Bài viết "Đợi thành công mới đi họp lớp, hay năm nào cũng họp?
“Tôi có dự vài lần và thấy các bạn giờ thành đạt, họ khoái nói chuyện, tâm sự với các bạn là doanh nhân hoặc có chức sắc lớn.
Tầm như tôi và một số bạn nữa thì ít ai đến hỏi vài câu xã giao. Ngay cả khi ngồi mâm liên hoan, các bạn ấy cũng tự động chia thành nhiều nhóm nhỏ”, kể từ lần đó trở đi bạn đọc này không còn tha thiết họp lớp nữa.
“10 vạn câu hỏi vì sao” cũng là tình cảnh khiến nhiều người ngán ngẩm khi đến các buổi họp lớp. Như bạn đọc Ba Phi có kể lại câu chuyện của mình thường nhận về những câu hỏi: Giờ mày làm ở đâu? Lên chức gì rồi? Mua nhà rồi hả?
“Thật ra bạn bè thì một vài người thân là được, cứ trả lời cho qua chuyện, chứng tỏ hơn thua nhau tài sản, chức vụ làm gì? Chứ không có ai hỏi mày cần tao giúp gì không”, bạn đọc Ba Phi bày tỏ.
Cùng nỗi niềm, bạn đọc Phạm Phương Thảo cho biết muốn gặp bạn bè xưa mà nghĩ tới cảnh ngồi nghe người ta kể chuyện nhà lầu, xe hơi, con học trường quốc tế… thấy mệt.
Trong khi đó, tài khoản nguy****@gmail.com kể: "Tôi có tham gia ba nhóm họp lớp: lớp 9 (với vai trò chỉ là người tham dự), lớp 12 (với vai trò là lớp trưởng) và lớp đại học tại chức (với vai trò cũng chỉ là người tham gia). Tôi nhận thấy khi chúng ta càng họp lớp với những cấp lớn hơn thì càng ít chuyện để nói, càng gần với sự phát triển của công nghệ thì càng xa rời những ký ức, những kỷ niệm xưa.
Mỗi lần họp lớp, các bạn học cùng năm lớp 9 đều thích ngồi lại đúng chỗ ngồi học như ngày xưa, trò chuyện về những ngày thơ bé, thầy cô giờ ai còn ai mất, rồi tổ chức đi thăm. Chúng tôi đã gần 40 tuổi, tóc đã lấm tấm sợi bạc, có người thành đạt và cũng có người chưa may mắn. Vậy nhưng cùng nhau chụm đầu thổi chén chè nóng sao mà vui vẻ hồn nhiên đến lạ".
Nhiều buổi họp lớp của các bạn trẻ giờ vẫn rất vui - Ảnh: AN VI
Mỗi năm đều đặn 2 buổi họp lớp
Nhiều bạn đọc cũng chia sẻ rằng không phải buổi họp lớp nào cũng tạo áp lực cho người tham dự. Ngược lại, có những buổi họp lớp ấm áp và đầy ân tình.
Bạn đọc Hoa Cuc viết: "Tôi năm nay U45, năm nào cũng họp lớp cấp 2. Bạn bè gặp lại chỉ hỏi thăm vài câu đơn giản trong cuộc sống hiện tại, còn lại chủ yếu là ôn lại mấy cái kỷ niệm đáng nhớ của ngày xưa, chọc cười cho nhau, rồi cả đám cười nghiêng ngả, nói hoài cả buổi mà vẫn không đủ thời gian. Tiền bạc thì chia đều, cho nên năm nào cũng phải gặp nhau mới chịu".
Theo tài khoản HB, những buổi họp lớp nên xuất phát từ tình bạn, không đến để ban phát hay tìm kiếm cơ hội. Và điều quan trọng là ai cũng đóng góp số tiền bằng nhau tại buổi tiệc, không ai phải nợ hay mang ơn ai thì buổi gặp mới có ý nghĩa.
Bạn đọc Văn Đức chia sẻ một số cách ứng xử khéo léo, tránh gây khó chịu cho các bạn trong buổi họp lớp: “Không nên khoe khoang, không soi mói chuyện người khác, tránh ép uống nhiều khi họ không thích. Nên chia sẻ cuộc sống thời còn đi học, rồi cuộc sống sau đi học, gia đình để hiểu nhau hơn, giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau có cuộc sống tốt hơn…”.
Bạn đọc Hang Minh cho biết mỗi lần đi họp lớp cấp 3 là các bạn tự động mặc đồ đơn giản, không nói nhiều về mình hay hỏi han quá kỹ về công việc của bạn bè.
“Do đó chúng tôi họp lớp đã được trên 30 lần và lúc nào cũng đầy đủ, vui vẻ!”, bạn đọc Hang Minh vẫn tin vào những buổi họp lớp chỉ rộn ràng tiếng cười như thế.
Tài khoản Anh Hung 81 bày tỏ: "Lớp tui tổ chức họp lớp đến giờ cũng 20 năm rồi. Mỗi năm đều họp lớp 1 hoặc 2 lần".
Là một người thuộc thế hệ gen Z, anh Việt (Bình Phước) kể: "Chúng tôi vẫn có 2 buổi họp lớp đều đặn mỗi năm.
1 buổi diễn ra vào dịp Tết, cả lớp học chung năm cấp 2 sẽ cùng nhau đến nhà cô giáo chủ nhiệm cũ để chúc Tết. Chúng tôi sòng phẳng, mỗi người góp 200.000 đồng, mua quà cho cô, còn dư sẽ cùng nhau đi ăn uống.
Những buổi họp lớp như vậy đã kéo dài suốt 6-7 năm nay, ở đó chỉ có tiếng cười và những câu chuyện thơ ngây thời học sinh.
Còn một buổi thường sẽ diễn ra vào ngày 20-11, khi lớp 12 cũ của chúng tôi đến nhà cô chủ nhiệm để chúc mừng. Mỗi khi bắt đầu buổi tiệc, cô giáo sẽ là người hỏi thăm lần lượt cả lớp bằng những câu hỏi tình cảm: Em làm việc ở đâu? Ba mẹ ở nhà khỏe không? Em gái học lớp mấy…
Và cả lớp chỉ xoay quanh câu chuyện thời học sinh. Buổi họp lớp thân thương vì thế không có cảm giác giả lả hay áp lực".
Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphattrien.com/co-phai-buoi-hop-lop-nao-cung-gia-la-day-ap-luc-a182569.html