Tại diễn đàn “Đổi mới tương lai ngành sản xuất điện tử Việt Nam”, ông Trần Hồng Quân, Giám đốc Thương mại của RX Tradex Vietnam, cho biết trong bối cảnh địa chính trị và công nghệ toàn cầu đang nhiều biến động, Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất điện tử quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện; thứ hai trên thế giới về xuất khẩu điện thoại và linh kiện. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử của Việt Nam đạt hơn 134,5 tỷ USD, đóng góp hơn 1/3 vào tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn quốc gia. Trong 5 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt hơn 60,8 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2024. Điều này đã giúp Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế của ngành mũi nhọn trong cơ cấu xuất khẩu.
Các tập đoàn công nghệ như Samsung, Apple, hay một số đối tác lớn của Apple như Foxconn, Luxshare, Goertek cũng đang tiếp tục mở rộng đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam. Đặc biệt, Tập đoàn Quatron đang tập trung mở rộng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), Tập đoàn NVIDIA cũng đang ký kết các hợp tác chiến lược với Chính phủ Việt Nam để xây dựng trung tâm dữ liệu về R&D và AI.
100% GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU ĐIỆN THOẠI THUỘC VỀ FDI
Việc Chính phủ đã ban hành các chiến lược về phát triển công nghệ bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 là bước đi quyết đoán, giúp thúc đẩy về nội lực, đào tạo nhân lực và nâng cao năng lực nội địa hóa đến chủ động về nghiên cứu và sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng đó, theo ông Quân, là những thách thức đặt ra đối với ngành điện tử Việt Nam.
Thực tế, 100% giá trị xuất khẩu điện thoại đều đến từ các doanh nghiệp FDI, 80% linh kiện cho ngành điện thoại vẫn phải nhập khẩu và hơn 90% các nhà cung ứng cấp một cho các doanh nghiệp đều là doanh nghiệp nước ngoài. Khả năng về R&D trong nước của chúng ta vẫn còn hạn chế. Việt Nam vẫn chủ yếu đóng vai trò lắp ráp.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cũng nhận định ngành công nghiệp điện tử đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và chiếm 17,8% trong tổng ngành công nghiệp và top 15 quốc gia xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ngành điện tử có tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đến hơn 40% trong một số phân khúc. Trung Quốc là nguồn cung nguyên liệu lớn nhất và chiếm 80% linh kiện và nguyên liệu cho ngành điện tử Việt Nam.
Ngành điện tử Việt Nam chủ yếu tập trung vào sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học, các thiết bị điện tử tiêu dùng như điện thoại di động. Các công ty lớn đang thống trị sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam gồm có Samsung, Apple (tăng cường lắp ráp thông qua Foxconn) và Luxshare. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tham gia ở công đoạn lắp ráp với chi phí thấp và phụ thuộc lớn vào các linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc (từ 30-80% tùy vào lĩnh vực, chủng loại sản xuất).
ẢNH HƯỞNG TỪ THUẾ QUAN HOA KỲ
Bà Hương cho rằng tác động của thuế quan Hoa Kỳ có thể khiến chi phí sản xuất, giá nguyên liệu tăng lên rất cao, điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Bên cạnh đó, chi phí logistics cũng tăng do doanh nghiệp phải tìm kiếm các nguồn cung thay thế hoặc phải thay đổi tuyến đường vận chuyển để tránh thuế. Điều này dẫn tới thời gian vận chuyển dài hơn và chi phí vận chuyển cao hơn, ảnh hưởng đến giá thành và tiến độ giao hàng. Mặt khác, khi thuế tăng cao, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ trở nên đắt đỏ hơn và làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ.
Đặc biệt, bà Hương chỉ ra 6 tác động đến doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng điện tử; gồm: đối diện với các điều tra phòng vệ thương mại từ phía Hoa Kỳ; bị suy giảm thị trường xuất khẩu; áp lực tìm kiếm thị trường thay thế; chi phí sản xuất tăng cao làm giảm năng lực cạnh tranh so với các thị trường khác nếu vẫn tiếp tục duy trì thị trường Hoa Kỳ; áp lực chi phí cải thiện và nâng cao công nghệ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và giảm phụ thuộc vào linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc; ảnh hưởng đến việc dịch chuyển chuỗi cung ứng.
