Nghĩa tình son sắt - Kỳ cuối: Đại Thủy - ngôi làng của hai quê

TP - Như một nhân duyên tốt lành, như một lẽ tự nhiên có những làng quê hình thành từ những người vốn có quê hương bản quán khác nhau, không hề quen biết. Rồi như thể trời xui đất khiến, họ thành xóm giềng của nhau, tình thân như ruột thịt. Đó là câu chuyện vùng cao ở làng Đại Thủy thuộc thôn Tân Phú, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Năm anh em trong một cuộc mưu sinh!

Vào dịp Rằm tháng Giêng một năm gần đây, tôi lên vùng cao Hướng Hóa để tìm hiểu về một ngôi làng của hai quê mới ra đời vào năm 1986, tính đến nay gần được 40 năm. Một ngôi làng mới, sinh sau đẻ muộn có thể kể vào bậc nhất tỉnh Quảng Trị. Vậy là câu chuyện bên ấm nước chè xanh cứ đậm dần theo lời kể của những người trong cuộc.

Ông Võ Xuân Hằng, Trưởng làng Đại Thủy cũng là người cao niên vào tuổi bảy mươi nhưng vẻ ngoài còn rắn chắc, tinh anh. Ngồi trước nơi thờ tự của làng, trầm ngâm một chút, ông nhớ về quá khứ chưa xa.

Nghĩa tình son sắt - Kỳ cuối: Đại Thủy - ngôi làng của hai quê ảnh 1

Một góc làng Đại Thủy - Tân Phú hôm nay. Ảnh: Phạm Xuân Dũng

Ông kể: “Tôi là người quê Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, từng đi bộ đội chiến đấu ở đây, từng biết đất Khe Sanh - Hướng Hóa. Sau khi ra quân về quê, thấy làng mình đất chật người đông, về lâu dài nếu cứ chen chúc với nhau như thế e rằng khó làm ăn kinh tế, phát triển lâu dài, không chỉ cho đời mình mà còn cho đời con cháu mai sau. Tôi nhớ đến vùng đất đỏ Hướng Hóa nên bàn chuyện di dân với một số anh em tâm huyết. Vì chuyện quyết định đi lập nghiệp khỏi làng là một chuyện lớn, thậm chí rất hệ trọng. Sau khi bàn bạc, nhất trí, năm anh em chúng tôi từ Lệ Thủy vào đây như trên một chiếc xe tăng, quyết tâm đánh thắng trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo, vươn lên khá giả giữa thời bình. Khi vào đây, chúng tôi mang theo cuốc, rựa…để sản xuất và bước đầu tìm cách ổn định cuộc sống”.

Bác Hồ từng nhiều lần nhắc nhở bí quyết thắng lợi của cách mạng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Mọi việc từ nhỏ đến lớn phải lấy sự hợp quần, cùng chung nguyện vọng, chí hướng mới thành công mỹ mãn, kể cả đại sự quốc gia như tách tỉnh, nhập tỉnh, cần muôn lòng như một bằng tất cả sự thành tâm. Đại Thủy no ấm, Đại Thủy kết đoàn đã và đang viết thêm một chương mới đẹp tươi trong nghĩa tình son sắt Quảng Trị - Quảng Bình khi hai miền quê về chung dưới một mái nhà.

Quyết tâm là vậy, nhưng vạn sự khởi đầu nan, khó khăn, gian khổ không thể nào nói hết. Lúc ấy đang còn thời kỳ bao cấp, thiếu thốn đủ điều, từ điện, đường, trường, trạm. Đúng là gian nan thử thách lòng người. Ông Hằng kể tiếp: “Vào đây, bốn bề đồi núi, giao thông cùng khe suối chằng chịt, địa hình dễ bị chia cắt, nhất là vào mùa mưa. Rồi bốn bề vắng lặng, không hề có tiếng gà gáy, chó sủa, trẻ con bi bô hay khóc lóc. Đêm nằm trong lán, nhà tạm nghe tiếng côn trùng nhớ nhà, nhớ quê da diết…Nhưng chúng tôi động viên nhau bám trụ, dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng không được bỏ cuộc nửa chừng”.

Ông Nguyễn Cửu Cẩn và mấy người khác ngồi nghe dường như cũng thấy bóng dáng của mình trong đó. Chờ ông Hằng tạm dừng kể, ông Cẩn góp chuyện: “Nếu năm anh em chỗ bác Hằng quê Lệ Thủy - Quảng Bình thì chúng tôi lại quê ở xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sau khi anh em Lệ Thủy lên đây ít lâu thì chúng tôi cũng theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước đi kinh tế mới vùng cao Hướng Hóa vì dưới đồng bằng chúng tôi cũng đất chật, người đông, khó bề xoay xở lâu dài. Chúng tôi lên đây lúc đầu cũng khá đông nhưng rồi gian nan quá một số người dù nhà nông chịu khó nhưng không trụ nổi phải quay về quê cũ hoặc đi vào Nam tìm sinh kế. Ở lại đây khoảng chừng hai mươi hộ. Còn khó khăn thì kể nào cho xiết, từ công việc cho đến bữa ăn, giấc ngủ, rồi ốm đau, bệnh tật, rồi cả học hành… Nếu chúng tôi không kiên gan bền chí thì không thể vượt qua. Vậy là bà con hai quê Quảng Bình, Quảng Trị chung lưng đấu cật, tối lửa tắt đèn có nhau, vui buồn cùng chia sẻ”.

Nghĩa tình son sắt - Kỳ cuối: Đại Thủy - ngôi làng của hai quê ảnh 2

Ông Nguyễn Cửu Cẩn, người làng Đại Thủy ôn cố tri tân. Ảnh: Phạm Xuân Dũng

Nghĩa tình son sắt - Kỳ cuối: Đại Thủy - ngôi làng của hai quê ảnh 3

Dân làng Đại Thủy vẫn vậy, họ nhớ về quá khứ gian nan, và có niềm tin vào tương lai tươi sáng. Ảnh: Phạm Xuân Dũng

Ông Hằng cười và bổ sung thêm: “Tên gọi mới Đại Thủy của làng được ghép từ hai miền quê khác nhau. Đại ý nói đến Triệu Đại, Thủy là nhắc nhớ về Lệ Thủy, nên tên làng mới là Đại Thủy. Bà con cùng cảnh xa quê đi kinh tế mới, lập làng mới. Cha ông mình có câu “bán bà con xa, mua láng giềng gần”. Bà con mình không thương nhau thì ai thương mình, không quan tâm nhau thì ai quan tâm mình. Chúng tôi sống với nhau như bát nước đầy, trong nghĩa tình nhường nhịn và quý mến nhau”.

Đại Thủy hôm nay

Đi trong Đại Thủy hôm nay sẽ thấy một làng quê với nhiều khởi sắc. Những con đường bê tông nối làng trên xóm dưới, trường học khang trang, nhà dân kiên cố, vững chãi, hoa khoe sắc hương trong nắng. Tất cả đều gợi lên một cảm giác thanh bình, no ấm.

Ông Võ Văn Dũng lúc ấy là Bí thư chi bộ, trưởng thôn Đại Thủy cho biết: “Tuy chưa phải đã giàu có gì nhưng nhìn chung đời sống bà con đã ổn định, no ấm, nhiều hộ làm ăn khá giả, hầu như không có hộ nghèo. Bà con dù quê quán gốc có khác nhau nhưng sống chan hòa, tình cảm. Dân Đại Thủy cũng đã và đang hưởng ứng các chủ trương của Đảng và Nhà nước”.

Đại Thủy no ấm, Đại Thủy kết đoàn đã và đang viết thêm một chương mới đẹp tươi trong nghĩa tình son sắt Quảng Trị - Quảng Bình khi hai miền quê đứng trước cơ hội lịch sử được về chung dưới một mái nhà.

Đi trong Đại Thủy hôm nay sẽ thấy một làng quê no ấm, yên bình ở vùng cao Hướng Hóa. Ít ai có thể ngờ rằng nơi đây mấy chục năm trước chỉ là một vùng núi đồi hoang vu, cây rừng xanh ngắt một màu, muông thú làm chủ sơn lâm, bệnh sốt rét một thưở hoành hành. Một vùng quê heo hút, vắng bóng chân người rồi một ngày kia lại nhận những bước chân tiên phong mở đất, nhận được hơi ấm con người từ những tấm lòng muốn biến ước mơ no ấm, an lành thành hiện thực sinh động. Và hơn thế, những con người vốn ở hai quê, chưa hề quen biết nhau đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, tạo dựng nên một ngôi làng non trẻ nhưng đầy quyết tâm và sức sống, mở ra những vận hội cho những thế hệ mai sau. Có câu tục ngữ sâu sắc: “Người ta là hoa của đất” quả đúng và sát hợp với làng quê Đại Thủy, với những con người bình dị và chân chất tự tay mình viết nên trang sử vùng quê mới. Chính họ chứ không phải ai khác đã làm nên lịch sử một ngôi làng với tư cách khai sinh. Vẫn biết cuộc đời còn nhiều thử thách nhưng tin rằng với những tấm lòng son như thế thì chắc rằng không có khó khăn nào có thể khuất phục được họ.

Một góc đập thủy lợi Bàu Nhum. Ảnh: Phạm Xuân Dũng
Nghĩa tình son sắt - Kỳ 2: Công trình thủy lợi độc nhất vô nhị
Nghĩa tình son sắt - Kỳ 1: Đoàn thuyền cảm tử
Nghĩa tình son sắt - Kỳ 1: Đoàn thuyền cảm tử

Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/nghia-tinh-son-sat-ky-cuoi-dai-thuy-ngoi-lang-cua-hai-que-a181245.html