Bảo quản hành và khoai tây cùng nhau không gây nguy hiểm chết người

Admin

Một đoạn video đang lan truyền trên mạng xã hội gần đây tuyên bố rằng bảo quản hành củ và khoai tây cùng nhau là nguy hiểm, thậm chí đã khiến một số trẻ em tử vong, nhưng điều này là không đúng.

Bảo quản hành và khoai tây cùng nhau không gây nguy hiểm chết người - Ảnh 1.

Video lan truyền với tuyên bố rằng ăn hành và khoai tây cùng nhau, hoặc bảo quản chúng cùng nhau sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm cả tử vong, là sai sự thật - Ảnh: FREEPIK

Đoạn video cho rằng chất ethelyn do hành tiết ra sẽ phản ứng với khoai tây, khiến chúng nhanh chóng nảy mầm và sản sinh độc tố như solanine và chaconine.

Video cảnh báo rằng ăn phải những củ khoai này có thể gây loét, viêm ruột, ngộ độc thực phẩm và rối loạn thần kinh. Trẻ em được cho là dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Ăn khoai tây mọc mầm dẫn đến tử vong?

Một số ảnh chụp màn hình từ bài báo đăng trên tờ Dainik Bhaskar (một nhật báo tiếng Hindi tại Ấn Độ - PV) cũng được chia sẻ trong video lan truyền.

Tuy nhiên, khi tra cứu theo từ khóa, cổng tin tức tiếng Anh Onmanorama không tìm thấy bất kỳ nguồn tin đáng tin cậy nào xác nhận có trẻ em tử vong do ăn khoai tây mọc mầm. Trang này khẳng định video đang lan truyền không liên quan đến các tuyên bố trong bài đăng.

Onmanorama cũng dẫn lại các nghiên cứu cho thấy hành có thể thải ra khí ethylene, chất có khả năng đẩy nhanh quá trình hư hỏng của các thực phẩm đặt gần đó.

Theo Trung tâm Thông tin công nghệ sinh học quốc gia Mỹ (NCBI), khoai tây vốn chứa các alkaloid tự nhiên như solanine và chaconine, tập trung nhiều ở vỏ và mầm. Những hợp chất này chỉ trở nên độc hại nếu tiêu thụ với số lượng lớn.

Các báo cáo từ Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) cũng nhấn mạnh rằng các alkaloid này không gây nguy hiểm nếu được ăn với lượng nhỏ. Một số nghiên cứu khác ghi nhận tình trạng ngộ độc ở người do ăn khoai tây sống hoặc đã bị hư hỏng.

Ngoài ra, bài viết trên Dainik Bhaskar có đề cập đến Trung tâm Chống độc quốc gia Mỹ (National Capital Poison Centre), trong đó khẳng định khoai tây tươi, chưa mọc mầm là an toàn khi tiêu thụ.

Tuy nhiên, trung tâm này cũng cảnh báo không nên ăn khoai tây sống hoặc đã mọc mầm, vì có thể chứa hàm lượng solanine và chaconine vượt ngưỡng an toàn.

Nguy hiểm khi tiêu thụ số lượng lớn

Trang Onmanorama đã tham vấn ý kiến từ một số chuyên gia y tế để kiểm chứng các tuyên bố đang lan truyền.

Theo đó, khoai tây sống hoặc đã mọc mầm có thể sản sinh một số hợp chất tự nhiên như solanine, một dạng glycoalkaloid được xem là cơ chế tự vệ của cây.

Các hợp chất này thường tích tụ với nồng độ cao khi khoai tây bảo quản quá lâu hoặc bắt đầu mọc mầm. Nếu tiêu thụ với lượng lớn, solanine có thể gây kích ứng đường ruột và trong một số trường hợp hiếm gặp có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe.

Tuy vậy, các chuyên gia cho biết người khỏe mạnh thường không gặp rủi ro nếu chỉ ăn một hoặc hai củ khoai tây mọc mầm. Dù vậy, lời khuyên phổ biến vẫn là nên tránh ăn phần vỏ sống và đặc biệt là các mầm dài mọc ra từ củ khoai.

Dữ liệu hiện có cho thấy hành đúng là có thể thải ra ethylene, còn khoai tây sống hoặc mọc mầm chứa glycoalkaloid - chất có khả năng gây độc nếu ăn với số lượng lớn.

Tuy nhiên, tuyên bố trong đoạn video rằng việc ăn hoặc bảo quản hành và khoai tây cùng nhau sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong, là sai sự thật.

Bảo quản hành và khoai tây cùng nhau không gây nguy hiểm chết người - Ảnh 2.Nước hành luộc vắt chanh có giúp hạ đường huyết?

Một video đang lan truyền mạnh trên mạng xã hội với thông tin thêm vài giọt chanh vào nước hành luộc có thể hạ đường huyết tới 300mg/dL.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề