Nhiều người uống cà phê vào buổi sáng, nhưng chuyên gia khuyên không nên uống ngay khi vừa thức dậy - Ảnh minh họa
Những thói quen sau có thể ảnh hưởng sức khỏe của bạn:
Uống cà phê vào thời điểm muộn trong ngày
Uống cà phê vào thời điểm muộn trong ngày có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, do có thể làm gián đoạn khả năng đi vào giấc ngủ hoặc duy trì giấc ngủ của cơ thể.
Điều này có nguyên nhân từ tác dụng phụ của caffeine - chất kích thích tự nhiên có trong cà phê có ảnh hưởng đến thần kinh trung ương và tác dụng gây gián đoạn giấc ngủ có thể kéo dài đến vài giờ sau uống.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống cà phê trong khoảng 6 giờ trước khi ngủ có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Giấc ngủ rất quan trọng với việc phòng ngừa bệnh tật, cải thiện tâm trạng, sự tập trung và chức năng miễn dịch. Vì vậy nên hạn chế sử dụng cà phê trong khoảng 6 giờ trước khi đi ngủ, để đảm bảo chất lượng giấc ngủ được tối ưu.
"Có thể chuyển sang cà phê đã khử caffeine sau 2 giờ chiều hoặc bất cứ khi nào bạn thường cảm thấy uể oải vào buổi chiều", Melissa Prest - chuyên gia dinh dưỡng - chia sẻ với tạp chí Health.
Uống cà phê không lọc
Việc tiêu thụ các loại cà phê không lọc như cà phê pha kiểu Pháp, cà phê Thổ Nhĩ Kỳ, cà phê espresso thường xuyên có thể làm tăng mức cholesterol LDL - hay còn gọi là cholesterol xấu.
So với cà phê túi lọc, cà phê chưa lọc chứa hàm lượng cao hơn các hợp chất diterpene, đặc biệt là kahweol và cafestol - những chất có liên quan đến việc làm tăng mức cholesterol LDL trong máu. Mức cholesterol LDL cao đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim.
"Nếu có thể, hãy lựa chọn cà phê pha bằng máy với giấy lọc. Hãy để cà phê chưa lọc dành cho cuối tuần hoặc những dịp đặc biệt nếu bạn đang kiểm soát cholesterol", chuyên gia dinh dưỡng Prest cho biết.
Thêm quá nhiều đường vào cà phê
Việc thêm quá nhiều đường và chất tạo ngọt vào ly cà phê có thể làm tăng đột biến lượng đường bạn tiêu thụ, từ đó làm tăng nguy cơ cao huyết áp và các bệnh mãn tính như bệnh tim, ung thư và tiểu đường.
Sử dụng nhiều đường cũng làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột và có thể khiến các triệu chứng rối loạn sức khỏe tâm thần trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung góp phần làm tăng cân và tăng nguy cơ béo phì.
Thay vào đó, hãy thưởng thức cà phê đen hoặc được bổ sung ngọt nhẹ với một lượng nhỏ chất tạo ngọt tự nhiên như mật ong nguyên chất, siro chà là hoặc siro lá phong nguyên chất.
Uống cà phê ngay khi vừa thức dậy
Để tối ưu hóa năng lượng trong ngày, nên hạn chế việc uống cà phê ngay sau khi thức dậy. Việc uống cà phê ngay lập tức sau khi ngủ dậy có thể cản trở hoạt động của adenosine - một chất dẫn truyền thần kinh ảnh hưởng đến nhịp sinh học (đồng hồ sinh học 24 giờ) và chu kỳ ngủ - thức của cơ thể bạn.
Để giảm thiểu tác động này, Debbie Petitpain, người phát ngôn của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Hoa Kỳ, cho rằng nên uống ly cà phê đầu tiên sau khi thức dậy khoảng 60 đến 90 phút.
"Trong thời gian đó, hãy bổ sung nước, đón ánh sáng tự nhiên và vận động nhẹ để giúp cơ thể tỉnh táo một cách tự nhiên. Bạn có thể sẽ thấy ly cà phê hiệu quả hơn, và thậm chí cần ít cà phê hơn - chỉ bằng cách điều chỉnh lại thời điểm uống", Petitpain cho biết.
Sử dụng cà phê thay thế bữa ăn
Một số người có thói quen uống cà phê thay bữa ăn, dù là với mục tiêu giảm cân hoặc theo sở thích cá nhân. Cà phê có thể giúp giảm cân và giảm lượng mỡ toàn thân, nhưng nó không đủ chất dinh dưỡng để thay thế một bữa ăn.
Để đảm bảo lợi ích của cà phê, nên sử dụng sau bữa ăn, chẳng hạn như bữa sáng để cải thiện trao đổi chất và kiểm soát lượng đường trong máu cao hơn. Nên tiêu thụ tối đa 400mg caffeine trong 1 ngày để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/uong-ca-phe-buoi-sang-khi-vua-ngu-day-khong-tot-cho-suc-khoe-a181847.html