Tiềm năng lớn
Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh mục tiêu: Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Trong đó, mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi hệ sinh thái biển.
Tuy vậy, theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, dù tiềm năng vô cùng to lớn, nhưng đóng góp của kinh tế biển cho kinh tế quốc dân chưa tương xứng, còn thiếu bền vững. Hàm lượng khoa học - công nghệ trong các sản phẩm biển còn ở mức khiêm tốn. Đầu tư cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực kinh tế biển còn hạn chế. Khai thác, sử dụng biển còn thô sơ, quản lý biển chưa hiệu quả.
![]() |
Mô hình “siêu” cảng Cần Giờ ở TPHCM |
Theo các chuyên gia, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới tình trạng nói trên là mặc dù biển nước ta có lợi thế tĩnh do thiên nhiên ban tặng, nhưng chưa tạo ra được lợi thế động (cơ chế, chính sách) kịp thời, đủ mạnh và đồng bộ để giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế biển. Bệnh “hội chứng” trong phát triển kinh tế biển vẫn còn đâu đó, như trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển và các khu kinh tế biển, đảo… Hỗ trợ giữa các vùng lãnh thổ miền núi, ven biển và hải đảo chưa thực sự tối ưu hoá.
Có thời kỳ địa phương nào cũng xin được làm cảng biển, tiêu tốn rất nhiều ngân sách mà không sử dụng hết công suất, dẫn đến lãng phí.
Để phát triển kinh tế biển, năm 2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 139 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu yêu cầu, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng biển, chú trọng những lĩnh vực trọng điểm như cảng biển và giao thông kết nối cảng biển với nội địa, thông tin liên lạc biển, hạ tầng kinh tế số...; phát triển đồng bộ hệ thống đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa giữa địa phương có biển với địa phương không có biển và kết nối với các nước. Nghị quyết cũng yêu cầu phát triển nhanh hệ thống đô thị ven biển, đảo để tạo ra các trung tâm dịch vụ hậu cần kinh tế mạnh, thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng.
Không gian mới, động lực mới
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, việc nghiên cứu sáp nhập các tỉnh miền núi, đồng bằng với các tỉnh có biển là cơ hội để mở ra không gian phát triển mới, tạo sự tự chủ trong hoạt động xuất nhập khẩu qua đường biển cho các địa phương. Hưng Yên và Thái Bình hợp nhất với nhau, Hải Phòng kết hợp với Hải Dương sẽ tạo nên sức mạnh mới, đánh thức tiềm năng vốn có giữa vùng đồng bằng và vùng biển.
![]() |
Việc sắp xếp các tỉnh đồng bằng, miền núi với các tỉnh có biển sẽ mở ra không gian phát triển mới |
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: Hiện nay, dư địa để các thành phố lớn phát triển nhanh và mạnh không còn nhiều, cần phải mở rộng không gian. Đặc biệt, việc sắp xếp các tỉnh Tây Nguyên với Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận sẽ giúp mở rộng không gian lãnh thổ núi rừng về phía biển, tạo ra liên kết mới trong phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá. Đồng thời sẽ thúc đẩy hạ tầng giao thông thông suốt, kết nối dễ dàng miền núi với đồng bằng ven biển và biển đảo; góp phần hoàn thiện hệ thống logistics, giúp thúc đẩy kinh tế phát triển hiệu quả và bền vững.
TPHCM, với dân số gần 10 triệu người, trong khi diện tích chỉ có hơn 2.000 km2 sẽ rất khó để có thể giải quyết được các điểm nghẽn về hạ tầng, nhà ở, phát triển công nghệ cao… Khi TPHCM hợp nhất các tỉnh trong vùng kinh tế Đông Nam bộ như Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, giúp giải quyết được các vấn đề ách tắc trong không gian phát triển ở khu vực đất liền, từ đó mở ra không gian phát triển rộng lớn từ phía biển.
Tương tự, ông Chu Hồi cho rằng, việc mở rộng TP Hồ Chí Minh hướng biển sẽ giúp thành phố mở ra không gian phát triển mới, mở rộng dư địa, tạo xung lực mới cho các bứt phá chiến lược của một “đầu tàu kinh tế”, vươn mình ra khu vực và thế giới. “Cái áo chật chội” mà thành phố này đang khoác không còn thích hợp với “người khổng lồ” theo yêu cầu của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhấn mạnh “trăm sông đổ về biển cả”, ông Chu Hồi cho rằng, sáp nhập tỉnh, thành có biển với các tỉnh đồng bằng và núi rừng là giải pháp đột phá, có tính bước ngoặt. Sắp xếp, kết nối các tỉnh, thành ven biển với các tỉnh đồng bằng, các tỉnh miền núi sẽ tạo ra hiệu ứng tương tác trong phát triển. Đây cũng chính là cuộc cách mạng tổ chức lại lãnh thổ quốc gia để phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong bối cảnh có sự can thiệp sâu rộng của công nghệ 4.0.
Sáp nhập tỉnh, thành hướng biển sẽ tạo thuận lợi trong việc đánh thức tiềm năng của các vùng miền trong nội tỉnh, thành phố; tạo “thế và lực mới” cho các địa phương phát triển toàn diện, bền vững, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng.
"Sắp xếp, kết nối các tỉnh, thành ven biển với các tỉnh đồng bằng, các tỉnh miền núi sẽ tạo ra hiệu ứng tương tác trong phát triển, cả về khía cạnh kinh tế, xã hội, cả về văn hóa và các giá trị vùng miền. Đây cũng chính là cuộc cách mạng tổ chức lại lãnh thổ quốc gia để phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong bối cảnh có sự can thiệp sâu rộng của công nghệ 4.0”.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam