
Bạn Lê Kim Ngân gửi lời cảm ơn báo Tuổi Trẻ vì hành trình học tập 4 tháng đầy ý nghĩa tại đây - Ảnh: TRÍ ĐỨC
Sau buổi học, sinh viên được tổng kết, đánh giá toàn diện quá trình đào tạo tại tòa soạn.
Tư duy nghề đến từ phản biện từng câu chữ
Lớp học nằm trong thỏa thuận hợp tác đào tạo giữa báo Tuổi Trẻ và Trường đại học Hoa Sen. Theo thỏa thuận, sinh viên sẽ học học phần "kỹ năng tạo lập văn bản truyền thông" tại báo Tuổi Trẻ.
Không còn là những tiết học nặng lý thuyết, học cách viết một bài PR hay thông cáo báo chí, sinh viên đã có một học kỳ thật sự "chạm nghề", nơi các bạn bắt đầu suy nghĩ, làm việc và hành động như một người làm truyền thông thực thụ, tăng hiệu suất, hiệu quả truyền thông.
Mỗi buổi học là một phiên thực hành, một lần nhập vai khi thì làm người viết bài PR, lúc lại vào vai người xây dựng chiến dịch, nội dung mạng xã hội, soạn thảo thông cáo báo chí.
Chính việc tự lên ý tưởng, triển khai và thuyết trình kế hoạch đã buộc các bạn phải thay đổi tư duy: thay vì chỉ nghĩ như người học, sinh viên bắt đầu đặt câu hỏi như một người làm nghề.

Bạn Lưu Hồng Hạnh thuyết trình về chiến dịch ra mắt sản phẩm bánh Sweetcare gắn liền với thông điệp ăn uống lành mạnh - Ảnh: TRÍ ĐỨC
Giảng viên không đứng ở vị trí của người chấm điểm hay truyền đạt một chiều, mà trở thành người bạn đồng hành, cùng sinh viên phân tích những điểm chưa hợp lý, góp ý cách chỉnh sửa và hoàn thiện sản phẩm truyền thông.
Chính những câu hỏi phản biện sâu về thông điệp, tính logic, cách thể hiện đã tạo ra một áp lực tích cực, buộc sinh viên phải suy nghĩ như người làm nghề thực thụ.
Không chỉ dừng lại ở việc thuyết trình, nhiều nhóm sinh viên còn mang đến không khí sáng tạo đặc biệt cho lớp học: lồng ghép âm nhạc phù hợp vào nội dung trình bày, thiết kế trình chiếu chuyên nghiệp, đầu tư vào từng chi tiết để đảm bảo vừa thỏa mãn yêu cầu môn học, vừa thể hiện rõ cá tính nhóm.

Sinh viên hào hứng với phần trình bày chiến dịch truyền thông của các nhóm trong buổi học - Ảnh: TRÍ ĐỨC
Một số đề tài được sinh viên chuẩn bị cho bài tập của mình như: Trẻ Concert, Công chiếu Em xinh say hi, Sự kiện ra mắt sản phẩm bánh Sweetcare, Gieo mầm xanh ở chùa Giác Ngộ, Sự kiện Gặp gỡ top 21 Tân binh toàn năng, Chiến dịch truyền thông sản phẩm của BEING YOU, Ecocameras chính thức ra mắt, MV Con Rồng cháu Tiên, Welcome Day 2025 - Ngày hội chào đón tân sinh viên, Sản phẩm Swing của Orio… đã cho thấy khả năng sáng tạo linh hoạt và sự nhạy bén với xu hướng truyền thông hiện đại của sinh viên.
Ngoài ra sinh viên cũng chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức liên quan để hỗ trợ cho phần thuyết trình, cho thấy sự nghiêm túc trong quá trình thực hiện. Các sản phẩm có chất lượng tương đương nhau, không có sự chênh lệch quá lớn giữa các nhóm.
Nhiều giá trị ứng dụng trong thực tiễn

