Rối loạn cờ bạc có thể khiến người trẻ tự sát

Admin

TP - Gần 1% dân số mắc rối loạn cờ bạc, nam giới nhiều gấp ba lần nữ. Dù mang lại hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, tài chính và đời sống, phần lớn người bệnh chỉ đến viện khi đã rơi vào khủng hoảng nặng nề.

“Không ai nghĩ đam mê cờ bạc là bất thường, cho đến khi mất việc, tan vỡ gia đình, hoặc từng nghĩ đến cái chết”, bác sĩ TS. Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Rối loạn sử dụng chất, hành vi và giấc ngủ (Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ tại buổi chia sẻ chuyên môn về rối loạn cờ bạc.

Mỗi tháng chi 60 - 80 triệu đồng để đánh bạc

Rối loạn cờ bạc có thể khiến người trẻ tự sát ảnh 1

Nghiện cờ bạc khiến nhiều người trẻ khủng hoảng nặng nề

Tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định ở một công ty nước ngoài, tưởng chừng cuộc sống của anh N.T.V. (Hà Nội) đã an bài. Nhưng từ thời sinh viên, anh đã dính vào cá độ bóng đá. Ban đầu chỉ là giải trí, sau đó là "đuổi gỡ", rồi đến mức không kiểm soát được bản thân.

Sau khi mất việc do công ty giải thể, anh V lún sâu vào các trò may rủi để “giải tỏa áp lực”. V bỏ nhà, đến sống ở quán internet, chơi tài xỉu, cá độ online. Có tháng tiêu 60 - 80 triệu đồng để đánh bạc, thậm chí từng “tất tay” một ván tới 100 triệu đồng.

V vay mượn khắp nơi, lừa dối bạn bè, người thân để có tiền chơi tiếp. Dù nhiều lần cố gắng cai nghiện, lập kế hoạch làm lại cuộc đời, nhưng đều thất bại. Càng ngày V càng tự ti, suy sụp, sụt cân, tim đập nhanh, run tay chân, có dấu hiệu loạn thần. Gia đình đã phải đưa anh đến Viện Sức khỏe Tâm thần để điều trị nội trú.

Một trường hợp khác, bệnh nhân nam 34 tuổi, từng là sinh viên ngành Quản trị kinh doanh Học viện Bưu chính Viễn thông, ra trường làm việc tại công ty nước ngoài, thu nhập khá. Bên ngoài, anh là người vui vẻ, hòa đồng. Nhưng sau nhiều năm sa đà vào cờ bạc online, anh mất dần sự tự chủ.

Khi đến Viện Sức khỏe Tâm thần điều trị, bệnh nhân đã rối loạn hành vi, tự ti, trầm cảm nặng. Anh từng nhiều lần cố ngừng chơi cờ bạc, tìm công việc mới, nhưng không vượt qua được “cơn thèm” may rủi. Cuộc sống bị đảo lộn, nợ nần chồng chất, không lối thoát.

Đam mê cờ bạc là dạng rối loạn tâm thần

Theo TS. Lê Thị Thu Hà, rối loạn cờ bạc là một dạng rối loạn tâm thần, tương tự như nghiện ma túy hay nghiện rượu, do hệ thống tưởng thưởng trong não bị rối loạn.

“Người bệnh bị thôi thúc đánh bạc, không kiểm soát được hành vi, dù đã biết rõ tác hại. Cảm giác tội lỗi, chán nản thường đến sau mỗi lần đánh bạc, nhưng không ngăn được lần sau”, TS. Hà cho biết.

Nghiên cứu cho thấy, gần 1% dân số mắc rối loạn cờ bạc, trong đó nam giới nhiều gấp 3 lần nữ. Đặc biệt, 15 - 20% người nghiện cờ bạc từng có hành vi tự sát - tỉ lệ rất cao so với các rối loạn khác.

Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó trưởng phòng Rối loạn sử dụng chất, hành vi và giấc ngủ (Viện Sức khỏe Tâm thần) cho biết: “Đặc điểm của rối loạn cờ bạc là người bệnh không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của mình. Đa số chỉ tìm đến bác sĩ khi đã rơi vào khủng hoảng tinh thần, tài chính hoặc mối quan hệ xã hội tan vỡ.

Thực tế, các hình thức rối loạn rất đa dạng, có người chỉ chơi cá độ giải Ngoại hạng Anh, người chuyên đánh tài xỉu online, người thì chỉ quay số, lô đề... Dù vậy, nếu được phát hiện sớm, rối loạn cờ bạc có thể điều trị hiệu quả, bằng các liệu pháp tâm lí như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), giúp người bệnh thay đổi suy nghĩ lệch lạc và học cách kiểm soát hành vi”.

Một số trường hợp có thể sử dụng thuốc để kiểm soát cảm xúc bốc đồng, lo âu hoặc trầm cảm. Ngoài ra, nhóm hỗ trợ như Gamblers Anonymous (người nghiện cờ bạc ẩn danh) cũng rất hữu ích, tạo môi trường đồng cảm và cùng nhau hồi phục.

Dấu hiệu nhận diện

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu có những biểu hiện dưới đây, người bệnh nên đi khám để được tư vấn tâm lí kịp thời: luôn muốn đánh bạc với số tiền ngày càng lớn để đạt cảm giác hưng phấn; bồn chồn, cáu kỉnh nếu không được chơi; đã nhiều lần cố gắng dừng nhưng không thành công; thường xuyên nghĩ đến cờ bạc, dù đang làm việc hay sinh hoạt; dùng cờ bạc để giải tỏa cảm xúc tiêu cực như buồn bã, lo âu, thất vọng; sau khi thua, thường quay lại chơi để “gỡ”; che giấu hành vi đánh bạc với người thân; đánh mất các mối quan hệ, công việc, cơ hội học tập vì cờ bạc; phụ thuộc tài chính vào người khác để tiếp tục chơi.