![]() |
GS.TS.BS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng y khoa Quốc gia |
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người, là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Không phải ngẫu nhiên mà trong mỗi lời chúc đầu năm hay trong những dịp quan trọng, điều đầu tiên mà người dân Việt Nam dành cho nhau luôn là “chúc sức khỏe”. Đó là một giá trị phổ quát, thể hiện niềm tin, khát vọng sống hạnh phúc và bình an, điều mà ngành y tế chúng ta luôn nỗ lực gìn giữ và vun đắp mỗi ngày.
Trong suốt quá trình phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm coi chăm sóc sức khỏe nhân dân là trung tâm của mọi chính sách phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự vào cuộc đồng bộ của toàn ngành, ngành y tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến hết năm 2024, 9/19 chỉ tiêu trọng yếu về y tế đã vượt mục tiêu năm 2025 tại Nghị quyết 20. Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của Việt Nam năm 2023 được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá đạt 68/100 điểm – cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á.
Hành lang pháp lý cho công tác y tế ngày càng được hoàn thiện, nổi bật là việc ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế và Luật Dược sửa đổi. Các chính sách không chỉ chuyển từ định hướng sang hành động cụ thể mà còn khẳng định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng và sự an toàn trong khám, chữa bệnh.
Chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được cải thiện, cả về chuyên môn và quy trình phục vụ. Hệ thống bệnh viện không ngừng được mở rộng, năng lực y tế cơ sở được củng cố, kỹ thuật cao được chuyển giao sâu rộng về cơ sở. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 94% đã giúp giảm đáng kể gánh nặng chi phí cho người bệnh, nhất là với các nhóm yếu thế.
Đặc biệt, chuyển đổi số trong y tế có nhiều bước tiến quan trọng: 4 nền tảng số y tế dùng chung đã được hoàn thiện; hồ sơ sức khỏe điện tử và khám chữa bệnh từ xa bước đầu được triển khai đồng bộ, giúp rút ngắn thời gian tiếp cận, tăng tính minh bạch và nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, quyền lợi của người bệnh trong quá trình chẩn đoán và điều trị vẫn còn những bất cập. Một số cơ sở y tế còn quá tải, thời gian chờ đợi kéo dài, chi phí ngoài luồng vẫn tồn tại. Việc liên thông dữ liệu chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng xét nghiệm, chẩn đoán trùng lặp, gây tốn kém và ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Việc cung cấp thông tin đầy đủ cho người bệnh – về chỉ định chuyên môn, lựa chọn phương pháp điều trị, quyền được đồng thuận – chưa được thực hiện một cách đầy đủ, minh bạch. Tiếp nhận, xử lý phản ánh còn thiếu chuyên nghiệp, chưa trở thành một công cụ cải tiến dịch vụ hiệu quả.
Chính sách bảo hiểm y tế, mặc dù đã có những bước tiến đáng ghi nhận, song trong bối cảnh kỹ thuật y tế không ngừng phát triển, danh mục thuốc, vật tư và kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế cần tiếp tục được cập nhật để người bệnh không bị bỏ lại phía sau vì rào cản tài chính.
Những tồn tại này đặt ra yêu cầu cấp thiết: phải đảm bảo đầy đủ, thực chất quyền lợi của người bệnh, đặc biệt trong quá trình chẩn đoán và điều trị – không chỉ ở khía cạnh chuyên môn hay kỹ thuật, mà còn ở góc độ thể chế, công bằng xã hội và đạo đức phục vụ. Ngành Y tế vẫn đang ra sức nỗ lực để từng bước khắc phục những hạn chế này.
Một trong những định hướng lớn mang tính đột phá đã được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh gần đây, đó là: “Phấn đấu để mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm và tiến tới miễn viện phí toàn dân”. Đây là những mục tiêu cụ thể, giàu tính nhân văn, thể hiện rõ bản chất ưu việt của chế độ ta và quyết tâm chính trị trong xây dựng một hệ thống y tế phục vụ nhân dân.
Ngành y tế xác định lộ trình 2026-2030 và 2031-2035 sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm để từng bước hiện thực hóa hai chủ trương lớn này. Đây là hành trình dài hơi, cần bước đi vững chắc, nhưng cũng là cơ hội lớn để chúng ta chuyển đổi hệ thống y tế từ chăm sóc bệnh sang bảo vệ sức khỏe, từ bị động sang chủ động, đồng thời nâng cao thực chất quyền lợi người bệnh.