ThS Phạm Văn Quen - trưởng ban công tác bạn đọc báo Tuổi Trẻ, trưởng môn học - trao giấy chứng nhận cho sinh viên hoàn thành khóa đào tạo - Ảnh: HỒ NHƯỠNG
Thanh Bình - sinh viên năm 2 khoa marketing và truyền thông - cho rằng giá trị lớn nhất mà bạn nhận được chính là nền tảng kiến thức thực tế về viết báo và làm truyền thông.
Dù Bình không định hướng theo nghề báo mà thiên về quay dựng, nhưng quá trình học tại báo Tuổi Trẻ lại mang đến những kiến thức "xài được" trong bất kỳ lĩnh vực truyền thông nào.
Được học cách viết một bản tin, soạn một podcast, hoặc triển khai thông cáo báo chí một cách rõ ràng, mạch lạc, Bình tin rằng những gì mình tích lũy được sẽ giúp bạn tự tin và chủ động hơn trong công việc sau này.
"Việc được chỉnh sửa từng câu, từng lỗi nhỏ như chính tả hay ngắt câu giúp mình học được tính cẩn trọng, điều mà nghề nào cũng cần. Học ở tòa soạn không chỉ là học chữ, mà còn học tác phong làm việc", Bình chia sẻ.

Bạn Nguyễn Quang Huy khuấy động không khí buổi học với tiết mục nhảy ấn tượng - Ảnh: TRÍ ĐỨC
Với sinh viên Đức Mạnh, điều quý nhất là cơ hội được va chạm thực tế: viết - sai - sửa - viết lại. Theo Mạnh, quá trình này đã giúp bạn trưởng thành hơn về chuyên môn, đặc biệt là khả năng xử lý ngôn ngữ. Mỗi buổi học đều được giảng viên đồng hành sát sao, hỗ trợ sinh viên chỉnh sửa một cách thực tế và cụ thể.
Trúc Linh - sinh viên cùng lớp - kể rằng ngay từ buổi học đầu tiên, bạn đã bị thu hút bởi không gian học tập sạch sẽ, gọn gàng, và đặc biệt là sự phong phú của tài liệu tham khảo có sẵn trong môi trường tòa soạn.
Nhưng điều khiến Linh nhớ lâu hơn chính là cách giảng viên, những người có thâm niên thực chiến trong nghề, không ngần ngại góp ý trực tiếp, giúp sinh viên nhận ra những điểm chưa chặt chẽ trong văn phong, điều chỉnh câu chữ sao cho sát với chuẩn mực báo chí và tránh gây hiểu nhầm cho người đọc.
Linh cho rằng mỗi buổi học diễn ra với nhịp độ nhanh nhưng không hề khô cứng. Sinh viên không bị "đọc - chép" một chiều, mà được thực hành, sửa sai tại lớp, kích hoạt tư duy phản biện và sự chủ động. Thay vì học từ ví dụ có sẵn, các bạn được học từ chính lỗi sai của mình, điều mà Linh tin là hành trang quý giá nhất để trưởng thành trong nghề.

Bạn Nguyễn Ngọc Bích Anh đại diện nhóm trình bày chiến dịch truyền thông ra mắt một MV - Ảnh: TRÍ ĐỨC
Kiến thức đào tạo được vận dụng thực tế vào các môn học tại trường
Mạnh Hùng - sinh viên năm 2 khoa marketing và truyền thông - chia sẻ việc được học từ những người “đang làm nghề mỗi ngày” giúp giờ học trở nên sống động, truyền cảm hứng và không nhàm chán.
Qua từng buổi học, Hùng nhận ra truyền thông không chỉ là lý thuyết mà là quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhạy bén và đầu tư nghiêm túc, từ viết bài PR đến xây dựng chiến dịch. Những thắc mắc luôn được giảng viên giải đáp kịp thời, giúp kiến thức thấm sâu hơn.
Những gì học được ở báo Tuổi Trẻ không chỉ dừng lại ở lớp học này, mà Hùng còn tiếp tục được áp dụng trong các môn học khác tại trường đại học, và nhận được sự đánh giá cao từ chính giảng viên chuyên môn.
