Đồng hành với bà con vùng sâu

TP - Tại vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, nơi dịch vụ công trực tuyến còn xa lạ với nhiều người dân, những thanh niên tình nguyện đang lặng lẽ góp sức. Họ không chỉ hỗ trợ kê khai, tra cứu, cài đặt ứng dụng định danh mà còn là cầu nối giữa người dân và chính quyền.

Nơi dịch vụ công còn quá xa lạ

Xã Lạc Dương (Lâm Đồng) là địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với hơn 828km2, quy mô dân số khoảng 14.000 người, trong đó có hơn 12.000 người DTTS (chiếm gần 88% dân số toàn xã). Túc trực, hỗ trợ người dân những ngày qua, nhưng trường hợp của ông Lơ Mu Hà Tư (62 tuổi, người dân tộc K’Ho) khiến các đoàn viên thanh niên (ĐVTN) xã Lạc Dương nhớ mãi. Ông đến Trung tâm hành chính công xã từ sớm, rụt rè hỏi thăm từng người một, mắt ngó nghiêng những chiếc máy vi tính đầy xa lạ. Ông bảo muốn chia miếng đất rẫy cho mấy đứa con, nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu. Ông không biết chữ, càng không hiểu các thủ tục pháp lý hay công nghệ mới. Những từ như “dịch vụ công trực tuyến”, “mã định danh cá nhân”,... hoàn toàn xa lạ với ông. “Ban đầu ông sợ lắm, thấy cán bộ nói tiếng phổ thông nhanh quá, lại có mấy cái máy tính, điện thoại cảm ứng gì đó nữa. Nhưng rồi các bạn đoàn thanh niên ra đón ông, dẫn vào từng bước một. Mình ngồi với ông gần 2 tiếng đồng hồ, giải thích kỹ càng, giúp kê khai, rồi in giấy cho ông ký tên”, đoàn viên Kon Sơ K Ty nhớ lại.

Đồng hành với bà con vùng sâu ảnh 1

Đoàn viên Kon Sơ K Ty (xã Lạc Dương, Lâm Đồng) hỗ trợ cài đặt, hướng dẫn sử dụng ứng dụng VneID cho người dân

Có mặt từ sớm tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Lạc Dương, phóng viên bắt gặp hình ảnh một bà cụ ngồi ở ghế, tay ôm chặt bịch ni lông màu đỏ, bên trong lộ ra vài tờ giấy gấp nếp kỹ càng. Đó là bà Nguyễn Thi Tin (67 tuổi), người dân tộc K’Ho. Bà rụt rè nhìn lên tấm bảng hướng dẫn dán chi chít ký hiệu, mã số. Vừa lúc đó, một thanh niên tình nguyện nhận ra và tiến tới chào hỏi, nhẹ nhàng mời bà vào trong, hướng dẫn bà đến máy bấm số thứ tự rồi ngồi cạnh bà như người thân. Cứ thế, hai bà cháu vừa ngồi đợi, vừa trò chuyện. Bạn trẻ kiên nhẫn giải thích từng bước sử dụng dịch vụ công trực tuyến, từ cách tra cứu thông tin cá nhân đến việc khai lại giấy khai sinh. “Già rồi, mắt kém, chữ nghĩa không rành, may có mấy cháu giúp đỡ nên tôi mừng lắm”, bà Tin xúc động nói.

Đồng hành với bà con vùng sâu ảnh 2

Cán bộ Trung tâm xã Đăk Ui (Quảng Ngãi) tiếp nhận, xử lý hồ sơ cùng đoàn viên

Xong việc, bà Tin còn vẫy tay cảm ơn và nở nụ cười. Chính nụ cười, lời chào giản dị ấy là bằng chứng sống động nhất cho hành trình gần dân của thanh niên tình nguyện.

“Quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, tạo ra nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi sự vào cuộc kịp thời của lực lượng thanh niên tình nguyện. Đặc biệt, Tỉnh Đoàn chú trọng tới các địa phương có địa bàn rộng, dân số đông hoặc nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nơi mà một hành động hỗ trợ nhỏ có thể tạo ra sự thay đổi lớn”.

Anh Trương Minh Quang, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng nhấn mạnh

Anh Nguyễn Tuấn Anh - Bí thư Đoàn xã Lạc Dương, cho biết những ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp, các ĐVTN phải, kiên nhẫn hướng dẫn từng bước để người dân tiếp cận với các dịch vụ số, đặc biệt là người cao tuổi và người DTTS. "Trong quá trình vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, lực lượng tình nguyện viên gặp các bác lớn tuổi, còn lúng túng với các thao tác trên điện thoại thông minh. Có người đã cài ứng dụng VNeID và tài khoản nhưng không sử dụng nên quên luôn tài khoản”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Đoàn viên Kon Sơ K Ty (xã Lạc Dương) cho hay, công việc khá suôn sẻ, tuy nhiên để ngồi, giải thích từng ý cho các bác lớn tuổi khá vất vả. Dù mệt, nhưng em rất vui khi thấy bà con giải quyết được công việc và thích thú với công nghệ làm thủ tục tại xã”, Kon Sơ K Ty bộc bạch.

Không để ứ đọng hồ sơ

Ia Dom là xã biên giới thuộc tỉnh Gia Lai. Đây là xã vùng biên đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn nông thôn mới. Xã có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, và có 16,2km đường biên giáp với Campuchia. Qua ghi nhận, bước vào trụ sở xã là thấy ngay Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

“Với những người già như ông Lơ Mu Hà Tư, nếu không có người hỗ trợ thì không thể tiếp cận dịch vụ công được. Chính vì vậy, chúng tôi cử các đội hình túc trực mỗi ngày, nhất là từ sau 1/7. Không chỉ hướng dẫn sử dụng thiết bị điện tử, đoàn viên còn là chỗ dựa để người dân yên tâm hơn”.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đoàn xã Lạc Dương chia sẻ

Tại đây, chị Siu H’Blưng - Bí thư Đoàn xã Ia Dom đang hướng dẫn ông Phạm Bá Trọng (SN 1962, làng Bi, xã Ia Dom) làm thủ tục để cấp sổ đỏ cho hơn 1,2ha đất canh tác từ gần 30 năm trước. Ông Trọng bộc bạch, gia đình sống dựa vào số đất trên đã nhiều năm. Tuy nhiên trước kia ngại việc cấp sổ đỏ rườm rà, cộng với ngại đi xa nên chưa làm. Dịp này, nghe thông tin xã mới đi vào hoạt động sẽ giúp bà con nhanh, gọn hơn nên quyết định tới để tìm hiểu các bước để xin cấp sổ đỏ.

Tại bàn hướng dẫn, chị H’Blưng tư vấn, hướng dẫn ông Trọng chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ liên quan, liên hệ với công chức chuyên môn để kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các hồ sơ, thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp đủ điều kiện theo quy định sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khoảng 20 ngày.

“Trong khoảng một tuần qua bà con đến đây đa phần làm công chứng cho con em đi học, hồ sơ xin việc. Người dân ở đây đa phần là người dân tộc thiểu số nên rất cần sự hỗ trợ về công nghệ thông tin. Đặc biệt, các giấy tờ cần điền thông tin cán bộ Đoàn xã sẽ giúp viết đúng, chuẩn”, chị Siu H'Blưng chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dom thông tin, trong tuần đầu hoạt động, xã đã giải quyết được 30 hồ sơ chứng thực bản sao, 2 hợp đồng giao dịch, làm bảo hiểm y tế cho 7 trường hợp. Ngoài ra, có 5 lượt công dân tới liên hệ, đề nghị hướng dẫn các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Theo ông Tuấn, Ia Dom đặc thù là xã biên giới nên không thực hiện sáp nhập như các địa phương khác, bởi vậy đơn vị chỉ có Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, không thành lập trung tâm hành chính công. “Những ngày này xã rất nhiều việc. Tuy nhiên, xã ưu tiên các nguồn lực giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính cho người dân. Bởi vậy đến thời điểm này không có hồ sơ nào bị ứ đọng, các hoạt động diễn ra thông suốt. Để làm được điều này nhờ sự hỗ trợ rất lớn của các ĐVTN hướng dẫn, hỗ trợ bà con sử dụng dịch vụ công trực tuyến, quét mã QR, tra cứu và kê khai hồ sơ trực tuyến…”, ông Tuấn chia sẻ.

