Nhân rộng tinh thần của anh Trần Văn Nghĩa

Hai ngày nay, cộng đồng mạng cứ trầm trồ ngợi khen anh Trần Văn Nghĩa đã nhanh trí, dũng cảm sử dụng drone phun thuốc trừ sâu để giải cứu hai em nhỏ mắc kẹt giữa dòng nước sông Ba đang chảy xiết.

Nhân rộng tinh thần của anh Trần Văn Nghĩa - Ảnh 1.

Anh Trần Văn Nghĩa bên chiếc máy bay phun thuốc trừ sâu được dùng để giải cứu hai em nhỏ kẹt giữa dòng nước xiết trưa 3-7 - Ảnh: NVCC

Xem đoạn video mới thấy được sự may mắn cho tất cả mọi người trong cuộc.

Loại drone này chỉ để phun thuốc trừ sâu, rải phân cho nên nó chỉ mang được khoảng 50kg, may mà hai em nhỏ có trọng lượng xêm xêm 40kg, thêm vào nữa là sự hợp tác tốt giữa bọn trẻ và anh Nghĩa nên đã không xảy ra sự cố đáng tiếc. 

Rõ ràng tinh thần của anh Trần Văn Nghĩa là rất đáng tuyên dương và nhân rộng nhưng cũng không mong tình huống như thế xảy ra, bởi rất có thể rơi vào tình huống "làm phúc phải tội".

Báo Tuổi Trẻ tặng danh hiệu 'Bạn đồng hành quanh tôi' cho người lái drone cứu 2 trẻ kẹt lũ

Từ câu chuyện này, những cơ quan có trách nhiệm nên nghĩ đến việc đưa drone vào các lĩnh vực khác nhau, đặt hàng cho các nhà chế tạo ra các loại drone chuyên dùng trong dân sự chứ không chỉ trong quân sự. 

Báo Pháp Luật Việt Nam, sau khi làm một cuộc khảo sát, đã cho biết trung bình mỗi kiểm lâm viên có thể quản lý từ 3.000 - 10.000ha rừng. Có những trường hợp đặc biệt, như ở Lâm Đồng, mỗi kiểm lâm viên có thể phải quản lý tới 20.000ha rừng. 

Để kiểm tra rừng, các kiểm lâm viên phải băng rừng lội suối hàng tuần lễ nhưng vẫn không thể bao quát hết. 

Do vậy, nếu đưa drone vào hỗ trợ quan sát rừng thì công việc sẽ hiệu quả hơn, đỡ nguy hiểm và chỉ can thiệp khi có dấu hiệu rừng bị xâm phạm. 

Ở các nước như Canada, Nga, Trung Quốc... đã chế tạo và đưa vào sử dụng đại trà các loại drone chữa cháy, cấp cứu y tế, cấp cứu thiên tai bão lũ...

Còn nhớ câu chuyện về chàng thanh niên Ma Seo Chứ - trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Trong trận lũ quét, sạt lở núi do bão Yagi gây ra, anh đã đưa khẩn cấp toàn bộ 17 hộ dân của thôn Kho Vàng với 115 nhân khẩu lên núi cao. 

Trong tình trạng bị cô lập hoàn toàn, họ mất thông tin liên lạc, thiếu thốn lương thực và nước uống. Giá như lúc ấy có drone trinh sát và drone chuyển hàng hóa thì mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn nhiều. 

Một cán bộ TP.HCM cũng từng ước ao có được drone chuyên dụng quan sát chụp ảnh từ trên cao những vùng ngập nặng để biết độ chênh của địa hình phục vụ cho việc điều tiết dòng chảy mà cũng đành chép miệng.

Đất nước ta có diện tích không nhỏ, biển dài rộng, địa hình phức tạp, nhiều đới khí hậu khác nhau, có những vùng dân cư thưa thớt, đặc biệt là diễn biến khí hậu rất thất thường, thì việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật tiên tiến phục vụ đời sống là điều rất nên làm. 

Việc chế tạo các drone chuyên dụng hay lưỡng dụng (quân sự và dân sự) là hoàn toàn trong tầm tay của các nhà khoa học Việt Nam. 

Khắc chế những tiêu cực phát sinh như ảnh hưởng vùng bay, an toàn lưới điện, an toàn cho con người là công việc của cơ quan quản lý, không nên "không quản được thì cấm".

Nhân rộng tinh thần của anh Trần Văn Nghĩa - Ảnh 2.Giữa những chuyến xe hối hả, có người chịu dừng lại để cứu cả một đời người

Giữa các chuyến xe hối hả, vẫn có người dừng lại để giúp một ai đó. Có thể không thay đổi thế giới nhưng đã kịp thay đổi cả một ngày, thậm chí cả một đời người.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề

Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/nhan-rong-tinh-than-cua-anh-tran-van-nghia-a180547.html