Ông Năm Trọng - Người Đội trưởng đội Võ trang Nguyễn Văn Trỗi thuộc Khu Đoàn Sài Gòn - Gia Định kể: “Đội võ trang của chúng tôi thuộc Thành Đoàn. Vào thời điểm đón bộ đội tấn công vào thành phố, đội chúng tôi có 5 người làm giao liên dẫn đường do tôi chỉ huy đã sát cánh chiến đấu suốt dịp Tết cùng bộ đội”.
Đêm Giao Thừa Tết Mậu Thân, bộ đội ta từ hướng Long An đột kích vào trung tâm Sài Gòn. Tiếng súng nổ vang.
“Vùng giải phóng” giữa lòng Sài Gòn
Theo chỉ thị, biệt động thành dẫn Tiểu đoàn 6 vào giải phóng Khám Chí Hòa. Tuy nhiên, do trời đã sáng, địch trong nội thành số lượng đông gấp hàng ngàn lần quân ta triển khai chốt chặn khắp nơi. Bộ đội và biệt động thành đánh địch trên nhiều con phố như Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Tri Phương, Bà Hạt, Nhật Tảo, Nguyễn Kim, Ngô Quyền, Sư Vạn Hạnh.
![]() |
Ông Năm Trọng bên bia tưởng niệm Vườn Lài |
“Sau ngày chiến đấu đầu tiên, bộ đội ta đã giải phóng hoàn toàn một khu vực rộng lớn ngay giữa Sài Gòn, làm chủ đường Minh Mạng (nay là đường Ngô Gia Tự) bắt đầu từ vòng xoay Lý Thái Tổ đến vòng xoay Nguyễn Tri Phương. Chính quyền Sài Gòn choáng váng” - ông Năm Trọng kể.
Bộ đội xuất hiện bất ngờ, các khu phố được giải phóng, hàng trăm tên địch đang về nhà ăn Tết đã ra hàng và được thả về nhà. Nhân dân náo nức vì lần đầu tiên được nhìn thấy bộ đội chính quy. Ông Năm Trọng nhớ lại: “Khi chúng tôi nổ súng đánh địch, đồng bào đóng cửa lại hết. Nhưng địch rút đi, tiếng súng yên, tất cả các gia đình đều mở cửa ào ra đón bộ đội”.
Cô Năm Lan, một chiến sĩ biệt động thành kể lại: “Người dân cầm tay, vỗ vai nói chuyện với bộ đội. Họ khen bộ đội đẹp trai, hiền lành, không giống như địch truyên truyền. Bao nhiêu bánh chưng, kẹo, hoa quả… dân đem cho bộ đội ăn Tết”. Nhiều cô gái đến làm quen, khen bộ đội đẹp trai còn các anh thì xấu hổ, không dám trả lời! Các em nhỏ mân mê những khẩu súng B.40, súng AK ánh mắt đầy thán phục.
Đêm mồng Một Tết Mậu Thân, trong khu phố được giải phóng diễn ra cuộc mít tinh với hàng ngàn người tham gia. Người dân cùng bộ đội chào cờ Giải Phóng. Ông Năm Trọng nhớ: “Bộ đội trang nghiêm hát vang bài Giải phóng miền Nam: Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước/ Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước. Những người mẹ già rơi nước mắt còn thanh niên hoan hô vang dậy”.
Một Tòa án nhân dân được mở ra để xét xử những tên gây tội ác. “Chúng tôi xét xử một tên khóm trưởng theo yêu cầu của bà con. Tội trạng của tên trưởng khóm đã quá rõ. Đây là tòa án nhân dân, nên chúng tôi để nhân dân quyết định. Bà con nói: Nó đã ăn năn rồi, tha cho nó về sửa chữa, có sự giám sát của người trong xóm. Vì thế phiên tòa kết thúc và tên trưởng khóm cũng được thả về nhà” , ông Năm Trọng kể.
Sau Mậu Thân, tập san của quân đội Sài Gòn có bài viết về phiên tòa độc đáo này của bộ đội ta và nhận định: “Việt Cộng đã làm được việc kích động tinh thần của quần chúng, làm cho mọi người thấy được sự yếu ớt của hệ thống chính quyền cơ sở”.
Hội ngộ vườn Lài
Việc bộ đội vào giải phóng các khu phố (nay thuộc quận 5, quận 11, quận 10) ngay giữa lòng Sài Gòn khiến cả thành đô chấn động. Địch rất hoang mang vì nhân dân công khai ủng hộ cách mạng, quyết che chở cho bộ đội.
Sáng sớm mồng Hai Tết, địch tập trung lực lượng mạnh phản kích, đánh vào đường Minh Mạng. Bộ đội ta bắn cháy xe bọc thép M113, bắn hỏng xe tăng địch, bẻ gãy các đợt phản công. Địch buộc phải rút ra xa “vùng giải phóng” của ta.
