Đau tim thường liên quan đến đau ngực hoặc cảm giác đè nén ở ngực - Ảnh: THIP
Video này liệt kê các dấu hiệu cảnh báo đau tim gồm: buồn nôn, chóng mặt kéo dài, mệt mỏi nghiêm trọng, đau đầu liên tục không giảm khi nghỉ, tê một bên tay, chân hoặc mặt, và thay đổi thị lực như nhìn đôi, mờ, hoặc mất khả năng tập trung ở một mắt.
Tuy nhiên chuyên trang kiểm chứng thông tin về sức khỏe The Healthy Indian Project (THIP) của Ấn Độ đã kiểm tra và kết luận phần lớn nội dung trong video là sai sự thật.
Chóng mặt và buồn nôn là dấu hiệu sớm của đau tim?
Các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, tê bì, đau đầu hoặc mờ mắt không phải là dấu hiệu sớm đáng tin cậy để dự báo cơn đau tim trước vài tuần. Những biểu hiện này có thể do các vấn đề khác như đột quỵ, mất nước hoặc bệnh lý về mắt gây ra.
Đau tim thường đi kèm cảm giác đau hoặc đè nén ở ngực. Nhầm lẫn các triệu chứng không liên quan là dấu hiệu cảnh báo đau tim có thể khiến việc chẩn đoán và điều trị bị trì hoãn.
Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) ghi nhận chóng mặt và buồn nôn có thể xuất hiện trong cơn đau tim, nhưng thường kèm theo đau ngực hoặc triệu chứng nghiêm trọng khác.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, dấu hiệu cảnh báo điển hình là đau hoặc tức ngực lặp lại, tuy nhiên đây là điều mà video lan truyền không đề cập.
Mệt mỏi kéo dài kèm đau đầu báo hiệu đau tim?
Trang Harvard Health (thuộc Trường Y Harvard) cho biết tình trạng mệt mỏi kéo dài đôi khi có thể do suy tim hoặc bệnh tim tiềm ẩn, nhưng thường liên quan đến sức khỏe tim mạch nói chung, không phải dấu hiệu cận kề của cơn đau tim.
Đau đầu hằng ngày lại càng ít liên quan hơn. Một cơn đau đầu dữ dội, đột ngột thường khiến bác sĩ nghi ngờ đột quỵ, không phải đau tim.
Tiến sĩ Rachit Saxena, giám đốc phẫu thuật tim và động mạch chủ tại Bệnh viện Narayana Hrudayala (Ấn Độ), cho biết không phải lúc nào cơn đau tim cũng xảy ra đột ngột.
Một số người có thể gặp các dấu hiệu cảnh báo sớm như ợ chua không rõ nguyên nhân, khó thở khi làm việc hằng ngày, mệt mỏi bất thường hoặc tức ngực âm ỉ thuyên giảm khi nghỉ.
Dù nhẹ, các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của bệnh tim, đặc biệt ở người có nguy cơ như tiểu đường, huyết áp cao, mỡ máu cao hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh tim.
Việc phát hiện sớm và khám kịp thời, ngay cả với triệu chứng nhỏ, có thể giúp phòng ngừa biến cố nghiêm trọng.
Tê một bên cơ thể, thị lực mờ cũng là dấu hiệu cảnh báo?
Tê đột ngột một bên cơ thể như tay, chân hoặc mặt là dấu hiệu phổ biến của đột quỵ, không phải đau tim.
Đau tim thường gây đau hoặc cảm giác đè nén, có thể lan sang vai hoặc cánh tay, nhưng hiếm khi gây tê nửa người. Nếu ai đó đột ngột bị tê hoặc yếu một bên mặt hay tay, bác sĩ sẽ nghi ngờ đột quỵ hoặc rối loạn thần kinh khác.
Tiến sĩ Sreenivas Meenakshisundaram, chuyên gia thần kinh tại Bệnh viện Apollo (Ấn Độ), giải thích: "Khi bệnh nhân tê hoặc yếu một bên cơ thể, đặc biệt ở tay, chân hoặc mặt, chúng tôi nghĩ ngay đến khả năng đột quỵ, không phải bệnh tim. Dạng tê này thường do thiếu máu lên não và là tình trạng cấp cứu cần xử lý ngay".
"Ngược lại, đau tim thường biểu hiện bằng đau ngực, khó thở hoặc đau lan đến tay, hàm. Nhầm lẫn hai tình trạng này có thể trì hoãn điều trị, rất nguy hiểm. Một nguyên tắc dễ nhớ là: đột quỵ thường không đau, còn đau tim thì có", ông nói.
Harvard Health cũng lưu ý rằng rối loạn thị lực đột ngột có thể do tắc mạch máu ở mắt - một dạng "đột quỵ mắt", hoặc cảnh báo nguy cơ đột quỵ não. Các bệnh mạn tính như huyết áp cao hay tiểu đường cũng có thể làm giảm thị lực. Những thay đổi như nhìn mờ hay nhìn đôi không được coi là dấu hiệu sớm của đau tim.
Nhìn chung, có nhiều hiểu lầm về cơn đau tim. Ví dụ, một số bài viết cho rằng nằm nghiêng bên phải gây đau tim, nhưng đây là thông tin sai lệch.
Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/thuc-hu-chuyen-co-the-du-doan-dau-tim-tu-truoc-1-thang-a181705.html