Văn học đang thiếu vắng những Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh tạo cú nổ kích thị trường

Admin

Văn học dịch vừa thừa vừa thiếu, văn học trong nước lại thiếu vắng những 'cú nổ' kích thích thị trường xuất bản.

Văn học đang thiếu vắng những Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh tạo cú nổ kích thị trường - Ảnh 1.

Tới nay Nguyễn Ngọc Tư vẫn được nhắc như một hiện tượng văn đàn Việt Nam - Ảnh: TTO

Trên bình diện số liệu, có thể thấy ngành xuất bản Việt Nam đang trên đà tăng trưởng.

Riêng năm 2024, với gần 600 triệu bản in trên hơn 50.000 đầu sách, tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 4.500 tỉ đồng (tăng 10,3%), tăng trưởng cao nhất trong ba năm qua. Song cảm nhận chung về chuyện sách vở không mấy lạc quan.

Văn học dịch vừa thừa vừa thiếu

Trong những năm qua cũng có những đơn vị làm sách nỗ lực đưa văn chương đương đại của thế giới về Việt Nam. Đơn cử nhà văn Ireland sinh năm 1991, Sally Rooney, đã có một số tác phẩm tiêu biểu ra mắt ở Việt Nam vài năm trở lại.

Muốn làm được, các đơn vị cũng cố gắng hạn chế rủi ro bằng cách chọn những tác phẩm đoạt giải văn chương uy tín như Pulitzer, Goncourt, Booker... hay ở châu Á có giải Akutagawa tôn vinh các tác giả mới.

Tuy nhiên mỗi đầu sách đa phần chỉ duy trì mức trung bình 1.000 bản in. Danh tác ở nước ngoài hay đạt thành công quốc tế cũng khó thành hiện tượng xuất bản ở ta. Sức bán chậm, có khi kéo dài 4-5 năm là thường, chưa kể những đợt khuyến mại từ 30-50% giá bìa, có khi đổ đống đồng giá.

Trong khi đó việc dịch một tác phẩm thường kéo dài; các đơn vị làm sách phải gia hạn bản quyền, làm tăng chi phí sản xuất khiến giá bìa đội lên, làm độc giả cân nhắc lâu hơn trước cuốn sách mình muốn mua trong thời buổi mọi chi tiêu đều thắt chặt.

Các đơn vị làm sách đắn đo hơn trong việc đưa những cuốn sách mới có giá trị/ những kiệt tác thế giới chưa phổ biến ở Việt Nam. Thay vào đó chọn những tác phẩm có tính an toàn, xoay quanh các tác giả quen thuộc hoặc những đầu sách dịch "best seller" nhằm tối ưu hóa chi phí, đẩy nhanh vòng đời của một cuốn sách.

Chính những điều đó dẫn đến hiện trạng nghèo nàn, vừa thừa vừa thiếu: có những tác phẩm quá nhiều bản dịch, có những tác phẩm hay lại nằm ngoài thị trường xuất bản nội địa.

Chuyện một tác phẩm giành giải thưởng văn học trong nước giúp tác phẩm đó bán được nhiều sách hơn gần như không có.

Tác phẩm mới lọt thỏm

Kiệt tác thế giới cũng hẩm hiu, huống chi tác phẩm mới của các tác giả trong nước.

Nhiều năm qua ở ta không thiếu các giải thưởng cho sách, trong đó có sách văn học nhưng hiện có khoảng cách giữa các giải thưởng với công chúng.

Những giải thưởng văn chương với định hướng phát hiện tác giả mới không phải ít song nhìn lại nhiều cuộc đứt gánh giữa đàng. Lâu nhất có lẽ là cuộc thi Văn học tuổi 20, sau nhiều năm đã tạm dừng vào năm 2022 với lời hẹn sẽ tái khởi động vào năm 2026.

Những tác giả mới chỉ có thể hy vọng vào "con mắt xanh" của phê bình văn học báo chí, một hình thức giờ đây cũng đã mất đi ít nhiều trọng lượng. Khi không được quảng bá phù hợp, những tác phẩm mới khó lòng tạo được ấn tượng với độc giả.

So với trước, việc công bố tác phẩm dễ dàng hơn do sự lên ngôi của các nền tảng mạng xã hội nhưng lại dễ rơi vào tăm tích. Thành thử mỗi năm số lượng tác phẩm mới tuy không ít nhưng lại lọt thỏm giữa một "rừng" bản in các thể loại.

Thiếu vắng những "cú nổ"

Nói đi cũng phải nói lại. Số lượng sách của các tác giả mới nhiều nhưng đọng lại được bao nhiêu?

Rất lâu rồi, văn đàn Việt Nam thiếu vắng những "cú nổ" kiểu Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Nhật Ánh hay Nguyễn Ngọc Tư..., những người chinh phục bạn đọc ở bình diện nghệ thuật hay đại chúng.

Nguyễn Ngọc Tư - Ảnh 2.

Sách của Sally Rooney in ở Việt Nam cũng không quá hot

Chính những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp vào thập niên 1980 đã đánh thức một nền "văn nghệ minh họa" (chữ của nhà văn Nguyễn Minh Châu).

Hay năm 2005, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đã làm nên một hiện tượng chưa từng có thời điểm đó: tái bản bốn lần với tổng số lượng bản in lên 25.000 bản, số ấn bản cao nhất cho sách văn học Việt Nam cùng năm.

Một "cú nổ" khác là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ở một sự kiện giao lưu hồi tháng 5 tại TP.HCM, bà Quách Thu Nguyệt - nguyên giám đốc, tổng biên tập NXB Trẻ - kể khi Tôi là Bêtô và Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ phát hành đều có lượng phát hành khủng, mỗi lần tái bản lên đến chục ngàn cuốn.

Hay cuốn Mắt biếc, NXB Trẻ thông tin với Tuổi Trẻ kể từ lần phát hành đầu tiên vào năm 1990, đến nay đã tái bản hơn 60 lần với hơn 100.000 bản.

"Lâu nay chúng tôi thường hay nói mình là 'bà đỡ' của tác giả sách nhưng thực ra nhờ những nhà văn như Nguyễn Nhật Ánh, chúng tôi cũng được bạn đọc thương lây", bà Quách Thu Nguyệt nói.

Mở rộng ra, chia sẻ trên không dừng lại giới hạn ở Nguyễn Nhật Ánh mà ở bất cứ tác giả nào có thể tạo "sóng". Đó là những nhà văn có tác phẩm in ra được độc giả đón nhận nồng nhiệt khiến những đơn vị làm sách "được thương lây" và làm nên sức mạnh nội tại của chính nền văn học ấy.

Văn học dịch cũng quan trọng nhưng nó không phải là tất cả. Nói cho cùng ta không thể đợi một tác giả đương đại trên thế giới nào đó kể về Việt Nam của chúng ta.

Độc giả Việt Nam đang chờ những tình tự Việt Nam trong một hiện thực Việt Nam mới để bầu bạn, sẻ chia giữa thời đại sống động đầy biến chuyển này.

Thiếu vắng những Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh - Ảnh 3.Văn chương Việt tìm đường ra quốc tế

Để đưa văn chương Việt ra quốc tế cần có nhiều yếu tố cộng hưởng từ các nhà xuất bản, công ty sách, dịch giả và chính bản thân tác giả.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề