Theo tìm hiểu, một trong những điểm nóng về tình trạng cây thông cảnh quan bị hủy hoại là khu vực nghĩa trang nhân dân TP Huế cũ, dọc theo đường Tam Thai (phường An Cựu). Đây là nơi xuất hiện nhiều cây thông bị khô héo lá, chết đứng bất thường.
![]() |
Nhiều cây thông khô chết bất thường cạnh những khu mộ mới xây dựng. |
Theo phản ánh của người dân, các cây thông bị chết phần lớn nằm gần các khu mộ mới xây hoặc mộ gió. Tại đây có ít nhất 5 cây thông cổ thụ đã bị héo chết, phần tán ngả vàng, dấu hiệu bị xâm hại có chủ đích, với những lỗ khoan vào sâu thân cây, đẽo vỏ sát gốc, thân chảy nhựa.
![]() |
Một cây thông hàng chục năm tuổi bị đẽo vỏ. |
Không chỉ khu vực nghĩa trang kể trên, tình trạng thông chết với những biểu hiện tương tự cũng xảy ra tại các khoảnh rừng cảnh quan do Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong quản lý.
Đáng chú ý, mới đây, đội bảo vệ rừng của công ty đã phát hiện 6 cây thông nhựa tại tiểu khu 154, nằm dọc đường lên lăng Khải Định (phường Thủy Xuân) bị khoan lỗ, đổ dung dịch lạ vào thân cây.
Theo quan sát, mỗi cây thông bị khoan từ 2 đến 3 lỗ nhỏ tinh vi ở sát gốc, được che đậy, ngụy trang kỹ bằng cỏ dại, tán cây bụi. Tại các miệng lỗ, dung dịch lạ vẫn còn rỉ ra bên ngoài; trong khi toàn bộ tán lá đã ngả màu vàng, cây chết dần và không còn khả năng phục hồi.
Vụ việc đã được Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong phối hợp với kiểm lâm, chính quyền địa phương lập biên bản, báo cáo cơ quan công an điều tra xử lý theo quy định.
![]() ![]() |
Thân cây thông già bị khoan lỗ, đổ dung dịch lạ vào bên trong để "đầu độc". |
Theo thống kê của Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong, tính đến đầu tháng 7, có ít nhất 34 cây thông cổ thụ bị chết trong phạm vi rừng đặc dụng do đơn vị quản lý. Ngoài nguyên nhân sâu bệnh tự nhiên, lão hóa, nhiều cây thông có dấu hiệu bị tác động bởi con người, đặc biệt là hành vi khoan lỗ vào thân, đổ hóa chất, bóc vỏ khiến cây chết đứng.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra rải rác ở các khu vực rừng cảnh quan và phòng hộ khác như đồi Thiên An, Nguyệt Biều (phường Thủy Xuân), Chín Hầm (phường An Cựu), Hải Cát (phường Kim Long)… Theo giới chuyên môn, ngoài lý do sâu bệnh, việc một số cá nhân cố tình hủy hoại cây có thể nhằm mục đích chiếm đất mở rộng mộ phần, hoặc khai thác vỏ cây thông trái phép sau khi cây chết để làm giá thể trồng phong lan.
![]() |
Gắn biển cấm tác động vào cây thông rừng cảnh quan tại Huế. |
Trước thực trạng này, cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát, giữ nguyên hiện trường các cây bị hủy hoại, không để xảy ra khai thác, chặt hạ trái phép.
Người dân sống gần các cánh rừng thông sinh thái cũng được đề nghị chủ rừng tích cực phối hợp cơ quan công an, kiểm lâm, chính quyền địa phương tăng cường bảo vệ cây rừng, điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng xâm hại rừng đặc dụng, cảnh quan tại Huế.
Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/hang-loat-cay-thong-gia-rung-canh-quan-o-hue-bi-khoan-lo-dau-doc-bang-dung-dich-la-a180542.html