Thực tế này được ông Đỗ Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Khu công nghiệp Nhật Bản – Hải Phòng, chỉ ra tại Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025 với chủ đề "Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy- Vietnam Economic Times tổ chức ngày 9/7/2025.
CÓ HIỆN TƯỢNG DOANH NGHIỆP, KHU CÔNG NGHIỆP CÓ HÀNH VI GREENWASHING
Các nghiên cứu cho thấy, khu công nghiệp xanh có thể giúp tăng năng suất lao động từ 15–25% nhờ áp dụng công nghệ cao, cải thiện môi trường làm việc và thu hút nhân sự chất lượng. Đồng thời, đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Việt tiếp tục tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, xu thế chuyển đổi xanh – bền vững cũng đang có những thay đổi khó lường. Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng xanh hướng tới Netzero vào 2050, Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Để không bỏ lỡ cơ hội, Việt Nam cần mạnh mẽ tái cấu trúc ngành công nghiệp theo hướng bền vững. Đầu tư vào công nghiệp xanh không chỉ là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu Việt Nam muốn duy trì tăng trưởng nhanh và giữ vững vị thế trong kỷ nguyên Net Zero.

Trao đổi tại Diễn đàn, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Khu công nghiệp Nhật Bản – Hải Phòng nhấn mạnh mục tiêu kép vừa tăng trưởng, vừa xanh, là một mục tiêu tốt đẹp. Phong trào khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái được bắt đầu từ năm 2018 nhưng thực tế đến nay không có nhiều khu công nghiệp mặn mà với mô hình này.
Đáng chú ý đề cập đến vấn đề "Tẩy xanh" (Greenwashing), ông Hưng nêu thực tế có một số doanh nghiệp, khu công nghiệp đang có hành vi greenwashing, quảng bá triển khai công nghiệp sinh thái, làm nhiều thứ xanh, nhưng thực chất chỉ là “sơn vẽ”.
Khái niệm Greenwashing được hiểu là hành vi của các công ty, tổ chức cố tình thổi phồng các cam kết bảo vệ môi trường, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, hoạt động của họ là thân thiện với môi trường hơn thực tế, nhằm mục đích tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng...
Mặc dù chính sách về vấn đề này đã được ban hành từ năm 2018, được hoàn thiện bằng Nghị định số 35/2022/NĐ-CP với hệ thống tiêu chí rõ ràng, và có thông tư hướng dẫn nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có khu công nghiệp nào được công nhận cấp chứng chỉ là khu công nghiệp sinh thái.
Hiện nay có một số khu công nghiệp đã bước đầu triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái, tuần hoàn, tái chế chất thải nhưng tỷ trọng còn rất hạn chế.
"Các khu công nghiệp được xác định là trung tâm sản xuất, trung tâm tăng trưởng. Muốn tăng trưởng kép, tăng trưởng cao cần phải phát triển nhiều khu công nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chế biến. Tuy nhiên, đồng hành với đó đây cũng là trung tâm phát thải, trung tâm ô nhiễm môi trường”, ông Hưng nhấn mạnh.
Chính vì thế cần phải triển khai phát triển các khu công nghiệp sinh thái nhưng thực tế đến nay chưa có nhiều khu công nghiệp triển khai.
ĐỀ XUẤT CẦN PHẢI CÓ SÀN GIAO DỊCH CHẤT THẢI TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
Là người tham gia và có kinh nghiệm trong phát triển khu công nghiệp, ông Hưng khẳng định rằng làm khu công nghiệp sinh thái là rất tốn kém. Đơn cử như việc bố trí diện tích đất cho cây xanh trong khu công nghiệp, theo ông Hùng, giá 1m2 đất trong khu công nghiệp năm 2018 là 75 USD nhưng đến nay giá đất tại Khu công nghiệp Nhật Bản- Hải Phòng giai đoạn 2 khoảng 220 USD/m2, gấp 3 lần trước đây. Nếu bố trí 25% diện tích đất khu công nghiệp cho cây xanh, tức là giảm hàng nghìn tỷ đồng.

Đề cập vấn đề năng lượng sạch, sản xuất sạch, ông Hưng nhấn mạnh, khi phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh không chỉ ở bề ngoài mà quan trọng nhất là trong các nhà máy có chuyển đổi xanh không.
“Chúng ta muốn làm khu công nghiệp sinh thái nhưng nếu các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất trong khu không chuyển đổi, không sản xuất sạch hơn thì cũng không thể thực hiện được”, ông Hưng nói.

"Khi phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh, không chỉ ở bề ngoài mà quan trọng nhất là trong các nhà máy có chuyển đổi xanh không. Vì thếế, các chính sách cần phải đồng bộ, hấp dẫn, khuyến khích các khu công nghiệp đăng ký tham gia xây dựng khu công nghiệp sinh thái".
Để xây dựng khu công nghiệp sinh thái cần có nhiều tiêu chí trong đó có tuần hoàn, cộng sinh công nghiệp…
Các quy định pháp luật về sử dụng chất thải, tuần hoàn cũng rất chặt chẽ. Ví dụ để nước thải sau xử lý có thể sử dụng tưới cây hoặc làm mát, hoặc tái sử dụng chất thải cũng cần phải báo cáo và được cơ quan có thẩm quyền cho phép mới được làm.
Do đó, ông Hưng cho rằng các chính sách cần phải đồng bộ, hấp dẫn, khuyến khích các khu công nghiệp đăng ký tham gia xây dựng khu công nghiệp sinh thái.
Thực tế các khu công nghiệp mới vào đăng ký làm khu công nghiệp sinh thái rất nhiều nhưng thực chất chỉ là Greenwashing. Theo ông Hưng, những đơn vị khi đầu tư làm khu công nghiệp mới sẽ không được duyệt nếu tỷ lệ lấp đầy trong các khu trên địa bàn không đạt 60%. Ngay cả khi các đơn vị cam kết phát triển thành khu công nghiệp sinh thái nhưng phải sau thời gian 3- 5 năm, thậm chí 10 năm mới rõ có sinh thái hay không.
Nhấn mạnh việc phát triển khu công nghiệp xanh, thực chất vẫn nằm ở các nhà máy sản xuất, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Khu công nghiệp Nhật Bản– Hải Phòng, đề xuất cần phải có sàn giao dịch chất thải trong các khu công nghiệp, để các nhà máy “tự ăn chất thải của nhau” thì mới có thể đạt được mục tiêu khu công nghiệp phát thải bằng 0- NetZero.
Ngoài ra, đối với năng lượng sạch, doanh nghiệp muốn phát triển điện mặt trời nhưng mới chỉ được phép ở mức tự sản tự tiêu, không được đầu tư để bán…
Đại diện Khu công nghiệp Nhật Bản– Hải Phòng mong muốn thông qua diễn đàn có kiến nghị với các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp triển khai phát triển mô hình sinh thái, xanh.
#box1752061237637{background-color:#bbddbe}