Cuộc đời hoạt động cách mạng kiên trung bất khuất của bà Nguyễn Thị Minh Khai gây xúc động cho người xem trưng bày
Câu chuyện cảm động về nhà hoạt động cách mạng
Đông đảo người xem sân hoạt cảnh trong ngày khai mạc trưng bày, tái hiện câu chuyện về ông Phạm Hướng, cán bộ Đoàn chuyên trách của phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội trong thời gian bị địch bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò năm 1949 - 1950 - Ảnh: BTC
Đặc biệt câu chuyện của hai chị em "liệt nữ" Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thị Quang Thái khiến nhiều người xem phải nghẹn ngào.
Là một trong những nữ đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động sôi nổi cả trong nước và nước ngoài, năm 1940 Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt, kết án tử hình, giam tại Bót Catinat, Trại giam Phú Mỹ, Khám Lớn Sài Gòn.
Câu chuyện nữ anh hùng đã dùng máu của mình để viết những dòng thơ thể hiện ý chí kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng trong những ngày bị giam trong ngục tối khiến người xem rưng rưng.
Và đọc những lời bà dặn em gái Nguyễn Thị Quang Thái khi biết mình bị kết án tử hình năm 1941 khiến nhiều người thắt nghẹn: "Em hãy giúp chị, chừng nào Hồng Minh khôn lớn thì em đưa cháu về nuôi và dạy bảo cháu nên người...".
Nguyễn Thị Quang Thái và con gái bé nhỏ Võ Hồng Anh trước khi bà bị địch bắt giam
Bởi lẽ chỉ một năm sau, em gái của bà cũng bị chia cắt với con nhỏ vì bị địch bắt tù đày ở Hỏa Lò. Và ba năm sau ngày chị gái Nguyễn Thị Minh Khai hy sinh thì em gái Nguyễn Thị Quang Thái cũng mất trong tù, bỏ lại con thơ.
Những con chữ thấm máu cuối cùng
Trưng bày còn mang đến nhiều con chữ thấm máu xúc động cuối cùng của những nhà yêu nước đã viết trong ngục tù.
Đó là bài thơ cuối cùng của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh sáng tác trước ngày hy sinh (14-8-1943). Và những lời gan ruột của nhà yêu nước từng là "thần tượng của đồng bào lục tỉnh" Nguyễn An Ninh phát biểu tại Hội khuyến học Nam Kỳ (Sài Gòn), ngày 25-1-1923:
"Tôi khao khát mãnh liệt một nền văn hóa cho giống nòi ta, do chính chúng ta tạo nên, từ ruột gan, từ máu của ta.
Một nền văn hóa phản chiếu tâm hồn ta, không phải tâm hồn Viễn Đông, mà là tâm hồn của người da vàng, tâm hồn của người An Nam".
Hay cuốn sách Công nhân vận động mà nhà cách mạng kiên trung Nguyễn Đức Cảnh đã viết trong những ngày cuối cùng trong xà lim, trước khi bị hành hình, cũng như bài thơ Tạ từ ông gửi tặng mẹ trước khi hy sinh.
Trưng bày còn giới thiệu hình ảnh một số nhà tù mà kẻ địch từng sử dụng để giam cầm các chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam: nhà tù Hỏa Lò, nhà tù Côn Đảo, Khám Lớn (Sài Gòn), trại giam Chín Hầm, nhà đày Buôn Ma Thuột…