Theo số liệu báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 215 - 217 tỷ USD, tăng khoảng 13,8 - 14% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, so với kịch bản tăng trưởng xuất khẩu theo Nghị quyết 25/NQ-CP của Chính phủ ngày 5/2/2025 thì kết quả xuất khẩu nửa đầu năm 2025 đã cơ bản đạt và vượt mức đề ra. Đây sẽ là lực đẩy cho kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng cuối năm cũng như cả năm 2025 đạt mục tiêu 12%.
Cùng với sự tăng trưởng xuất khẩu, cán cân thương mại của Việt Nam cũng có dấu hiệu tích cực, khi xuất siêu ước đạt từ 3,4 - 4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2025. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thặng dư cán cân thương mại không có nghĩa là Việt Nam có thể hoàn toàn yên tâm. Bởi một trong những vấn đề lớn mà Việt Nam cần phải đối mặt là sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI trong xuất khẩu.
CHƯA THỂ YÊN TÂM VỚI THẶNG DƯ THƯƠNG MẠI
Mặc dù khu vực này đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, song các doanh nghiệp FDI cũng đồng thời có thể là yếu tố gây rủi ro khi có sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh hoặc sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhấn mạnh đến vấn đề này, PGS.TS. Đào Ngọc Tiến, Trường đại học Ngoại thương, cho rằng sự phụ thuộc lớn vào khu vực FDI, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và gia công lắp ráp cho thấy một điểm yếu cấu trúc. Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu lớn, nhưng một phần đáng kể giá trị gia tăng lại không được giữ lại trong nước. Ví dụ, khu vực FDI đóng góp 100% giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện, nhưng lại nhập khẩu tới 89% giá trị linh kiện đầu vào. Điều này cho thấy Việt Nam chủ yếu đóng vai trò là điểm lắp ráp cuối cùng, hạn chế giá trị thực sự được tạo ra và giữ lại trong nền kinh tế nội địa.
"Bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trải qua những biến đổi sâu sắc, với các vấn đề kinh tế, địa chính trị và công nghệ đang nhanh chóng định hình lại dòng chảy đầu tư và thương mại. Những thay đổi này không chỉ tạo ra rủi ro mà còn mở ra những động lực tăng trưởng mới đầy hứa hẹn cho xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy thương mại bền vững và phát triển thương mại số.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong hoạt động xuất khẩu, trở thành một trong những nền kinh tế định hướng xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, để duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và đảm bảo tính bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, Việt Nam cần chủ động ứng phó với các xu hướng lớn như chuyển đổi số, kinh tế xanh, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và các yêu cầu từ FTA thế hệ mới. Bằng việc triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp trên, Việt Nam có thể không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng mà còn nâng cao chất lượng và tính bền vững của xuất khẩu, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao".
Theo PGS.TS. Đào Ngọc Tiến, mặc dù có sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Intel, LG, Foxconn, sự đóng góp của khu vực FDI vào tiến bộ khoa học, công nghệ trong nước vẫn còn khiêm tốn. Mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước được mô tả là “lỏng lẻo và thiếu chiều sâu”. Các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, tại hội thảo “Xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường” mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết Việt Nam xuất khẩu hơn 400 tỷ USD (năm 2024), nhưng 300 tỷ USD là của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm được 100 tỷ USD; trong đó, 50 tỷ USD đến từ nông nghiệp, nơi có giá trị gia tăng nội địa lên đến 90%. Còn lại, chỉ 50 tỷ USD đến từ khu vực công nghiệp, con số nghe có vẻ đáng nể nhưng khi “bóc tách”, phần thực sự “của người Việt” chỉ chiếm 35%. Nghĩa là, nếu quy đổi thực chất, chỉ khoảng 17 tỷ USD từ xuất khẩu công nghiệp là có hàm lượng Việt Nam.
“Nhìn lại hành trình phát triển công nghiệp, Việt Nam tự hào với việc thu hút hàng loạt tập đoàn FDI, nhưng nếu phân tích kỹ thì Việt Nam chủ yếu gia công giá rẻ, giá trị gia tăng rất thấp và lợi nhuận thực sự nằm ở các tập đoàn nước ngoài. Việc phụ thuộc vào FDI không chỉ khiến chúng ta tụt hậu về công nghệ, mà còn đánh mất cơ hội có nguồn thu bền vững, chính đáng từ chính nguồn nhân lực dồi dào”, TS.Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.
PHỤ THUỘC LỚN VÀO NGUYÊN LIỆU NHẬP KHẨU
Không những phụ thuộc vào FDI, mà việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu và thiết bị công nghệ từ các quốc gia khác cũng khiến Việt Nam đối mặt với rủi ro. Điển hình như dệt may, dù là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, song việc phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu vẫn luôn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành gặp khó. Báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng chỉ ra rằng tỷ lệ nội địa hóa của ngành Dệt may Việt Nam vẫn chỉ dao động quanh mức 45-50%. Điều này đồng nghĩa với việc hơn một nửa nguyên phụ liệu, đặc biệt là vải và sợi, vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và các quốc gia khác. Sự phụ thuộc này không chỉ làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may Việt Nam, mà còn khiến ngành dễ bị “tổn thương” trước những biến động của thị trường thế giới.
Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành Dệt may như Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Nghị quyết 115/NQ-CP năm 2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Quyết định số 1643/QĐ-TTg năm 2022 về Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035, song thực tế đến nay các dự án đầu tư vào sản xuất vải, sợi công nghệ cao, thuốc nhuộm, hóa chất dệt nhuộm là những mắt xích quan trọng nhất của chuỗi giá trị lại rất khiêm tốn, cả về số lượng và quy mô vốn.
