Hệ thống ngân hàng bơm hơn 1,1 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế

Admin

TPO - Dư nợ tín dụng tính đến giữa tháng 6/2025 tăng 7,14% so với đầu năm, cao gần gấp đôi tốc độ giải ngân cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng tín dụng cao

Theo Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính - Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, tính đến ngày 18/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,7 triệu tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối năm 2024. Mức tăng trưởng này cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024.

Với dư nợ vào cuối năm 2024 ở mức 15.6 triệu tỷ đồng, ước tính hệ thống ngân hàng đã bơm thêm ra nền kinh tế gần 1.1 triệu tỷ đồng trong chưa đầy 6 tháng.

Số liệu được một số ngân hàng lớn công bố cũng cho thấy mức tăng trưởng tín dụng cao trong nửa đầu năm 2025.

Hệ thống ngân hàng bơm hơn 1,1 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế ảnh 1

Tăng trưởng tín dụng "tăng tốc".

Theo đại diện Vietcombank, đến cuối tháng 6, tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế sau khi hỗ trợ VCBNeo ước tăng hơn 5% so với cuối năm 2024; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững

Còn VietinBank ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong nhóm 4 "ông lớn" quốc doanh. Đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng của ngân hàng này đã tăng 10% so với đầu năm. Như vậy, quy mô dư nợ tín dụng của VietinBank đã tăng thêm khoảng 170.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2025.

Ông Trần Minh Bình - Chủ tịch Vietinbank cho biết, dòng vốn của VietinBank đang bám sát định hướng của Chính phủ, tập trung hỗ trợ tín dụng cho các dự án kinh tế trọng điểm. Theo ông, thời gian qua ngân hàng đã cho vay rất nhiều dự án liên quan đến hạ tầng. Nhà băng cũng sẽ ký kết dự án trọng điểm vừa mang tính chất về kinh tế lẫn chính trị kết nối giữa các quốc gia với nhau.

Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 16% và có thể nới thêm nếu có điều kiện. Để đạt được mục tiêu trên, ngay từ ngày 30/12/2024, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện, cung ứng vốn ra nền kinh tế ngay từ đầu năm.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, thông báo cho nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2025.

Với mức tăng 7,14% tính đến tháng 6, dư địa để tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 có thể đạt từ 16% trở lên là hoàn toàn khả thi.

Thận trọng điều gì?

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MBS ước tính tăng trưởng tín dụng của VPBank có thể đạt khoảng 12% vào cuối quý II, Eximbank tăng ước đạt 13%, VietinBank dự kiến đạt khoảng 10%, HDBank đạt khoảng 6%, OCB tăng khoảng 7%...

Trong bối cảnh đó, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng mở room tín dụng bổ sung trong các tháng cuối năm 2025 nếu cần thiết, nhằm đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên.

Mới đây, tại nghị trường Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, dư nợ tín dụng trên GDP ở mức 134% vào cuối 2024. Nếu tiếp tục dựa vào vốn ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro của hệ thống và có thể gây hệ lụy cho nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, với dư địa tăng trưởng tín dụng rộng mở, trong bối cảnh cầu vốn ở khu vực sản xuất phần nào bị hạn chế, dòng vốn sẽ ưu tiên lựa chọn các ngành mà chủ thế vay vốn có tài sản thế chấp dễ định giá như bất động sản hơn là khu vực đổi mới sáng tạo. Như thế sẽ kéo giảm năng suất của nền kinh tế về dài hạn.

Để kiểm soát rủi ro, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát, điều chỉnh phù hợp thực tế. Chính sách tiền tệ cũng được điều hành linh hoạt, hợp lý để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Bà nhấn mạnh để tăng trưởng cao, phát triển bền vững, các bộ ngành, nhất là Bộ Tài chính cần lưu ý cân đối nguồn vốn cho các dự án đầu tư lớn, trọng điểm; dự phòng vốn cho các dự án để không bị động và không tạo áp lực thu xếp vốn...

Tránh lạm dụng cho vay đặc biệt để 'cứu' tổ chức tín dụng yếu kém
Tránh lạm dụng cho vay đặc biệt để 'cứu' tổ chức tín dụng yếu kém
Quản lý tài chính thời sinh viên: dùng thẻ tín dụng có thực sự là lựa chọn thông minh?
Quản lý tài chính thời sinh viên: dùng thẻ tín dụng có thực sự là lựa chọn thông minh?
Quan hệ tín dụng: Người đi vay luôn ở 'cửa' dưới?
Quan hệ tín dụng: Người đi vay luôn ở 'cửa' dưới?