Trong vụ án Phúc Sơn, nhiều bị cáo bị xử tội nhận hối lộ - Ảnh: GIANG LONG
Người tham ô, nhận hối lộ nộp 3/4 tài sản tham ô mới được giảm án
Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025) bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh bao gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội gián điệp (Điều 110); Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354) và Tội phá hoại hòa bình gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).
Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật Hình sự theo hướng người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ chỉ có thể được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Người đang cai nghiện mà sử dụng ma túy có thể bị phạt tù đến 3 năm
Theo đó, Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025) bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256a).
Theo đó, người nào đang trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế; Đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy; Đang trong thời hạn 2 năm kể từ ngày hết thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy và trong thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Đang trong thời hạn 2 năm kể từ khi tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế mà tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy thì bị phạt tù từ 2 năm đến 3 năm.
Tách khung hình phạt "phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình" thành 2 khung hình phạt "20 năm hoặc chung thân" và "chung thân hoặc tử hình" tại Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248) và Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251).
Bổ sung các chất ma túy Ketamine và Fentanyl trong cấu thành của 5 tội phạm về ma túy, bao gồm: Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251), Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252).
Nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2025) nâng mức khởi điểm của khung hình phạt tù đối với một số tội về môi trường, an toàn thực phẩm, ma túy gồm:
Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236); Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248);
Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255) và Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317)
Nâng mức phạt tiền gấp 2 lần đối với một số tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại, tội phạm về môi trường, tội phạm khác xâm phạm an toàn công cộng, tội phạm tham nhũng.
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2025) cũng bổ sung trường hợp không thi hành án tử hình đối với người bị kết án là người bị mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối tại Điều 40 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025).
Bổ sung quy định sau khi có kết luận khỏi bệnh hoặc có kết luận đủ khả năng nhận thức, đủ khả năng điều khiển hành vi, người phạm tội có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, tiếp tục chấp hành hình phạt tại Điều 49 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025).
TAND tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan tổ chức việc rà soát người bị kết án tử hình thuộc diện được chuyển từ hình phạt tử hình thành tù chung thân để báo cáo chánh án TAND tối cao quyết định chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/nguoi-dang-cai-nghien-ma-su-dung-ma-tuy-co-the-bi-phat-tu-den-3-nam-a181754.html