Bà con không phải quay lại lần 3

Tại xã Đăk Ui, cách trung tâm tỉnh Quảng Ngãi hơn 230 km, những ngày đầu tháng 7 cũng nhộn nhịp không kém. Đây là địa phương được thành lập từ việc sáp nhập hai xã cũ, với nhiều khó khăn về dân cư, địa hình, nhưng có lợi thế là đội ngũ ĐVTN trẻ năng động.

Chị Lê Thị Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đăk Ui, đồng thời là Bí thư Đoàn xã đang hỗ trợ anh Lê Văn Chiến làm giấy khai sinh và hỏi thêm thông tin về giấy tờ đất đai. Chỉ sau vài phút, hồ sơ được hoàn thiện và chuyển Chủ tịch ký. “Tôi được hướng dẫn nhanh, gọn về việc làm thủ tục hành chính. Ngoài ra tôi cũng hỏi thêm về các giấy tờ về đất đai, cán bộ của xã giải thích cho tôi rất dễ hiểu”, anh Chiến vui vẻ chia sẻ.

Hỗ trợ người dân xong, chị Hiền cho biết, xã có 12 cán bộ đoàn và nhiều đoàn viên am hiểu pháp luật, thủ tục hành chính. Họ là người dân địa phương, nói tiếng dân tộc, hiểu văn hóa nên được dân tin tưởng. “Cán bộ xã vừa gần gũi vừa ân cần. Người dân không phải đi lại ba lần như trước. Nếu có vướng, tụi mình gọi điện xin ý kiến tỉnh luôn. Việc giải quyết diễn ra trong ngày là chính, không để bà con quay lại lần thứ 3”, chị nói.

Ở Krông Pắc (Đắk Lắk), xã được chọn làm điểm hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng, các ĐVTN cũng là lực lượng tiên phong. Sáng 7 giờ, tại Trung tâm hành chính công, các bạn áo xanh đã có mặt để chia ca trực, hướng dẫn người dân lấy số, kiểm tra hồ sơ, hỗ trợ nộp trực tuyến. “Lần đầu làm giấy tờ hộ tịch, tôi khá bối rối, nhưng nhờ các cháu giúp nên mọi thứ nhanh gọn”, bà Hoàng Thị Hà (60 tuổi) chia sẻ.

Bạn Nguyễn Quỳnh Chi, đoàn viên xã Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ, những ngày này, người dân đến làm thủ tục rất đông. Nhiều bác lớn tuổi, mắt kém nên việc đọc và viết gặp nhiều khó khăn. Quỳnh Chi cùng thành viên đội hình hỗ trợ giúp điền các thông tin trong giấy tờ kê khai, hoàn thiện hồ sơ một cách chính xác và nhanh chóng hơn.

Theo Quỳnh Chi, trong quá trình hỗ trợ người dân, khá nhiều cô bác là đồng bào DTTS, có nhiều bác chưa quen với các mẫu giấy tờ hành chính, gặp khó khăn về sử dụng điện thoại thông minh như đã cài VNeID. Các bạn thanh niên tình nguyện viên là người dân tộc thiểu số cùng tham gia hỗ trợ, nên việc hướng dẫn, giải thích dễ dàng hơn.

Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/dong-hanh-voi-ba-con-vung-sau-a181244.html