Tương tự, với ngành Cơ khí, tại hội thảo “Tăng tốc chuyển đổi, hiệp lực thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ - hùng cường”, diễn ra mới đây, PGS.TS. Lê Kỳ Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), cho biết dù là ngành nền tảng, cốt lõi của nền công nghiệp, song hơn 70% thiết bị máy móc vẫn phải nhập khẩu. Công nghệ lạc hậu, sản xuất chủ yếu là lắp ráp, chưa làm chủ thiết kế, mã nguồn, vật liệu đầu vào. Giá thành sản phẩm cơ khí của Việt Nam cao gấp 2 lần so với Thái Lan, dù chất lượng tương đương.
Hơn nữa, ngành thiếu vốn, thiếu nhân lực chất lượng cao; công nghệ lỗi thời, chưa tối ưu hóa sản xuất. Doanh nghiệp trong ngành chưa kết nối được với nhau để tận dụng năng lực nội tại. Thiếu tiêu chuẩn, thiếu đào tạo phù hợp với xu hướng sản xuất mới. Chưa làm chủ thiết kế, công nghệ lõi, phụ thuộc nặng vào đối tác nước ngoài.
Theo PGS.TS. Đào Ngọc Tiến, sự thống trị của hàng công nghiệp chế biến trong cơ cấu xuất khẩu cho thấy chiến lược công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Việt Nam đã thành công. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với sự phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài như suy giảm nhu cầu toàn cầu hoặc căng thẳng thương mại. Đồng thời, quá trình chế biến chủ yếu là gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng thực sự được giữ lại trong nước bị hạn chế.
CẦN VƯỢT QUA NHỮNG RỦI RO MANG TÍNH TOÀN CẦU
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các sản phẩm điện tử và số lượng mặt hàng xuất khẩu tỷ USD ngày càng tăng cho thấy Việt Nam đã đa dạng hóa thành công trong lĩnh vực công nghiệp và có khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào một số ít danh mục sản phẩm chủ lực, đặc biệt là điện tử, có thể tạo ra rủi ro đáng kể nếu thị trường toàn cầu thay đổi hoặc công nghệ trở nên lỗi thời.
Nhận định về triển vọng xuất khẩu trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế, chính trị toàn cầu tiếp tục có nhiều biến động, “cơn bão thương mại” lan rộng, thuế quan leo thang… đặt ra nhiều thách thức lớn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xuất khẩu. Chưa kể, các nền kinh tế lớn tiếp tục đưa ra nhiều quy chế giám sát khắt khe về xuất xứ, tiêu chuẩn môi trường… Đây là những vấn đề mà doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều lúng túng.
"Việc duy trì cán cân thương mại cân bằng là yếu tố quan trọng, các đơn vị liên quan đang xem xét để có những điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ kiểm tra, xem xét, rà soát Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, trong trường hợp cần thiết sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Với đà tăng trưởng hiện nay, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm khoảng 450 tỷ USD, tương đương mức tăng trưởng 12%, là khả thi. Tuy nhiên, để giữ vững động lực và phát triển bền vững, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số, xanh hóa chuỗi sản xuất và chủ động trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia".
Thêm nữa, hoạt động xuất khẩu còn có nhiều yếu tố bất lợi như bất ổn chính trị và xung đột vũ trang giữa các nước diễn biến khó lường; thiên tai, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu toàn cầu đe dọa ổn định chuỗi cung ứng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, gây áp lực lên giá hàng hóa thiết yếu. Đặc biệt gần đây, Chính phủ Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam và nhiều quốc gia, gây tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu sang thị trường lớn nhất của Việt Nam.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra những rủi ro mà hoạt động xuất khẩu có thể đối mặt trong thời gian tới. Tình hình địa chính trị phức tạp, biến động giá cả hàng hóa toàn cầu, xu hướng bảo hộ gia tăng tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ… đều là những yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến đà tăng trưởng xuất khẩu.
Để ứng phó với những thách thức trên, Bộ Công Thương đang xây dựng các kịch bản linh hoạt, trong đó chú trọng nâng cao năng lực dự báo thị trường, hỗ trợ ngành hàng và địa phương điều chỉnh kịp thời kế hoạch sản xuất. Đặc biệt, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ được đẩy mạnh theo hướng chuyên sâu, tập trung vào thị trường tiềm năng và cảnh báo rủi ro gian lận xuất xứ, vấn đề đang ngày càng được quốc tế quan tâm.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết việc duy trì cán cân thương mại cân bằng là yếu tố quan trọng, các đơn vị liên quan đang xem xét để có những điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ kiểm tra, xem xét, rà soát Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, trong trường hợp cần thiết sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Với đà tăng trưởng hiện nay, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm khoảng 450 tỷ USD, tương đương mức tăng trưởng 12%, là khả thi. Tuy nhiên, để giữ vững động lực và phát triển bền vững, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số, xanh hóa chuỗi sản xuất và chủ động trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia.
Xuất khẩu không chỉ là câu chuyện về con số, mà còn là chỉ báo quan trọng phản ánh năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và mức độ hội nhập của nền kinh tế. Do đó, việc giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu sẽ tiếp tục là ưu tiên chiến lược trong điều hành kinh tế của Chính phủ, đồng thời là động lực quan trọng thúc đẩy GDP trong những tháng cuối năm 2025.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2025 phát hành ngày 07/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1493
Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/vuot-thach-thuc-de-giu-da-tang-truong-xuat-khau-a181132.html