Ông Năm Trọng kể: “Chúng tôi ẩn nấp trong nhà dân, họ mở cửa thấy chúng tôi, liền cung cấp thức ăn, che giấu chúng tôi. Không có dân thì làm sao chúng tôi có thể chiến đấu trong lòng thành phố 9 ngày đêm liền?”.
Cô Năm Lan xúc động kể: “Điều lạ là tiếng súng vừa ngưng, địch rút lui ra xa thì trưa mồng Hai Tết người dân khắp nơi đổ về chen chúc như trẩy hội, nghẹt con phố dài 500m khu vực vườn Lài đường Minh Mạng để được gặp bộ đội. Cuộc gặp lần này diễn ra giữa ban ngày nên càng thêm khí thế. Mặc cho địch kéo quân và xe pháo đến mỗi lúc mỗi đông thì bà con cũng từ các quận đổ về đường Minh Mạng mỗi lúc mỗi nhiều”.
Ông Năm Trọng kể: “Hòa trong dòng người tới khu phố được giải phóng có cả phóng viên của báo Chính Luận tìm vào vườn Lài phỏng vấn. Tôi được cử ra trả lời phóng viên. Phóng viên hỏi: ai ra lệnh các anh tấn công? Tôi trả lời: Phó Tư lệnh Quân giải phóng bà Nguyễn Thị Định. Tôi nói vậy vì bà Định hoạt động công khai. Họ lại hỏi “mục đích cuộc tấn công?”. Tôi trả lời: giải phóng Miền Nam. Họ lại hỏi: Các ông định ở đây bao lâu? Tôi đáp: Đến lúc giải phóng xong Sài Gòn!. Họ cảm ơn tôi đã trả lời phỏng vấn, nhưng tôi cũng đề nghị họ đăng tin trung thực.
![]() |
Cô Năm Lan với di ảnh anh Út Nhị - người đã hi sinh trong chiến dịch Ảnh: Nguyên Anh |
Bộ đội và biệt động thành nhận được chỉ đạo của Bộ chỉ huy chiến dịch thông qua một giao liên tiền phương: “Các lực lượng hiện nay đang cắm trong thành phố phải quyết tâm giữ vững chiến đấu chờ đại quân tiến vào”.
Chiều mồng Hai Tết, địch sử dụng hỏa lực mạnh để hủy diệt bộ đội ta như dùng pháo, dùng trực thăng phóng tên lửa. “Những khu phố bị đốt cháy thành than và mỗi bước đi của chúng tôi đều dẫm trên lửa nóng”. Chúng tôi vừa di chuyển vừa chiến đấu ở các khu phố khác nhau. Biệt động thành có người hy sinh”, cô Năm Lan kể.
“Các khu phố bốc cháy dữ dội, nhưng chúng tôi vẫn bám trụ chiến đấu, cháy khu này, chúng tôi chiến đấu ở khu khác. Trưa mồng Bốn Tết, sau 3 đêm ở nội thành, bộ đội được lệnh rút ra ngoài. Biệt động thành tiếp tục ở lại hoạt động” - ông Trọng nói.
Tri ân
Năm tháng đã trôi qua, nhưng ký ức về cái Tết Mậu Thân giữa lòng Sài Gòn vẫn còn in đậm trong trái tim cô Năm Lan. Cô Năm Lan nói: “Địch bắt tôi trên nóc nhà, giữ hàng trăm người dân. Tôi nghĩ chúng sẽ bắn tôi ngay tại trận. Tôi nói: 'Hãy bắn tôi đi, nhưng những người dân này không quen biết chúng tôi, không liên quan gì, các ông hãy thả họ ra'. Địch nghe vậy căm tức xông vào đánh tôi nhưng người dân cũng được thả về”.
![]() |
Những gốc cây to trên đường Minh Mạng (nay là đường Ngô Gia Tự) là nơi bộ đội ta chốt chặn đánh địch phản công |
Ông Năm Trọng kể: “Chúng tôi ẩn nấp trong nhà dân, họ mở cửa thấy chúng tôi, liền cung cấp thức ăn, che giấu chúng tôi. Không có dân thì làm sao chúng tôi có thể chiến đấu trong lòng thành phố 9 ngày đêm liền?”.
Ông Năm Trọng nhớ mãi kỷ niệm trong ngày Tết hào hùng và đậm tình quân dân ấy: “Giữa những khoảnh khắc tiếng súng lặng đi thì từ các ngõ ngách người dân lại tìm cách tiếp tế cho chúng tôi. Có nhiều bạn trẻ còn đến nhờ dạy những bài hát chiến khu nữa! Đó là động lực cho chúng tôi đứng vững trong trận chiến không cân sức giữa lòng Sài Gòn”.