“Thuế quan từ Hoa Kỳ đã thúc đẩy xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều công ty đa quốc gia đã chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác bao gồm Việt Nam. Điều này tạo cơ hội cho phát triển các ngành công nghiệp xuất khẩu nhưng cũng đặt ra thách thức về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và quản lý chuỗi cung ứng”, bà Hương phân tích.
Theo ông Quân, chính những thách thức trên cho thấy đây là thời điểm bản lề để Việt Nam chuyển mình, từ một trung tâm chuyên lắp ráp sang một quốc gia sản xuất có chiều sâu hơn, đóng góp nhiều hơn vào chuỗi cung ứng.
CẢI CÁCH NỘI TẠI, TÁI CƠ CẤU DOANH NGHIỆP
Trong bối cảnh toàn cầu bất ổn và áp lực từ thuế quan của Hoa Kỳ, bà Hương khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tăng cường hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ; tái cơ cấu sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng; chuẩn bị kịch bản ứng phó với các mức thuế cao; đẩy mạnh chuyển đổi số và thương mại điện tử; tận dụng sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức hiệp hội và chuẩn bị cho những rủi ro phi thuế quan. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tận dụng 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết. Đây là một lợi thế lớn cho Việt Nam khi xuất khẩu đi EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
“Ấn Độ là một thị trường rất tiềm năng, có quy mô dân số lớn nhất trên thế giới và có mối quan hệ hữu hảo với Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm thêm cơ hội. Ngoài ra, chúng ta có khá nhiều những thị trường ngách, có thể đi tiếp từ Bắc Âu, Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi... là những thị trường tiềm năng, cạnh tranh chưa quá gay gắt”, bà Hương gợi ý.
Bên cạnh mở rộng thị trường, doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn, đầu tư vào nghiên cứu thị trường và xây dựng thương hiệu ở các thị trường mới để giảm rủi ro do biến động từ thuế quan Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp cũng cần vận động các đối tác, bạn hàng truyền thống từ thị trường Hoa Kỳ, hoặc thống nhất với các đối tác để đàm phán chia sẻ chi phí. Thậm chí, doanh nghiệp cần nỗ lực để tham gia được vào chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Đặc biệt, bà Hương nhấn mạnh tới việc tái cơ cấu sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng của doanh nghiệp. Điều này vừa phù hợp với việc ứng phó thuế quan của Hoa Kỳ trong ngắn hạn, nhưng cũng mang lại lợi ích dài hạn cho chính doanh nghiệp. Đầu tư đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp “cất cánh”, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Cho rằng ngành điện tử có thể tận dụng áp lực thuế quan của Hoa Kỳ để sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn như chất bán dẫn và mở rộng sang những thị trường, khu vực không chịu ảnh hưởng của thuế quan, bà Hương nhấn mạnh: “Doanh nghiệp Việt Nam cần phải cải cách nội tại, bao gồm: đầu tư vào R&D, vào đào tạo nguồn nhân lực kỹ năng cao, đa dạng hóa và tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đẩy mạnh chuyển đổi số, chú trọng thương mại điện tử”.
Về phía Chính phủ, bà Hương đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại. Bên cạnh đó, có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số và tăng tỷ trọng nhập khẩu công nghệ cao từ Hoa Kỳ.
Để định hình ngành sản xuất công nghiệp điện tử Việt Nam trong thời gian tới, theo ông Trần Đức Hòa, Phó giám đốc Kinh doanh, VNPT Technology, quan trọng nhất là bản thân nội tại các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị trước; cần có những phương án ứng phó với những thay đổi; cần phải dự đoán trước các thị trường để có phương án phù hợp. Mặt khác, Chính phủ cũng cần có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/thoi-diem-de-nganh-dien-tu-chuyen-sang-san-xuat-co-chieu-sau-a180938.html