Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 3/7, phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến những ngày đầu tiên tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, việc thực hiện các thủ tục hành chính bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp được thực hiện như thế nào?
Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà cho biết, sáng 30/6, cả nước đã tổ chức Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động của cấp huyện và chính thức đưa mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động từ ngày 1/7.
Theo thẩm quyền, Chính phủ đã ban hành theo 28 nghị định phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương, giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp huyện; các bộ đã ban hành 58 thông tư, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Các nghị định cũng quy định rõ thủ tục hành chính đi kèm.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà. Ảnh: Như Ý |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết có 556 thủ tục hành chính được phân cấp, phân quyền từ Trung ương xuống cho địa phương. Trong đó, phân cấp cho UBND tỉnh 262 thủ tục hành chính, chủ tịch UBND tỉnh 217 thủ tục, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh 70 thủ tục hành chính, UBND xã 6 thủ tục hành chính, chủ tịch UBND xã 1 thủ tục hành chính; bãi bỏ 24 thủ tục hành chính.
346 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện cũng được phân định thẩm quyền giải quyết, trong đó chuyển thẩm quyền giải quyết lên cấp tỉnh 18 thủ tục hành chính, chuyển xuống cấp xã là 278 thủ tục hành chính; bãi bỏ 50 thủ tục hành chính.
“Tổng số thủ tục hành chính sau khi phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền là 2.161 ở cấp tỉnh và 463 ở cấp xã. 74 thủ tục hành chính được bãi bỏ”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.
Về phía Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Hà cho biết Bộ đã xây dựng “Cẩm nang chính quyền địa phương cấp xã” gửi về địa phương trước ngày 1/7.
“Nội dung Cẩm nang được thiết kế theo hướng thực tiễn, rõ ràng, cụ thể hóa chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và xử lý tình huống phát sinh tại cơ sở, bảo đảm thống nhất và hiệu quả trong tổ chức thực hiện”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ở địa phương, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho hay cán bộ, công chức tiếp cận ngay các nhiệm vụ, quyền hạn phải triển khai thực hiện, đồng thời vận hành xử lý công việc trên môi trường điện tử thông qua các hệ thống.
“Về cơ bản các thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được vận hành ngay và thông suốt khi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định.
Thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, các địa phương sẽ tập trung thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để đảm bảo tính công khai, minh bạch, giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/thu-truong-bo-noi-vu-noi-ve-ngay-dau-thuc-hien-chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap-a180262.html