ ngành.

Tiến sỹ Lê Quang Minh (Trường Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội), nhận định việc Việt Nam đạt được kết quả đàm phán với Hoa Kỳ là kết quả rất tốt, khả quan, đây là kết quả của sự chủ động, chuẩn bị từ rất sớm, rất xa của Chính phủ, bộ ngành.

Ngay khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức Chính phủ, bộ ngành đã có chuẩn bị, dự báo, đưa ra các kịch bản ứng phó trước chính sách thương mại nhiều biến động.

“Việt Nam là nước tiến hành đàm phán sớm với Hoa Kỳ. Công tác đàm phán được chuẩn bị rất tốt, đặc biệt có sự tư vấn từ các doanh nghiệp FDI lớn của Hoa Kỳ, trên các diễn đàn lớn, các doanh nghiệp FDI cũng có những chia sẻ, đồng hành đóng góp cùng Chính phủ ứng phó với chính sách thuế quan của Hoa Kỳ” - Tiến sỹ Lê Quang Minh (Trường Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Lưu Hưng-Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Research, CTCP Chứng khoán SSI, đây là "tín hiệu rất tích cực," đánh dấu việc Việt Nam trở thành đối tác lớn thứ 3 của Mỹ có thể đạt được thỏa thuận sơ bộ về thuế quan - cơ sở nâng cao vị thế thương mại quốc tế.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng - Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế - Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ cuộc đàm phán giữa lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Tổng thống Mỹ Donald Trump là một thành công lớn, tạo ra một thỏa thuận cùng có lợi cho cả hai bên.

Kết quả khả quan từ việc đạt được đàm phán thương mại với Hoa Kỳ ảnh 2
May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tinh Lợi (Hải Dương.) (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Điều này cho thấy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang có những triển vọng phát triển mới. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã có thể tạo ra lợi ích cho các đối tác Hoa Kỳ như Nike và các công ty khác khi đầu tư vào Việt Nam.

Để tận dụng tối đa những ưu đãi về thuế, Việt Nam cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên liệu, linh kiện và phụ tùng trong nước, nhằm đạt tỷ lệ nội địa hóa 100% để được hưởng mức thuế thấp nhất. Việc này cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Hoa Kỳ nên xem xét nâng cấp quan hệ thương mại lên một thỏa thuận thương mại tự do song phương hoặc khu vực, nhằm mở ra nhiều cơ hội mới, đặc biệt là giảm bớt các rào cản thương mại.

Về tác động đến thị trường tài chính, việc giảm thuế sẽ thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài, gây áp lực lên tỷ giá đồng Việt Nam. Do đó, cần có chiến lược điều hành tỷ giá phù hợp.

Tiến sỹ Lê Quang Minh cũng chia sẻ thêm các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; kiểm soát hiện tượng gian lận xuất xứ hàng hóa, mượn danh hàng Việt Nam để hưởng lợi.

Những doanh nghiệp tuân thủ tốt xuất xứ hàng hóa sẽ được hưởng lợi từ những quy định này. Cùng quan điểm, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Research, CTCP Chứng khoán SSI cũng lưu ý đến quy tắc xuất xứ hàng hóa đồng thời chia sẻ thêm Chính phủ Việt Nam cũng có rất nhiều các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trước tác động nếu có của chính sách thuế quan như hỗ trợ tiếp cận đất đai, chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam và khá nhiều các chính sách có thể hỗ trợ nhà đầu tư ở thời điểm này.

Trong bối cảnh mới và để ứng phó với những thách thức của chính sách thuế quan, các doanh nghiệp dệt may, da giày đã có sự chủ động tập trung đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết ứng phó với chính sách thuế quan, cộng đồng doanh nghiệp đã bình tĩnh, tìm giải pháp để vượt khó.

Các doanh nghiệp dệt may có sự đột phá về phương pháp làm việc và chính sách điều phối, chia sẻ đơn hàng đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ trước những biến động chính sách của đối tác thương mại lớn, thị trường thương mại toàn cầu.

Chia sẻ tại diễn đàn mới đây, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, bên cạnh việc tập trung xuất khẩu sang những thị trường như châu Phi, châu Á, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ…, các doanh nghiệp trong ngành đã mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông với tiềm năng tiêu dùng lớn và đa dạng.

Các doanh nghiệp cũng bước đầu tiếp cận các trang thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazon… nhằm mở thêm kênh tiêu thụ.

Kết quả khả quan từ việc đạt được đàm phán thương mại với Hoa Kỳ ảnh 3
Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

20 giờ ngày 02/7/2025 (giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và tốt đẹp của quan hệ song phương. Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump hoan nghênh việc hai đoàn đàm phán của hai nước đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ về Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.

Tổng thống Donald Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết dành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Hoa Kỳ, trong đó có xe ôtô phân khối lớn.

Ông khẳng định Hoa Kỳ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị phía Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường và bỏ hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng công nghệ cao.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump cũng đã trao đổi một số phương hướng, biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong những năm tới.

Hai nhà lãnh đạo đã thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt, đột phá như khoa học, công nghệ cao.

Theo Vietnamplus

Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/ket-qua-kha-quan-tu-viec-dat-duoc-dam-phan-thuong-mai-voi-hoa-ky-a180216.html