Nhưng trong lúc làm di chúc có sai sót một phần của người làm chứng là con gái dòng lớn của ba, nên tôi không mở được thừa kế. Các phần còn lại của di chúc được xác định là hợp pháp hết. Vậy làm sao để tôi được nhận thừa kế?
Bạn đọc CH. (chau****@gmail.com) gửi câu hỏi tư vấn.
Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn về người làm chứng khi lập di chúc:
Luật sư Tào Văn Dũng
Người làm chứng cho việc lập di chúc:
Người lập di chúc có thể tự mình viết bản di chúc, tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng.
Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định là mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
(Điều 634 và 632 Bộ luật Dân sự năm 2015)
Đối với di chúc có công chứng hoặc chứng thực thì người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc. Nếu người lập di chúc không nghe được, không đọc được, không điểm chỉ, không ký tên được hoặc những trường hợp khác do pháp luật quy định thì cần phải có người làm chứng. (Điều 47 Luật Công chứng năm 2014 được thay thế bởi điều 49 Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực 1-7-2025)
Đối chiếu quy định pháp luật với thông tin anh cung cấp thì người nhà là thương binh 1/4 (là người bị thương tật từ 81% trở lên), nếu người nhà không nghe, không đọc được, không ký tên, không điểm chỉ được hoặc những trường hợp khác do pháp luật quy định thì cần phải có người làm chứng.
Trường hợp này thì chị gái (người làm chứng) còn được xác định là "Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc". Do đó, di chúc lập đã vi phạm quy định về các trường hợp loại trừ đối với người làm chứng khi lập di chúc.
Nếu phòng công chứng đã giải thích cho người yêu cầu công chứng và người làm chứng biết về quyền, nghĩa vụ và hậu quả pháp lý của việc công chứng, đã làm đúng và đầy đủ trách nhiệm; các đồng thừa kế không có khiếu nại, không có tranh chấp thừa kế thì cần xem xét công nhận di chúc và thừa kế theo di chúc (Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Yêu cầu tòa án công nhận di chúc và thừa kế theo di chúc:
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì anh cần làm đơn khởi kiện yêu cầu công nhận di chúc và thừa kế theo di chúc. Kèm theo đơn là các giấy tờ liên quan như: di chúc, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, căn cước công dân và giấy khai sinh của các đồng thừa kế.
Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản sẽ có thẩm quyền giải quyết, trong trường hợp có yếu tố nước ngoài như anh chị em là người nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết là tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có bất động sản (khoản 10 điều 27, điểm a khoản 2 điều 35, điểm b khoản 1 điều 37, điểm c khoản 1 điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Lưu ý: Từ ngày 1-7-2025 thì tòa án nhân dân cấp huyện sẽ được chuyển đổi thành tòa án nhân dân khu vực, anh có thể tra cứu cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao để biết thông tin chi tiết.
Đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/ba-lam-di-chuc-de-lai-nha-cho-toi-chi-toi-lam-chung-co-duoc-khong-a180508.html